Chưa phát hiện tại “hiện trường” thực phẩm không đảm bảo
Sáng ngày 18/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn kiểm tra liên ngành đã đi kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại Hà Nội.
Tại cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo truyền thống Tôn Cù ở ngõ 1, phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm chuyên sản xuất các loại mứt như mứt bí đao, mứt cà rốt, mứt lạc, mứt gừng..., khi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn kiểm tra đến kiểm tra thì có khoảng 5-7 công nhân đang tiến hành các công đoạn của quy trình sản xuất mứt bí. Các bể rửa bí, các bồn ngâm bí cũng như các chảo bí đang được đảo, mẹt bí phơi sấy cũng như đường, lạc... tràn ngập ở khu vực tầng 1 và tầng 2 của cơ sở này.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra bể ngâm mứt tại cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo truyền thống Tôn Cù
Bà Đỗ Thị Phượng- chủ cơ sở cho biết, tất cả các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các loại mứt bí đều được cơ sở lấy ở một số tỉnh thành trong nước như bí đao lấy tại Tây Ninh, lạc lấy tại Sóc Sơn, gừng lấy ở Sơn La và đường lấy tại công ty có thương hiệu ở Đồng Nai. Tại đây, Bộ trưởng và các thành viên trong đoàn đã kiểm tra qui trình sản xuất mứt phục vụ Tết Nguyên đán 2018. Qua kiểm tra cho thấy, cơ sở có đủ các giấy tờ xác nhận mứt sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm…Các công đoạn của quy trình sản xuất đều được các công nhân của xưởng thực hiện bằng điện (từ khâu rửa bí, đảo bí với đường, sấy mứt bí ngay tại xưởng...) thay cho thủ công như đảo bí trên bếp than, phơi sấy bí ngoài trời như trước... Đoàn kiểm tra đã lấy các mẫu mứt bí và cà rốt để kiểm nghiệm
Lấu mẫu mứt bí để kiểm nghiệm chỉ tiêu về ATTP
Tại Công ty cổ phần sô-cô-la Belcholat (khu công nghiệp Nam Thăng Long), đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra và lấy mẫu nguyên liệu làm sô-cô-la của công ty. Đây là công ty chuyên sản xuất, cung cấp sô-cô-la lâu năm. Đoàn kiểm tra chưa phát hiện được thực phẩm không bảo đảm ATTP tại đây.
Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Y tế tại buổi kiểm tra, ông Trần Văn Chung- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong đợt cao điểm kiểm tra thực phẩm tết nguyên đán Mậu Tuất, các đoàn kiểm tra của Hà Nội đã kiểm tra được 6.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đã phát hiện 1.200 cơ sở có các lỗi sai phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt 400 cơ sở với số tiền trên 3 tỷ đồng, đồng thời tiêu hủy một số sản phẩm thực phẩm không đảm bảo ATTP
Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các thành viên đoàn kiểm tra ATTP liên ngành kiểm tra các giấy tờ liên quan đến sản xuất mứt của cơ sở Tôn Cù
Công bố công khai kết quả kiểm nghiệm để người dân lựa chọn thực phẩm an toàn
Qua kiểm tra 2 cơ sở sản xuất mặt hàng phụ vụ Tết Nguyên đán 2018, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, các cơ sở sản xuất đã tiến bộ hơn trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm, bảo đảm ATTP, chế biến theo qui trình cải tiến hơn để phục vụ nhu cầu thực phẩm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng yêu cầu thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở sản xất/kinh doanh các mặt hàng dự báo tiêu thụ nhiều trong dịp tết/lễ hội như: bánh kẹo, giò chả, mứt, các loại thực phẩm tươi sống, như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, phụ gia thực phẩm... “Việc kiểm tra nhằm phát hiện và kịp thời loại các sản phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Bộ trưởng cũng yêu cầu: Không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả. Đồng thời, địa phương cần tăng cường tập huấn cho chủ các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ về ATTP; về các chứng nhận cần có để sản xuất thực phẩm bảo đảm vệ sinh...
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu sản xuất sô-cô-la
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm của các đoàn kiểm tra là lấy mẫu các sản phẩm thường sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán để kiểm tra về ATTP và cảnh báo ngay đến người dân. Do đó, các cơ sở kiểm nghiệm chuyên ngành phải ưu tiên nguồn lực để kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm do các đoàn thanh tra gửi đến để có kết quả sớm, thông báo công khai tới người dân cơ sở làm đạt chất lượng, cơ sở chưa đạt an toàn thực phẩm để người dân biết và lựa chọn. Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm trước Tết song ra Tết mới công bố kết quả kiểm nghiệm.
Bên cạnh đó, các đoàn thanh kiểm tra cũng phải công bố cả những đơn vị, cơ sở thực hiện tốt và đơn vị chưa tốt để người dân biết thông tin mà lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe; khuyến khích người Việt dùng hàng Việt.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, để đảm bảo chất lượng ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Ban chỉ đạo liên ngành TW về vệ sinh ATTP đã triển khai Kế hoạch bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018. Theo đó, Ban chỉ đạo đã thành lập 6 đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố (Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau, Kiên Giang, Lạng Sơn và Cao Bằng) từ ngày 20/1/2018 đến 5/2/2018.
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra quy trình đóng gói sản phẩm sô-cô-la
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ban hành chỉ thị 09 về đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội xuân 2018, trong đó chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra ATTP tại các tỉnh/ thành trọng điểm về ATTP, nhất là các cửa khẩu.
Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Mậu Tuất và các lễ hội.