Hà Nội

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về phòng, chống HIV/AIDS

18-11-2024 10:15 | Thời sự
google news

SKĐS - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của học sinh, sinh viên về phòng, chống HIV/AIDS; giáo dục giáo dục pháp luật, phòng, chống HIV/AIDS thông qua nhiều hình thức khác nhau. Đây là một trong những yêu cầu của Bộ GD&ĐT trong việc triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024.

Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024. Theo đó, để thực hiện Công văn 6678/BYT-UBQG50 năm 2024 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm về việc triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024, với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, Bộ GDĐT yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo; các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm triển khai các nhiệm vụ được quy định cụ thể tại Công văn 7156/BGDĐT-GDCTHSSV năm 2024.

Cụ thể, xây dựng kế hoạch cụ thể, lồng ghép, tích hợp nội dung phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với điều kiện thực tế của từng nhà trường bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Thời gian triển khai từ ngày 10/11/2024 đến 10/12/2024.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của học sinh, sinh viên về phòng, chống HIV/AIDS; giáo dục giáo dục pháp luật, phòng, chống HIV/AIDS thông qua nhiều hình thức khác nhau. Tăng cường công tác phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội và các tổ chức đoàn thể trong tuyên truyền giáo dục phòng, chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên.

Khẩu hiệu tuyên truyền tập trung vào các nội dung:

  • Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!
  • Tuổi trẻ chung vai - Vì tương lai không còn dịch bệnh AIDS!
  • Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!
  • Chung sức, đồng lòng - Quyết tâm kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030!
  • Giữ vững cam kết - Quyết tâm ngăn chặn AIDS!
  • Dự phòng và điều trị HIV/AIDS để không ai bị bỏ lại phía sau!
  • Xét nghiệm là cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm HIV của bạn!
  • Xét nghiệm HIV sớm để bảo vệ bản thân và cộng đồng!
  • Tuân thủ điều trị ARV để đạt được K=K!
  • Người có hành vi nguy cơ cao nên xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng 1 lần!
  • Điều trị ARV sớm giúp khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV!
  • Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục suốt đời!
  • Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con!
  • Thanh niên hiện đại, không ngại bao cao su!
  • Dùng riêng bơm kim tiêm sạch giúp phòng lây nhiễm HIV!
  • Methadone - Liều thuốc vàng cho người lệ thuộc các chất ma túy dạng thuốc phiện!
  • PrEP - Biện pháp dự phòng HIV hiệu quả và an toàn!
  • Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!
  • Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2024!
  • Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024!
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về phòng, chống HIV/AIDS- Ảnh 1.

Tuổi trẻ chung vai - Vì tương lai không còn dịch bệnh AIDS!

HIV có xu hướng gia tăng trong nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới

Theo Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, trong những năm qua, mặc dù Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp giảm tác hại tuy nhiên dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trong nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đây là những quần thể ẩn nên rất khó tiếp cận, khó triển khai các can thiệp cần thiết. Hơn nữa, hành vi nguy cơ của nhóm này rất phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex, quan hệ tình dục tập thể...

Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp, đã và đang là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của cả người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao.

Các rào cản về tài chính và địa lý cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ của những nhóm đích nguy cơ cao. Nhiều người trong các nhóm nguy cơ cao thường có thu nhập thấp và không có khả năng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, vấn đề giao thông và khoảng cách địa lý cũng là một trở ngại đối với những người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế đặc biệt đối với các chương trình dự phòng mang tính then chốt (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP đang dựa hoàn toàn vào các dự án viện trợ). Hiện nay Quỹ Bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước đang chưa có căn cứ để chi trả cho dịch vụ can thiệp này. Thêm vào đó, quá trình chuyển giao tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS trước mắt cũng vẫn còn nhiều khó khăn đặc biệt trong bối cảnh lộ trình cắt giảm viện trợ nhanh và mạnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về phòng, chống HIV/AIDS- Ảnh 2.

Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 (từ ngày 10/11 đến 10/12) là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Chủ đề mà Việt Nam lựa chọn cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 (từ ngày 10/11 đến 10/12) là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Công bằng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS có thể hiểu là việc đảm bảo rằng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được cung cấp cho tất cả mọi người dựa trên nhu cầu thực tế của họ, thay vì dựa vào khả năng tài chính, địa vị xã hội, hoặc các yếu tố khác.

Bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là việc bảo đảm mọi cá nhân, không phân biệt giới tính, tuổi tác, dân tộc, khu vực sinh sống, tình trạng kinh tế hay bất kỳ đặc điểm cá nhân nào khác, đều có quyền sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS mà không bị phân biệt đối xử.

Để giải quyết vấn đề khó khăn trong tiếp cận dịch vụ, Việt Nam đã triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ đa dạng và linh hoạt. Ngoài các cơ sở điều trị HIV/AIDS công lập và tư nhân, đã có các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng, giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao. Việt Nam cũng đã tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trong làm việc với các nhóm nguy cơ cao.

Các khóa đào tạo chuyên sâu về HIV/AIDS và các kỹ năng tiếp cận, tư vấn cho các nhóm đặc thù này đã giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm thiểu kỳ thị từ phía nhân viên y tế. Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng người nhiễm HIV và các đối tác phát triển phối hợp chặt chẽ, tiếp tục nỗ lực giảm kỳ thị và phân biệt đối xử để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm nguy cơ cao tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV.

Tuy nhiên, một số rào cản vẫn đang tồn tại trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Nhóm thanh thiếu niên, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), và những người dễ bị tổn thương khác vẫn khó tiếp cận các dịch vụ do sự kỳ thị, phân biệt đối xử, và hạn chế về tài chính.

Bên cạnh đó, phụ thuộc vào viện trợ quốc tế vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt trong các chương trình điều trị dự phòng. Các vấn đề này gây trở ngại cho mục tiêu giảm thiểu sự lây lan HIV và đảm bảo chăm sóc cho mọi người dân.

Chính vì vậy, việc Việt Nam chọn chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chủ đề này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.

Triển khai hiệu quả Phòng khám B20 dành riêng cho bệnh nhân HIV/AIDSTriển khai hiệu quả Phòng khám B20 dành riêng cho bệnh nhân HIV/AIDS

SKĐS - BSCKII Trần Thị Kim Anh – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, từ năm 2004, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông triển khai Phòng khám B20 dành riêng cho bệnh nhân HIV/AIDS đến khám và điều trị.


Dương Hải
Ý kiến của bạn
Tags: