Hà Nội

Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS

02-11-2024 13:43 | Xã hội

SKĐS - UNAIDS nhấn mạnh rằng, với việc đặt nhân quyền làm trọng tâm và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, thế giới có thể chấm dứt AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 diễn ra từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2024 với chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030".

Thực hiện các cam kết chấm dứt dịch bệnh AIDS

Chủ đề này tương đồng với chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống AIDS do Chương trình phối hợp của Liên hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đề ra năm 2024: "Take the Rights Path" (Đảm bảo nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe), nhấn mạnh việc đặt nhân quyền làm trọng tâm, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS…

Bên cạnh đó, đây còn là sự tiếp nối cam kết đã được thể hiện rõ tại Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS lần thứ 75 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2021. Tại hội nghị này, cộng đồng quốc tế, bao gồm Việt Nam, đã thông qua Tuyên bố Chính trị với mục tiêu: "Chấm dứt các bất bình đẳng và trở lại đúng hướng để kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030".

Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS- Ảnh 1.

Với chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS", Việt Nam cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

Tuyên bố Chính trị nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm quyền con người trong tiếp cận dịch vụ y tế, không có sự phân biệt đối xử và đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Việc tiếp cận các dịch vụ y tế phải đảm bảo tính sẵn có, khả năng tiếp cận, có thể chấp nhận được, có chi phí hợp lý, đảm bảo chất lượng.

Trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện sự cam kết thông qua việc xây dựng, thực hiện các chính sách cụ thể nhằm đảm bảo mọi người dân, bao gồm cả các nhóm nguy cơ cao, đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng, bình đẳng.

Chính phủ đã thông qua Chiến lược Quốc gia phòng, chống AIDS, ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS (2006, sửa đổi năm 2020) chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc các biện pháp can thiệp. Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW năm 2021 để tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, thể hiện sự quyết tâm cao độ trong việc thực hiện cam kết chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030.

Triển khai nhiều mô hình cung cấp dịch vụ đa dạng, linh hoạt liên quan đến HIV

Để giải quyết vấn đề khó khăn trong tiếp cận dịch vụ, Việt Nam đã triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ đa dạng và linh hoạt. Ngoài các cơ sở điều trị HIV/AIDS công lập, tư nhân, đã có các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng, giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao.

Việt Nam cũng đã tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trong làm việc với các nhóm nguy cơ cao. Các khóa đào tạo chuyên sâu về HIV/AIDS, kỹ năng tiếp cận, tư vấn cho các nhóm đặc thù này đã giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, giảm thiểu kỳ thị từ phía nhân viên y tế.

Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng người nhiễm HIV, các đối tác phát triển phối hợp chặt chẽ, tiếp tục nỗ lực giảm kỳ thị, phân biệt đối xử để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm nguy cơ cao tiếp cận, sử dụng các dịch vụ phòng ngừa, điều trị HIV.

Tuy nhiên, một số rào cản vẫn đang tồn tại trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Nhóm thanh thiếu niên, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), những người dễ bị tổn thương khác vẫn khó tiếp cận các dịch vụ do sự kỳ thị, phân biệt đối xử, hạn chế về tài chính.

Bên cạnh đó, phụ thuộc vào viện trợ quốc tế vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt trong các chương trình điều trị dự phòng. Các vấn đề này gây trở ngại cho mục tiêu giảm thiểu sự lây lan HIV, đảm bảo chăm sóc cho mọi người dân.

Chính vì vậy, với chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS", Việt Nam cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của UNAIDS mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.

Mời độc giả xem thêm:

3 thời điểm tư vấn K=K cho người nhiễm HIV3 thời điểm tư vấn K=K cho người nhiễm HIV

SKĐS - Không phát hiện = Không lây truyền hay K=K là một phong trào toàn cầu, với sự ủng hộ của các tổ chức y tế quốc tế và cộng đồng, dựa trên các nghiên cứu cho thấy rằng một người sống chung với HIV đang điều trị và duy trì tải lượng virus không phát hiện không thể lây truyền HIV cho bạn tình của họ.

Hà Phương
Ý kiến của bạn