Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình lớp 10 sẽ gồm có các môn học bắt buộc và các môn học lựa chọn.
Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương và Lịch sử.
4 môn học lựa chọn sẽ được bao gồm: Nhóm Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học); Nhóm Khoa học xã hội (Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật). Việc này có ý nghĩa quan trọng khi học sinh được định hướng nghề nghiệp từ sớm.
Dẫn con đi nộp hồ sơ và nghe tư vấn chọn môn, chị Đào Thu Hường, phụ huynh Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cho hay, hai mẹ con cũng rất "đau đầu" khi phải lựa chọn ban nào, môn nào để học.
Theo chị Hường, lâu nay con chị học tốt các môn xã hội hơn các môn tự nhiên nên trước khi đến trường, chị cũng xác định cho con chị theo khối xã hội. Tuy nhiên, còn phải lựa chọn nên học thêm một số môn tự chọn khác. "Có một điều phụ huynh chúng tôi băn khoăn là, khi các con đã học được một thời gian nhưng sau đó thấy không phù hợp hoặc không theo được thì có được phép đổi tổ hợp không?".
Về lý thuyết, học sinh có 252 tổ hợp môn lựa chọn nhưng theo khảo sát, hầu hết các trường chỉ đưa ra từ 5 đến dưới 20 phương án để học sinh lựa chọn. Một số trường thông báo, học sinh sẽ học nhóm môn đã chọn trong suốt 3 năm học, không thay đổi.
Theo quy định tại Văn bản số 1496/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022 - 2023; trong đó có nội dung về tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10 nêu rõ: "Trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo sở GDĐT".
Bên cạnh đó, văn bản cũng lưu ý, nhà trường chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục trong năm học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh.
Mỗi trường THPT xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu học tập của học sinh và đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Nhà trường công khai các tổ hợp môn học lựa chọn trong phương án tuyển sinh và tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh lựa chọn môn học phù hợp. Xây dựng các cụm chuyên đề học tập lựa chọn phải phù hợp với định hướng nghề nghiệp; học sinh chỉ được chọn cụm chuyên đề trong các môn học bắt buộc và các môn học đã lựa chọn. Đối với các môn học có nội dung lựa chọn (Công nghệ, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật), nhà trường xây dựng các phương án phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học để học sinh lựa chọn.
Như vậy, theo hướng dẫn thì học sinh có thể thay đổi, điều chỉnh môn học dưới sự xem xét và quyết định của hiệu trưởng nhà trường. Tuy nhiên, phụ huynh, học sinh cần tính toán thật kỹ bởi rất khó có thể quay đầu lại bởi chương trình, nội dung học các môn có sự khác biệt. Do đó, học sinh và phụ huynh phải xác định được nghề nghiệp để chọn tổ hợp môn học thích hợp. Nếu lựa chọn tổ hợp môn học xong rồi lại chọn nghề không phù hợp thì sẽ rất khó khăn.
Thời điểm này, nhiều trường THPT tại Hà Nội dự kiến điều chỉnh cả tổ hợp môn và cơ cấu lớp 10 từng công bố trước đó. Việc điều chỉnh này do có sự thay đổi đột ngột ở môn Lịch sử (giảm số tiết/năm học và chuyển về dạy học bắt buộc). Tuy nhiên, có điều chỉnh cũng căn cứ vào nhu cầu thực tế của học sinh.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho biết: "Nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh lớp 10 năm học tới để trao đổi về chương trình giáo dục phổ thông 2018, nguyện vọng của học sinh. Căn cứ vào đó, nhà trường sẽ có điều chỉnh so với phương án đã xây dựng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học sinh, đồng thời phù hợp với định hướng mới sau khi môn lịch sử dạy bắt buộc".
Theo điều chỉnh này, Trường THPT Yên Hòa trước đây có 8 lớp 10 ở nhóm khoa học tự nhiên, 6 lớp ở nhóm khoa học xã hội. Nhưng từ nhu cầu thực tế, cơ cấu lớp 10 đổi lại với 8 lớp khoa học xã hội, 6 lớp khoa học tự nhiên.
Để kịp thời triển khai năm học 2022-2023, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ GD&ĐT đang thực hiện theo Kế hoạch đã ban hành, trong đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện quy trình rút gọn trong việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.
Theo yêu cầu của Nghị quyết 63, Bộ GD&ĐT đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 ban hành Chương trình GDPT, trong đó môn Lịch sử được giữ nguyên phần chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp; chuyển phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết/năm học thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học để bảo đảm sự phù hợp với tất cả học sinh và cơ cấu đội ngũ giáo viên Lịch sử hiện nay.
Đối với các môn lựa chọn, các trường xây dựng các tổ hợp 4 môn học lựa chọn (thay vì 5 môn theo thiết kế ban đầu) để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Với phương án điều chỉnh đang dự thảo như trên, chương trình cấp THPT đối với mỗi học sinh được giảm 18 tiết/năm học so với thiết kế ban đầu (tương ứng với số tiết giảm của chương trình môn Lịch sử); các trường cần căn cứ vào đội ngũ giáo viên của trường mình để điều chỉnh giảm 1 môn học trong các tổ hợp 5 môn học lựa chọn đã chuẩn bị, xây dựng trong thời gian qua (thực tế chỉ cần điều chỉnh giảm 1 môn đối với tổ hợp không có môn Lịch sử).