Ban Tuyên giáo Trung ương: Tăng cường chỉ đạo công tác truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS

30-11-2024 16:45 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tăng cường chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS, nhất là các cơ quan báo chí, tuyên truyền...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự nỗ lực của ngành Y tế, đặc biệt là đội ngũ làm công tác dự phòng, điều trị HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương, sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng…

Tuy nhiên, công tác phòng chống HIV/AIDS trong thời gian qua vẫn có những hạn chế: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt, sự phối hợp liên ngành còn chưa đồng bộ, chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động còn chưa thường xuyên, liên tục; độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế; ở một số nơi, vẫn còn xảy ra tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV

Do đó, trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tăng cường chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS, nhất là các cơ quan báo chí, tuyên truyền, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.

Đó là thông tin được đưa ra tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS (1/12), do Bộ Y tế tổ chức mới đây.

Ban Tuyên giáo Trung ương: Tăng cường chỉ đạo công tác truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS- Ảnh 1.

Ông Bùi Ngọc Quý, vụ trưởng Vụ xã hội Ban Tuyên giáo Trung ương.

Ông Bùi Ngọc Quý, Vụ trưởng Vụ xã hội Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, ngay từ những ngày đầu của đại dịch HIV/AIDS, Đảng và Nhà nước đã xác định phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài và cần sự tham gia đồng bộ của toàn xã hội. Đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS không chỉ bảo vệ sức khỏe Nhân dân, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Quyết tâm của Đảng được thể hiện trong nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo như: Chỉ thị số 52-CT/TW, ngày 11/3/1995; Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và gần đây, tại Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 6/7/2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030, ông Bùi Ngọc Quý cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS được nâng lên. Nước ta đạt được những mục tiêu cụ thể về giảm số người nhiễm HIV, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do bệnh AIDS. Tuy nhiên, tời gian tới, HIV/AIDS vẫn là thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng, mặc dù có xu hướng giảm, nhưng chưa bền vững, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.

Để chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ông Bùi Ngọc Quý cho biết, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư và tập trung các nội dung sau:

- Tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một nội dung trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị, là một tiêu chí đánh giá hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và đảng viên trong xây dựng tổ dân phố, thôn, bản, gia đình văn hóa.

- Rà soát, cập nhật, cụ thể hóa Kế hoạch phòng chống HIV/AIDS theo từng năm, xác định mục tiêu, chỉ tiêu với những nhiệm vụ cụ thể để triển khai các hoạt động phù hợp với thực tiễn địa phương; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.

- Tập trung triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS toàn diện, liên tục và kết nối với các dịch vụ xã hội khác.

- Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS để thông tin đến được với các cấp, các ngành, địa phương và các tầng lớp Nhân dân.

- Tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, các mô hình, sáng kiến mới trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường nguồn lực đầu tư trong nước và sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Với chủ đề năm 2024 "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030", chúng ta cùng cam kết hành động để mọi người dân biết cách và chủ động phòng tránh HIV hiệu quả cho mình và cộng đồng, giúp những người nhiễm HIV được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giảm thiểu tình trạng chuyển sang giai đoạn AIDS, để người nhiễm HIV được sống, học tập, lao động và cống hiến cho sự phát triển chung của đất nước.

Mời độc giả xem thêm:

Bệnh nhân HIV: Bệnh nhân HIV: 'HIV không phải là dấu chấm hết, sự đồng cảm giúp tôi vững bước'

SKĐS - "Tôi - một bệnh nhân đang sống chung với HIV, hai từ "khó khăn" không đủ để diễn tả về hành trình của bản thân. Hy vọng, sự đồng cảm và hỗ trợ là những điều giúp tôi vững bước hơn trong cuộc sống".


PV
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn