TS. Nguyễn Thanh Phong.
PV: Công tác đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Mậu Tuất đã và đang được cơ quan chức năng triển khai như thế nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Để tăng cường bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ban hành Chỉ thị 09 về đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018, trong đó chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra ATTP tại các tỉnh/ thành trọng điểm về ATTP, nhất là các cửa khẩu.
Hiện tại, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP cũng đã thành lập 6 đoàn thanh kiểm tra với sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh/thành trong dịp Tết này. Dự kiến ngay đầu tuần tới, các đoàn kiểm tra do lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì sẽ ra quân tiến hành kiểm tra đột xuất một số cơ sở.
Điểm mới trong công tác thanh tra, kiểm tra ATTP Tết năm nay là các đoàn thanh kiểm tra của Trung ương chủ yếu đôn đốc, thanh kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương chứ không làm thay địa phương. Nếu địa phương nào không thực hiện nghiêm túc, Ban Chỉ đạo sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ có hình thức xử lý, không để “trên nóng dưới lạnh”.
Quá trình thanh, kiểm tra sẽ tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như bia rượu, bánh kẹo... Đặc biệt, sẽ kết hợp lấy mẫu test nhanh tại chỗ để cho kết quả ban đầu và có thể công bố ngay để xử lý sai phạm.
Với các mẫu cần kiểm nghiệm ở phòng thí nghiệm cũng phải ưu tiên làm sớm và trả lời kết quả nhanh để cảnh báo kịp thời đến người tiêu dùng. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở kiểm nghiệm dịp Tết này phải ưu tiên nguồn lực để kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm do các đoàn thanh tra gửi đến để có kết quả sớm, thông báo công khai tới người dân cơ sở đạt chất lượng, cơ sở chưa đạt ATTP để người dân biết và lựa chọn. Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm trước Tết, song ra Tết mới công bố kết quả kiểm nghiệm.
PV: Tuy nhiên, thưa ông, trên thực tế vẫn có ý kiến cho rằng công tác thanh kiểm tra ATTP hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Trên thực tế, nhiều địa phương vẫn “khoán trắng” công tác thanh tra, kiểm tra ATTP cho cơ quan y tế. Thực tiễn cho thấy, nếu không có sự phối hợp liên ngành thì hiệu quả kiểm tra không cao. Chúng tôi nhận thấy có một thực tế là cứ đoàn kiểm tra ATTP nào có sự tham gia của các lực lượng chức năng như công an thì các đối tượng cố tình gian dối cũng dè chừng hơn, không dám manh động và cán bộ đi thanh tra cũng đỡ bị nghe “chửi” nhiều hơn.
Mặt khác, hiện việc phát hiện sai phạm và xử lý các cơ sở vi phạm quy định về ATTP cũng gặp không ít khó khăn. Có cơ sở khi đoàn thanh, kiểm tra đến thì đóng cửa, kiên quyết không tiếp. Có cơ sở đăng ký sản xuất một nơi nhưng thực tế lại chuyển địa điểm sản xuất đến một nơi khác, đoàn kiểm tra rất khó khăn khi tiếp cận...
PV: Như ông nói thì cơ quan chức năng quyết liệt nhưng cộng đồng có lẽ chưa yên tâm bởi thông tin về các vụ bắt thực phẩm bẩn vẫn liên tục được đăng tải. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Cũng phải thẳng thắn mà nói rằng, ở nước ta hiện vẫn phổ biến khái niệm “ăn Tết”, do đó lượng thực phẩm sử dụng trong thời gian này rất lớn, có sự gia tăng đột biến. Dịp Tết Nguyên đán này, chúng tôi dự báo các thực phẩm có sức tiêu thụ tăng gấp 10 lần ngày bình thường như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát... Nắm được tâm lý này và vì lợi nhuận, các đối tượng sản xuất, kinh doanh có thể làm giả, làm nhái sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng, vì vậy, người dân không nên dùng rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi trên thị trường.
PV: Có một thực tế là trong dịp Tết, người dân thường có thói quen tích lũy nhiều thực phẩm trong nhà, nhất là các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng nhiều như bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, cá, rau củ quả... Theo ông, điều này có nên hay không?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế ở các tỉnh miền Bắc, dịp Tết Nguyên đán hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Còn ở miền Nam, thời tiết nóng, nhiệt độ cao, cũng khiến các sản phẩm có nhiều đạm như thịt, cá, cua, tôm... rất dễ ôi thiu.
Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên tích lũy nhiều thực phẩm trong mấy ngày Tết bởi hiện nay, các sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả... luôn sẵn có, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng. Đặc biệt người dân đừng coi chiếc tủ lạnh là một “bảo bối” vì tủ lạnh chỉ bảo quản thực phẩm được trong một thời gian nhất định. Bên cạnh đó, người dân cần hạn chế bia rượu, không lạm dụng rượu bia và tuyệt đối không sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh tiền mất tật mang.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!