Hà Nội

Chuyên gia đưa ‘kế sách’ giải quyết vấn nạn bạo lực học đường

27-09-2022 14:16 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo GS. Peck Cho, bạo lực học đường ở Việt Nam nếu so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu thì mới đang ở giai đoạn bắt đầu và nhiều khả năng những năm tiếp theo sẽ còn tệ hơn.

‘Thuốc’ nào ‘trị bệnh’ nói tục, chửi thề cho học sinh?‘Thuốc’ nào ‘trị bệnh’ nói tục, chửi thề cho học sinh?

SKĐS - "V*", "đm*", "sml*", "xl*"… - đó là những cụm từ quen thuộc, diễn ra ngày càng nhiều ở lứa tuổi học sinh. Học sinh nói tục, chửi bậy không chỉ ở trường, ở nhà mà còn xuất hiện với tần suất nhiều đến chóng mặt ở bất cứ hội, nhóm chat như thể đã thành trào lưu và đó là điều rất đáng lo ngại.

Học sinh đánh nhau tới chảy máu đầu, chấn thương sọ não

Vụ việc mới đây tại Trường THCS Hạ Hồi (huyện Thường Tín, Hà Nội), trong giờ ra chơi, một nam sinh lớp 9 trường này đã bị bạn học cùng khối đánh bầm mặt, chấn thương sọ não và phải điều trị tại bệnh viện.

Hay mới đây, do nảy sinh mâu thuẫn, một nữ sinh lớp 8 Trường THCS Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) bị bạn học cùng trường dùng đoạn cây đánh vào đầu gây thương tích phải nhập viện.

Được biết, từ đầu năm học 2022 - 2023 đến nay, tại Thừa Thiên Huế liên tiếp xảy ra 3 vụ nữ học sinh đánh nhau như tại Trường THCS Lộc Thuỷ (huyện Phú Lộc), Trường THCS Phong Sơn (huyện Phong Điền) và Trường THCS Chu Văn An (TP. Huế). Điều đáng nói, trong khi các học sinh đánh nhau thì rất nhiều học sinh khác không ngăn chặn mà đứng xem, cổ vũ và dùng điện thoại quay clip.

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, mặc dù Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng tình trạng bạo lực học đường vẫn tái diễn, nhất là các vụ việc xảy ra vào đầu năm học 2022 - 2023.

Chuyên gia đưa ra "kế sách" giải quyết vấn nạn bạo lực học đường - Ảnh 2.

Một nữ sinh lớp 8 Trường THCS Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) bị bạn học cùng trường dùng đoạn cây đánh chảy máu đầu phải nhập viện. Ảnh cắt từ clip

Chuyên gia đưa ra "kế sách" giải quyết vấn nạn bạo lực học đường - Ảnh 3.

Nhiều vụ việc, trong khi các học sinh đánh nhau thì rất nhiều học sinh khác không ngăn chặn mà đứng xem, cổ vũ và dùng điện thoại quay clip.

Bạo lực học đường đến từ đâu ?

Theo ông Nguyễn Tân, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bạo lực học đường thời gian qua tại Thừa Thiên Huế nằm ở khâu phòng ngừa. Công tác nhận định tình hình chưa nhanh nhạy, việc nắm bắt thông tin, dư luận trong học sinh chưa kịp thời, vụ việc còn chậm được phát hiện, khiến những mâu thuẫn giữa học sinh với học sinh không được can thiệp, can ngăn giải quyết. Bên cạnh đó, ý thức của người học, đạo đức, lối sống, tâm lý của học sinh bị nhiều yếu tố tác động, học sinh thiếu kĩ năng kiểm soát cảm xúc, công tác quản lý của nhà trường và gia đình, xã hội thiếu sự quan tâm thường xuyên… dẫn đến tình trạng bạo lực học đường.

GS. Peck Cho (Đại học Korea, Hàn Quốc) - Cố vấn giáo dục của Chính phủ Hàn Quốc cho biết, bạo lực học đường hiện nay là vấn nạn đang rất nghiêm trọng. Theo GS. Peck Cho, bạo lực học đường ở Việt Nam nếu so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu thì mới đang ở giai đoạn bắt đầu và những năm tiếp theo nó sẽ còn tồi tệ hơn.

Nói về nguyên nhân, GS. Peck Cho phân tích, vấn nạn bạo lực học đường do những tổn thương các trẻ mang đến trường. Những tổn thương ấy có thể xảy đến ngay cả khi các em còn là những đứa trẻ nhỏ. Khi những đứa con trong thời gian phát triển không thể kết nối được với cha mẹ và mất kết nối sâu sắc, mất niềm tin, lo lắng… khi chúng lớn dần lên thì bắt đầu thể hiện những vấn đề liên quan đến rối loạn tổn thương về tâm lý.

GS. Peck Cho cho rằng: "Bạo lực học đường không phải vấn nạn ở trường, không phải vấn đề của trường học mà nó là vấn đề quốc gia. Và tất cả những nhà giáo dục chúng ta cần có những kiến thức để thuyết phục được Chính phủ hành động và tất cả mọi người trong xã hội đều phải coi trọng vấn đề này để hành động, vì học sinh và bảo vệ học sinh".

Cần có những giải pháp mang tính tổng thể

Qua những vụ bạo lực học đường xảy ra vào đầu năm học tại Thừa Thiên Huế vừa qua, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế yêu cầu các phòng, ban liên quan khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường. Đặc biệt, yêu cầu các cơ sở giáo dục thành lập ngay Ban phòng chống bạo lực học đường tại đơn vị, do thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm trưởng ban; thành viên là các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp, công an địa phương, đại diện cha mẹ học sinh.

Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm lớp cần nâng cao trách nhiệm, thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh; thiết lập các kênh thông tin như hộp thư góp ý, đường dây nóng, bố trí hệ thống camera giám sát, lập trang mạng xã hội để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về bạo lực học đường.

Để hạn chế tối đa và giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cần có những giải pháp mang tính tổng thể. Gia đình, nhà trường, xã hội cần nâng cao nhận thức, ý thức cho học sinh và con em mình về những hành động bạo lực và hậu quả của những hành động bạo lực này. Trong đó, gia đình cần chú trọng giáo dục con cái như phê phán những hành vi thô bạo, xử lý nghiêm khắc những hành vi thô bạo, bạo lực từ con trẻ; hình thành cho trẻ về tính quan tâm, giúp đỡ người khác.

Nhà trường cần chú trọng tới việc giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh; quan tâm tới từng học sinh và chủ động trao đổi thông tin với gia đình học sinh; tăng cường hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích.

Khi học sinh vi phạm, nhà trường chiếu theo nội quy để xử lý, tránh để các em cảm thấy không phục hoặc vô lý. Các hình phạt giúp học sinh nhận thức hậu quả và học cách chịu trách nhiệm cho việc làm của mình… Chỉ khi đồng bộ như vậy, tình trạng bạo lực trong học đường mới được đẩy lùi, từ đó góp phần xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh.

Xử lý bạo lực học đường: Cảm hóa học sinh, đừng tạo sự tủi nhục, bất bìnhXử lý bạo lực học đường: Cảm hóa học sinh, đừng tạo sự tủi nhục, bất bình

SKĐS - Liên quan đến việc một phụ huynh ở trường quốc tế ở TP. HCM tố con bị bạn học đánh, dưới góc độ quản lý giáo dục, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng dù giải quyết sự việc theo cách nào thì cuối cùng cũng là để cảm hóa học sinh chứ không phải tạo sự tủi nhục, bất bình.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn