Những ngày gần đây, thông tin lừa đảo "con đang nằm viện, chuyển tiền gấp để nhập viện/phẫu thuật" đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Khi "tin dữ" ập đến, có không ít những bậc cha mẹ vì quá lo sợ nên đã dễ dàng "sập bẫy" của những kẻ lừa đảo.
Nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên, khi mọi người nhận được thông tin từ những kẻ lừa đảo, trước hết cần bình tĩnh để xác minh kỹ càng hơn. Thay vì nghe cuộc điện thoại đó và chuyển tiền thì cần xác minh lại với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, ban phụ huynh trước khi thực hiện các giao dịch tài chính.
Về phía các bệnh viện, có nhận viện phí từ hình thức chuyển khoản hay không? Việc chuyển tiền/nộp tiền trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân, sẽ được thực hiện như thế nào để đảm bảo tính an toàn, tránh được những rủi ro không mong muốn?
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, bà Trần Thị Thơm, Phòng Hành chính – Kế toán – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại các bệnh viện sẽ đều có tài khoản riêng. Khi nộp viện phí bằng hình thức chuyển khoản, sau khi nhập số tài khoản và ngân hàng thụ hưởng, tên đơn vị thụ hưởng sẽ hiện lên (vd: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội…), như vậy chứng minh được số tiền chuyển đi sẽ vào tài khoản của bệnh viện. Còn với những số tài khoản không hiển thị tên đơn vị thụ hưởng là bệnh viện thì cần phải cảnh giác ngay.
Về quy trình nộp tiền cho bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, bà Thơm cho hay, trong trường hợp có người nhà đi cùng, tại khoa cấp cứu, điều dưỡng sẽ in giấy tạm ứng ký quỹ và hướng dẫn người nhà đi ra phòng kế toán (điểm thu viện phí) để nộp tiền. Còn nếu bệnh nhân cần cấp cứu mà không có người nhà đi cùng thì việc cấp cứu cho bệnh nhân vẫn sẽ được ưu tiên.
"Vì cứu người là hàng đầu, không có bệnh viện nào bỏ mặc bệnh nhân đang cần cấp cứu chỉ vì chưa nộp tiền cả. Sau khi cấp cứu cho bệnh nhân, nếu vẫn chưa có thông tin người nhà để liên hệ thì chúng tôi sẽ nhờ đến Phòng công tác xã hội, hoặc đưa lên cổng thông tin của bệnh viện, hay các phương tiện thông tin đại chúng để tìm người nhà cho bệnh nhân", bà Thơm chia sẻ.
Bà Thơm cũng cho hay, hiện tại Bệnh viện Bạch Mai và nhiều bệnh viện khác đều có 3 hình thức để nộp tiền viện phí, bao gồm chuyển khoản, quẹt thẻ ATM hoặc nộp tiền mặt. Trong trường hợp chuyển khoản, ngoài việc để ý tên đơn vị hưởng thụ để xác minh chính xác nơi cần nộp tiền thì người nhà bệnh nhân cũng cần ghi rõ thông tin của bệnh nhân (Họ và tên, năm sinh, nhà/khoa bệnh…).
"Với những trường hợp như các cụ già chăm nhau tại bệnh viện mà không đủ tiền nộp viện phí, muốn con cháu ở quê chuyển khoản giúp, chúng tôi sẽ trực tiếp dùng điện thoại của người bệnh để gọi, hướng dẫn trực tiếp cho người nhà bệnh nhân ở quê cách thức chuyển khoản vào tài khoản của bệnh viện. Như vậy sẽ giúp cho bệnh nhân bớt lúng túng và cũng tránh được những rủi ro không đáng có", bà Thơm nói.
Bà Thơm cũng cảnh báo thêm, tại nhiều bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai đã từng xảy ra trường hợp người xấu giả làm nhân viên bệnh viện để nhận giúp bệnh nhân đi nộp tiền. Bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa giấy tờ và tiền để đi nộp hộ, không ít bệnh nhân và người nhà đã "dính bẫy", đến khi được bệnh viện thông báo chưa nộp tiền viện phí thì mới "ngã ngửa". Chính vì thế bệnh nhân và người nhà cũng cần hết sức cảnh giác với người lạ, cần trực tiếp đến điểm thanh toán viện phí để nộp tiền, hoặc chuyển khoản vào số tài khoản có hiển thị tên đơn vị thụ hưởng là bệnh viện đang khám và điều trị.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, trước khi thực hiện ca mổ hay thủ thuật nào, người bệnh hoặc thân nhân chịu trách nhiệm y khoa như bố, mẹ, con… cũng phải kí vào giấy cam kết phẫu thuật - thủ thuật. Đây là một trong những thủ tục hành chính bắt buộc, có tính pháp lí trong hồ sơ bệnh án. Do đó, một người lạ thì không thể thay mặt gia đình ký cam kết vì khi ký cũng phải có giấy tờ pháp lý để xác minh.
"Nguyên tắc của ngành y là 'cứu người như cứu hỏa' nên không bao giờ có chuyện phải nộp tiền thì người bệnh mới được cấp cứu. Khi bệnh nhân nhập viện chúng tôi sẽ yêu cầu kê khai những thông tin cơ bản như họ, tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại người thân khi cần liên hệ. Đối với việc đóng viện phí không bao giờ là bắt buộc ngay lập tức, càng không phải là điều kiện đưa ra để cân nhắc chữa hay không chữa cho bệnh nhân", PGS.TS Trần Minh Điển khẳng định.
Mời bạn đọc xem tiếp video: Tường tận chiêu lừa đảo, vét sạch tiền ngân hàng của 'siêu lừa' Nguyễn Thị Hà Thành
Tường Tận Chiêu Thức Lừa Đảo, Vét Sạch Tiền Ngân Hàng Của “Siêu Lừa” Nguyễn Thị Hà Thành - SKĐS