Hà Nội

Tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về HIV/AIDS

02-11-2024 21:07 | Xã hội

SKĐS - Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm vừa có công văn phát động trong cả nước Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2024...

Với chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030" nhằm: 

- Tăng cường sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách cùng toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

- Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS: Dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện HIV, điều trị sớm HIV/AIDS và đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV, hướng tới tăng tiếp cận dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân.

- Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về HIV/AIDS- Ảnh 1.

Tùy thuộc điều kiện cụ thể, từng địa phương, đơn vị cân nhắc và lựa chọn việc tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tháng hành động:

Đối với truyền thông đại chúng

Tăng cường truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trên báo in, trang tin điện tử, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, thành phố, các Đài phát thanh, truyền hình huyện, thị xã cũng như hệ thống truyền thanh xã, phường thông qua xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, tọa đàm, phóng sự, phim ngắn, lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào các chương trình giải trí, các chương trình quảng cáo, các chương trình tọa đàm, giao lưu với những người nổi tiếng...

Truyền thông qua mạng xã hội

- Tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống mạng xã hội như (Facebook, Zalo, TikTok, Youtube, Viber, Lotus…); tin nhắn điện thoại; các loại hình truyền thông trên nền tảng Internet; thông qua các hình thức truyền tải thông điệp hiệu quả cao như: Infographic, videoclip, audioclip.

- Kết nối các trang mạng xã hội của địa phương với các trang mạng xã hội của Cục Phòng, chống HIV/AIDS như: Fanpage Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam…

Truyền thông trực tiếp và truyền thông nhân sự kiện

- Tổ chức truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm về HIV/AIDS tại gia đình, cộng đồng. Lấy lực lượng y tế xã, thôn bản làm nòng cốt, giao nhiệm vụ và định kỳ kiểm tra, giám sát kết quả và hiệu quả các hoạt động truyền thông.

- Tổ chức các sự kiện truyền thông về HIV/AIDS và các nội dung có liên quan tại các trường học, khu công nghiệp... nhằm thu hút sự quan tâm của lực lượng thanh niên trẻ.

- Lồng ghép và đẩy mạnh truyền thông, tư vấn qua cơ sở cung cấp dịch vụ y tế nhất là các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Sản xuất và nhân bản tài liệu truyền thông

- Sản xuất nhân bản các tài liệu truyền thông dưới các hình thức thích hợp chuyển cho các cơ sở cung cấp dịch vụ, các tuyên truyền viên, cộng tác viên truyền thông phòng, chống HIV/AIDS để phân phối cho các đối tượng đích.

- Xây dựng và phổ biến các thông điệp phòng, chống HIV/AIDS qua các phương tiện và tài liệu truyền thông khác:

+ Xây dựng các cụm panô, khẩu hiệu, treo băng rôn tại các địa điểm công cộng có đông người qua lại như các trục đường giao thông chính, các bến xe, công viên; cửa ngõ thành phố, xã phường, thôn, ấp, bản và cổng các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện; 

+ Phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS khác như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng về phòng, chống HIV/AIDS.

Một số khẩu hiệu của tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024

- Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS

- Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!

- Tuổi trẻ chung vai - Vì tương lai không còn dịch bệnh AIDS!

- Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!

- Chung sức, đồng lòng - Quyết tâm kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030!

- Giữ vững cam kết - Quyết tâm ngăn chặn AIDS!

- Dự phòng và điều trị HIV/AIDS để không ai bị bỏ lại phía sau!

- Xét nghiệm là cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm HIV của bạn!

- Xét nghiệm HIV sớm để bảo vệ bản thân và cộng đồng!

- Tuân thủ điều trị ARV để đạt được K=K!

- Người có hành vi nguy cơ cao nên xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng 1 lần!

- Điều trị ARV sớm giúp khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV!

- Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục suốt đời!

- Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con!

- Thanh niên hiện đại, không ngại bao cao su!

- Dùng riêng bơm kim tiêm sạch giúp phòng lây nhiễm HIV!

- Methadone – Liều thuốc vàng cho người lệ thuộc các chất ma túy dạng thuốc phiện!

- PrEP – Biện pháp dự phòng HIV hiệu quả và an toàn! Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!...

Mời bạn đọc xem thêm:

Bạn hỏi - Chuyên gia trả lời: Tất tần tật về HIV/AIDS I SKĐS

Thu Lan
Ý kiến của bạn