Đẩy mạnh thanh, kiểm tra đột xuất và xử lý vi phạm ATTP dịp cuối năm

20-12-2017 11:31 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Dịp cuối năm, Tết Nguyên đán luôn là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang bước vào giai đoạn “nước rút” nhằm cung ứng hàng hóa cho thị trường.

Chính vì vậy, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị mở đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra thị trường thực phẩm Tết, cuối năm…

Mở đợt cao điểm thanh kiểm tra ATTP

Còn khoảng 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán 2018, tuy nhiên, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 6986/BYT-ATTP về tăng cường công tác thanh, kiểm tra ATTP dịp cuối năm. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố nhanh chóng triển khai hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt. Cùng đó, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý vi phạm ATTP theo Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP và Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp cuối năm tăng vọt, đảm bảo ATVSTP là nỗi lo lớn.

Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp cuối năm tăng vọt, đảm bảo ATVSTP là nỗi lo lớn.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương ngay trong tháng 12/2017 phải khẩn trương tiến hành xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội xuân 2018.

Tại Hà Nội, các cơ quan chức năng dự báo, mỗi dịp Tết Nguyên đán đến, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đều tăng lên đột biến, tập trung vào các nhóm hàng: gạo, thịt gia súc, gia cầm, trứng, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát. Trong đó, vấn đề ATTP là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay đối với người dân. Bởi vậy, nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP cho người dân Thủ đô dịp Tết Nguyên đán 2018, ngay từ thời điểm này, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh kiểm tra, tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh và người dân tham gia đảm bảo vệ sinh ATTP.

Được biết, 9 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố đã kiểm tra 95.172 cơ sở, phát hiện 17.822 cơ sở vi phạm về ATTP, xử lý 21.705 cơ sở, trong đó phạt cảnh cáo 533 cơ sở, phạt tiền 6.948 cơ sở với số tiền phạt: 33 tỉ đồng, hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm ATTP.

Người dân Thủ đô yên tâm có thực phẩm sạch phục vụ Tết?

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong công tác bảo đảm ATTP thời gian qua vẫn có những khó khăn như một số nội dung trong văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất và chưa đầy đủ (ví dụ như Nghị định 178/NĐ-CP xử phạt hành chính về ATTP không có khung xử lý vi phạm về người sản xuất kinh doanh chế biến không có giấy xác nhận kiến thức về ATTP, cơ sở không cam kết ATTP); phòng kiểm nghiệm tuyến thành phố chưa đáp ứng việc phân tích một số chỉ tiêu hóa lý, chất cấm, chất tồn dư có nguy cơ cao trong thực phẩm nông lâm thủy sản; nhân lực chuyên trách ATTP các tuyến còn thiếu; cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại nhiều chợ tạm, chợ cóc… Bởi vậy, để đảm bảo vệ sinh ATTP những tháng giáp Tết, TP. Hà Nội phối hợp các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh và người dân tham gia đảm bảo vệ sinh ATTP.

Một trong những hoạt động đảm bảo chất lượng ATTP trong dịp Tết Nguyên đán 2018 là Ban chỉ đạo Chương trình “Bữa ăn an toàn” của Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai “Tuần lễ ATTP Tết 2018” trên địa bàn thành phố. Bà Hồ Thị Mai Chinh - Chủ nhiệm Chương trình “Bữa ăn an toàn” cho biết, mục tiêu của chương trình là kiểm soát bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm và tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018.

Thực hiện Tuần lễ ATTP Tết 2018, theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, cơ quan này sẽ tăng cường kiểm tra tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán năm 2018 như: rau, thịt, rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, dịch vụ ăn uống; các cơ sở sản xuất tại làng nghề, các cơ sở kinh doanh tại các chợ và siêu thị. Đồng thời huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân.


Nguyễn Trần
Ý kiến của bạn