Hà Nội

Bạo lực học đường: Làm sao để con mạnh mẽ và vững tâm?

07-02-2023 10:51 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau khi nhận được tin nhắn từ nhiều phụ huynh hỏi về việc "nếu con bị bạo lực học đường thì nên làm gì, có dẹp được không, làm sao để con không nghĩ dại…", TS. Vũ Thu Hương đã có những phân tích rõ ràng về bạo lực học đường - một vấn đề chưa bao giờ "nguội" này.

Liên tiếp bạo lực học đường: "Không sợ xử phạt nặng sẽ hỏng mất một con người"Liên tiếp bạo lực học đường: 'Không sợ xử phạt nặng sẽ hỏng mất một con người'

SKĐS - Trong bối cảnh học sinh phải ở nhà học trực tuyến quá lâu để phòng dịch COVID-19, tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề, do vậy khi học sinh quay trở lại học trực tiếp đã liên tục xuất hiện vấn đề bạo lực học đường.

Báo Sức khỏe&Đời sống xin chia sẻ bài viết của TS. Vũ Thu Hương - một chuyên gia giáo dục, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tới các bậc cha mẹ về sự nguy hiểm của vấn nạn bạo lực học đường cũng như cách xử lý thế nào khi con bị bắt nạt và cách nào để giúp con vững vàng vượt qua trong mọi tình huống, tránh những hậu quả đau lòng.

Có dẹp được tình trạng bắt nạt học đường?

Rất nhiều bậc cha mẹ mong muốn dẹp ngay và luôn tình trạng bắt nạt học đường, nhưng theo tôi đó là một nhiệm vụ bất khả thi bởi 5 lý do sau đây:

Thứ nhất, cứ có người với người là bắt nạt sẽ xảy ra, trừ khi phụ huynh cho con học với 100% người máy. Con người sẽ luôn có phần con và phần người. Bắt một góc xã hội phải sống lý tưởng tuyệt đối sẽ là vô lý.

Thứ hai, người lớn ra đời cũng bắt nạt, trù úm, hại nhau. Vậy chẳng có lý do gì để đám trẻ nghe lời người lớn không bắt nạt bạn bè.

Thứ ba, xưa trẻ có cuộc sống rất phong phú, nhiều bạn bè với các hoạt động khác nhau ngoài học, ăn và ngủ. Ngày nay, bọn trẻ bị bố mẹ kìm kẹp bởi "sợ con mình gặp nguy hiểm", "sợ con mình vất vả", sợ con mình không sung sướng",... cuộc sống bó hẹp, nhàm chán chỉ ăn, ngủ, học, chơi game, điện thoại, xem tivi... Vì thế, các con phải kiếm thứ để giải tỏa sự nhàm chán và bắt nạt bạn là một thú vui của không ít bạn trẻ.

Thứ tư, người lớn (thầy cô, cha mẹ) áp đặt và giảng đạo lý khiến bọn trẻ càng thấy cô độc. Đôi khi bắt nạt bạn sẽ khiến mình được người lớn quan tâm dù đó là trách móc, đánh đập, mắng mỏ.

Thứ năm, người lớn lắm lúc bất công vô cùng, bênh đứa này, ghét đứa kia. Đứa "học sinh tiêu biểu" dễ bị ghét nhất. Cũng như "con ngoan trò giỏi", "con nhà người ta" dễ bị cô lập và ghét nhất lớp.

Thực tế chứng minh là đám trẻ 7X, 8X ngày xưa không dễ làm chuyện dại dột chỉ vì bị bạn trêu chọc. Thế nhưng đám trẻ ngày nay thì vô cùng mong manh. Vì sao?

Bởi các con có rất ít bạn. Bạn bè chỉ ở trường và một số anh chị em họ. Ngoài ra, khái niệm bạn hàng xóm, bạn khu phố, bạn cùng câu lạc bộ... là rất xa lạ, hiếm gặp với trẻ ngày nay.

Cha mẹ nào cũng sợ đủ thứ nhưng thực tế là cha mẹ lười dạy con, lười quan sát, lười cho con trải nghiệm nên cha mẹ nhốt con lại cho an tâm để làm việc khác. Hậu quả là khi có vấn đề gì đó bất ổn, các con có quá ít chỗ để chia sẻ. Thiếu điểm tựa tinh thần, các con dễ làm việc dại dột.

Bạo lực học đường - Làm sao để con mạnh mẽ và vững tâm? - Ảnh 3.

Cha mẹ hãy trở thành người bạn thân của con để mỗi khi gặp khó khăn, con luôn có người bạn lớn để chia sẻ.

Thêm nữa, các con có cuộc sống quá nhàm chán cũng vì cha mẹ ngại canh con làm, ngại cho con thử, hạn chế hoạt động của con.

Việc ít trải nghiệm nên tầm nhìn của các con rất hạn hẹp cũng là một lý do. Các con chỉ quan tâm đến ngày hôm nay, ngày mai mà quên mất các con còn cả quãng đời phía trước. Không mấy bạn nhận thức được rằng, trêu ghẹo gì cũng sẽ có lúc ngừng, mình cũng chỉ học cùng bạn có vài năm rồi chia tay. Nếu các con hiểu rõ điều này, chắc chắn các con sẽ có sức mạnh để vượt qua những cơn khủng hoảng.

Ngoài ra, được cha mẹ bao bọc quá nhiều nên các con còn thiếu cả các kinh nghiệm và kĩ năng thoát khỏi khủng hoảng. Ví dụ, khi cô giáo mắng một câu là lập tức bố mẹ đã lao ra xử lý. Con bị một vết xước rất nhỏ thôi là bố mẹ đã gầm lên rồi…

Hậu quả lâu dài hơn mà bố mẹ không thấy ngay lúc đó là các con rất mong manh và thiếu tự tin. Khi lớn hơn, bị bạn bè bắt nạt, con không dám kể cho bố mẹ nghe vì sợ bố mẹ lao đến trường (con sẽ xấu hổ). Âm thầm chịu đựng nhưng không sẻ chia được, con sẽ dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng đến mức không thể tháo gỡ.

Một điều nữa đó là bố mẹ quá áp đặt hoặc quá xa cách, không thể sẻ chia. Con luôn phải chống chịu cảm giác cô độc một mình chỉ vì không có tiếng nói chung với bố mẹ. Khi đó, chỉ cần bạn làm điều gì đó hơi quá, con sẽ nghĩ ngay đến việc chấm dứt cuộc đời.

Cũng như bố mẹ không xử lý khi con có tính cách không ổn. Những thái độ xấu sẽ khiến bạn bè khó chịu và con dễ bị bắt nạt, cô lập.

Cha mẹ phải làm gì để con mạnh mẽ hơn và vững tâm hơn?

Theo tôi, không tránh được tình trạng bắt nạt học đường thì chúng ta hướng dẫn con đối diện và xử lý. Xử lý sao ổn thỏa mà con vẫn vui tươi, vững vàng.

Cha mẹ hãy cho con trải nghiệm các công việc nhà đến các trải nghiệm khám phá. Cùng con tìm hiểu sở thích của mình để con có thể sống cùng sở thích.

Xây dựng một thời gian biểu hoạt động kín mít cho con. Điều này sẽ khiến thời gian cảm thấy khó chịu của con rất ngắn. Chỉ vài chục phút sau, con đã phải làm một loạt các hoạt động khác khiến con quên đi cảm giác khó chịu.

Tạo điều kiện cho con kết bạn thật nhiều. Con càng có nhiều bạn, càng dễ dàng giải tỏa bức xúc. Bạn có thể ở khắp nơi, bạn ở khu phố, bạn ở các câu lạc bộ, bạn ở trong các nhóm phượt hè... Có bạn bè, con sẽ có nhiều điểm tựa tinh thần. Điều này sẽ giúp con bình thản trước mọi sóng gió cuộc đời.

Hãy trở thành một người bạn thân với con. Điều này có nghĩa là cha mẹ phải thường xuyên chuyện trò cùng con. Hôm nay của mẹ thế này, ngày xưa của mẹ thế kia. Tâm sự để con cũng cảm nhận được sự tin tưởng và thiện chí của bố mẹ để tâm sự ngược lại. Khi đó, con luôn có người bạn lớn để chia sẻ khi khó khăn.

Khi con bị bắt nạt hoặc đơn giản là xích mích với bạn bè, hãy để con tự xử lý. Quan sát, cổ vũ, động viên, thậm chí thúc giục con tìm ra cách xử lý. Đừng nghĩ hộ con, chỉ cần nói: Mẹ tin là con sẽ xử lý tốt.

Đồng hành bên con (tức là luôn lắng nghe và cổ vũ chứ không lao đến xử lý hộ con) liên tục cho đến khi con xử lý xong vấn đề.

Luôn bàn bạc với con các cách thức giải quyết khủng hoảng với bạn bè. Khi đang lúc yên bình chưa có chuyện gì xảy ra, bố mẹ vẫn nên có những buổi thảo luận để tìm phương án xử lý vấn đề dễ xảy ra ở trường.

Xử lý bạo lực học đường: Cảm hóa học sinh, đừng tạo sự tủi nhục, bất bìnhXử lý bạo lực học đường: Cảm hóa học sinh, đừng tạo sự tủi nhục, bất bình

SKĐS - Liên quan đến việc một phụ huynh ở trường quốc tế ở TP. HCM tố con bị bạn học đánh, dưới góc độ quản lý giáo dục, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng dù giải quyết sự việc theo cách nào thì cuối cùng cũng là để cảm hóa học sinh chứ không phải tạo sự tủi nhục, bất bình.


Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn