Theo phản ánh, thủ tục cấp giấy công bố phù hợp quy định ATTP là “hành” doanh nghiệp bằng các “giấy phép con” trong khi hiệu quả quản lý hạn chế… Đồng thời, có một số phản ánh cho hay, thời gian cấp công bố phù hợp quy định ATTP đối với các thực phẩm đã có, tuy nhiên, việc thẩm định hồ sơ thường kéo dài hơn quy định… Xung quanh những vấn đề này, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong đã làm rõ thông tin…
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong.
Phóng viên (PV): Trong quá trình sửa đổi Nghị định 38 của Chính phủ quy định chi tiết về thi hành Luật ATTP vừa qua, một số Hiệp hội đã kiến nghị bỏ thủ tục cấp công bố phù hợp quy định ATTP cho sản phẩm trước khi lưu hành mà để doanh nghiệp được tự công bố. Quan điểm của Cục ATTP về vấn đề này, thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong: Đúng là hiện nay có nhiều nước ở châu Âu và một số nước tiên tiến ở châu Á như Singapore, Nhật Bản đang áp dụng rất thành công phương pháp quản lý bằng cách để doanh nghiệp tự công bố phù hợp quy định ATTP còn cơ quan quản lý nhà nước chỉ tập trung đi hậu kiểm, tức kiểm tra trên thị trường. Tuy nhiên, đây là các nước rất tiên tiến, ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp ở nước họ rất cao. Còn thực tế, đa số các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Trung Quốc cũng đang áp dụng như Việt Nam, thậm chí họ còn quản chặt chẽ hơn, tất cả các sản phẩm thực phẩm trước khi ra thị trường đều phải đăng ký với cơ quan quản lý. Với Việt Nam hiện càng chưa thể xóa bỏ thủ tục cấp công bố sản phẩm và để doanh nghiệp tự công bố được.
Lý do vì điều kiện, quy mô sản xuất thực phẩm của nước ta còn nhỏ lẻ, đa số là cơ sở sản xuất nhỏ, hộ gia đình. Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, người dân ở nước ta còn hạn chế, tình trạng cố tình vi phạm, lách luật để vi phạm còn phổ biến như việc dân ta “trồng rau 2 luống, nuôi lợn 2 chuồng, một để ăn và một đem bán”. Ngoài ra, muốn chuyển từ phương thức quản lý tiền kiểm sang hậu kiểm đòi hỏi một lực lượng thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường hùng hậu, chất lượng cao. Chẳng hạn tại Nhật Bản, hiện họ có đến 12.000 thanh tra chuyên ngành về ATTP, trong khi cả ngành y tế nước ta hiện chỉ có khoảng hơn 400 thanh tra chuyên ngành.
PV: Có thông tin phản ánh một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo socola sử dụng 13 nguyên liệu nhập khẩu thì phải xin cả 13 loại giấy phép. Hoặc thông tin theo quy định thời gian cấp công bố phù hợp quy định ATTP đối với các thực phẩm bao gói sẵn là 15-30 ngày, nhưng có thực tế mà một hiệp hội doanh nghiệp là “tới ngày 13 thì cán bộ gọi doanh nghiệp lên bổ sung hồ sơ, tính thời gian từ đầu, 3 lần như thế là mất vài tháng”… Xin ông cho biết thực hư của các thông tin này?
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong: Chúng tôi cũng đã nhận được phản ánh về việc này nhưng nếu nói như vậy là chưa hoàn toàn phù hợp. Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, tất cả nguyên liệu sử dụng trong sản xuất, bán trong siêu thị hay các khách sạn 4 sao trở lên đều được kê dưới dạng một bảng kê, việc này nhằm giúp kiểm soát sử dụng nguyên liệu đúng theo quy chuẩn của Việt Nam, còn giấy công bố cho sản phẩm cuối cùng thì chỉ cần 1 giấy cho 1 sản phẩm. Nói cách khác, không phải doanh nghiệp mất 13 loại giấy tờ như dẫn chứng trên mà chỉ cần 1 tờ giấy làm các bảng kê các loại nguyên liệu trên mà thôi.
Đoàn thanh tra Bộ Y tế kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất bánh kẹo ở Hà Nội.
Liên quan đến thông tin “theo quy định thời gian cấp công bố phù hợp quy định ATTP với thực phẩm thông thường là 15 ngày nhưng tới ngày 13 thì cán bộ mới gọi doanh nghiệp lên bổ sung hồ sơ” gây mất thời gian và phiền hà doanh nghiệp, tôi cho rằng, đây là thông tin phiến diện mà doanh nghiệp phản ánh. Lý do vì hiện việc cấp công bố thực phẩm của Cục ATTP thực hiện toàn bộ trên ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 - mức độ cao nhất, chỉ cần vào mạng internet, doanh nghiệp, người dân đều biết được hồ sơ của mình đã được chuyển đến đâu, đang được xử lý ra sao. Đúng là thực tế có những hồ sơ không thể cấp được, phải làm đi làm lại nhiều lần vì hồ sơ xin cấp sai, không đạt. Còn cá biệt trường hợp nào do cán bộ gây khó dễ cho doanh nghiệp thì Cục sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm.
Thực tế trong dự thảo sửa đổi Nghị định 38 hiện nay, khi xây dựng chúng tôi cũng đã giảm bớt nhiều thủ tục không cần thiết để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể như: miễn đăng ký công bố sản phẩm cho những nguyên liệu nhập vào chỉ để xuất khẩu; miễn ghi nhãn tiếng Việt cho những sản phẩm nhập vào để gia công và xuất khẩu chứ không tiêu thụ trên thị trường Việt Nam; miễn kiểm tra Nhà nước với hàng thực phẩm nhập vào để bán tại các cửa hàng miễn thuế…
Với những thủ tục cần thiết thì vẫn phải giữ lại vì ATTP là mặt hàng trực tiếp liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Chúng tôi luôn cầu thị/lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng không nên chồng lấn giữa thông thoáng với buông lỏng quản lý.
PV: Thế còn một số ý kiến cho rằng ngộ độc thực phẩm ở khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, đường phố mới phổ biến còn thức ăn bao gói sẵn thì ít nguy cơ ngộ độc nên thủ tục cấp công bố phù hợp quy định ATTP với thực phẩm bao gói sẵn ít có hiệu quả trong quản lý, ông nghĩ sao?
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong: Tôi khẳng định, đây là nhận định hoàn toàn không đúng. Thực tế ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn chỉ là ngộ độc cấp tính, còn ngộ độc trường diễn do các thực phẩm không đạt các tiêu chuẩn, chỉ tiêu chất lượng, có chứa các hàm lượng kim loại vượt ngưỡng như đồng, chì, sắt... theo quy định mới đáng lo ngại.
Do đó, nếu không có bước kiểm soát tiền kiểm, doanh nghiệp cứ sản xuất sau đó tự mình công bố rồi bán ra thị trường, không ai dám chắc sản phẩm đó có đạt các tiêu chuẩn hay không, thậm chí bản thân doanh nghiệp cũng không biết sản phẩm của mình có đạt tiêu chuẩn hay không.
PV: Xin cảm ơn Cục trưởng!