1. Vai trò của tập luyện với người bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Các bài tập sàn chậu, thắt chặt và giải phóng các cơ bắt đầu và ngừng dòng nước tiểu có thể giúp giảm tình trạng tiểu không tự chủ do phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt.
Nhiều thử nghiệm đã cho thấy các bài tập cơ sàn chậu giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng tiểu không tự chủ trong bối cảnh ngay sau phẫu thuật.
Một số nghiên cứu cho kết quả chứng minh rằng tập thể dục, từ hoạt động vừa phải (ví dụ đi bộ nhanh) đến hoạt động mạnh mẽ (ví dụ chạy bộ, đạp xe, bơi lội), cải thiện tiên lượng ung thư tuyến tiền liệt và giảm tỷ lệ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, tập thể dục có thể cải thiện các rối loạn chức năng tình dục và trạng thái tâm lý ở bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt.
Người bệnh sau khi được chẩn đoán xác định ung thư tuyến tiền liệt cần điều trị sớm bằng các phương pháp y học hiện đại. Người bệnh sẽ có nhiều tác dụng phụ kèm theo xảy ra sau khi thực hiện các phương pháp điều trị đó, bao gồm: Đau mạn tính, người nóng, khô khát, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tiểu tiện, suy giảm sức đề kháng... Điều này làm tác động không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, khiến cho người bệnh lo lắng, mệt mỏi về thể chất và tinh thần, ảnh hưởng đến sự tuân thủ điều trị.
Y học cổ truyền với quan điểm điều trị người bệnh dựa trên lý luận cân bằng âm dương, điều hòa khí huyết trong cơ thể, bao gồm các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.
Tập luyện và xoa bóp là một trong những phương pháp không dùng thuốc đã được nghiên cứu và cho thấy có hiệu quả trong việc hỗ trợ người bệnh ung thư tuyến tiền liệt cải thiện các tác dụng phụ và nâng cao sức đề kháng của người bệnh.
Theo lý luận y học cổ truyền, xoa bóp bấm huyệt tác động vào tạng phủ bên trong thông qua các huyệt vị bên ngoài cơ thể, giúp điều chỉnh khí huyết, điều hòa chức năng tạng phủ, từ đó các triệu chứng sẽ thuyên giảm.
Xoa bóp bấm huyệt được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ điều trị ung thư tuyến tiền liệt và người bệnh có thể kết hợp thêm với các phương pháp y học cổ truyền khác như thuốc thang, châm cứu để nâng cao hiệu quả điều trị.
2. Bài tập tốt cho người bệnh
Bài tập sàn chậu
Công dụng: Một trong các bài tập được áp dụng là bài tập sàn chậu nhằm mục đích tăng cường cơ bắp, cải thiện tuần hoàn và giảm áp lực ổ bụng để giảm chèn ép tuyến tiền liệt.
Thực hiện:
- Bài tập có thể thực hiện ở bất kỳ tư thế nào: Khi ngồi làm việc, khi nằm, khi đứng,..
- Khi bạn đã cảm nhận xác định được cơ sàn chậu của mình, hãy siết chặt chúng và giữ cơn co trong 5 giây, sau đó thả lỏng chúng trong 5 giây. Lặp lại trình tự: 5 - 10 lần/1 lần tập, mỗi ngày có thể tập 3 - 5 lần.
- Sau đó vài tuần, người bệnh có thể nâng mức tập lên bằng cách cố gắng giữ các cơ vùng chậu co lại 10 giây, sau đó thả lỏng chúng 10 giây. Thực hiện các bài tập trong nhiều tư thế khác nhau (đứng và ngồi). Lặp lại trình tự 5 - 10 lần/1 lần tập, mỗi ngày tập 3 - 5 lần tùy vào sức khỏe của người bệnh.
Lưu ý: Cẩn thận tránh gập bụng, đùi và nhớ thoải mái khi thực hiện các bài tập để tránh tập không hiệu quả.
Áp lực, kích thích vùng bụng dưới – bàng quang
Tác dụng: Áp lực kích thích bàng quang từ bên ngoài vùng bụng dưới có thể giúp kích thích đi tiểu và thúc đẩy bàng quang làm rỗng hoàn toàn.
Thực hiện: Xác định vị trí bàng quang, sau đó ấn nhẹ vào trong (về phía cột sống) và xuống dưới (về phía bàn chân) để kích thích bàng quang trong khi đi tiểu.
Có thể để nước ấm chảy qua bụng dưới và cơ quan sinh dục gây buồn tiểu.
Lưu ý: Nên chạm nhẹ thử nước trước để cảm nhận tránh bị bỏng.
Rèn luyện bàng quang
Mỗi sáng thức dậy, người bệnh nên đi vệ sinh để rèn luyện và kích thích bàng quang, sau đó thử lại sau mỗi 1 - 2 giờ, ngay cả khi bạn không cần.
Khi người bệnh đã có thể kiểm soát bàng quang và đi tiểu theo yêu cầu, hãy tăng khoảng thời gian giữa các lần thêm 15 - 30 phút cho đến khi có thể cảm thấy thoải mái trong 3 - 4 giờ.
Thông thường phải mất từ 6 - 12 tuần để có thể kiểm soát lại bàng quang và bài tiết hoàn toàn khi bạn cảm thấy muốn đi tiểu.
3. Xoa bóp bấm huyệt trên người bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Xoa bóp bấm huyệt giảm đau do ung thư hoặc sau phẫu thuật
Tùy theo vị trí đau trên cơ thể, sẽ sử dụng các phương pháp xoa bóp và huyệt vị thích hợp.
Đau đầu: Xoa, xát, miết, day, phân, hợp, bấm các huyệt thái dương, phong trì, suất cốc, bách hội, tứ thần thông, ế phong .
Đau vai gáy: Xoa, xát, day, lăn, bóp vùng vai, chặt, bấm các huyệt phong trì, kiên tỉnh, đại chùy, kiên ngung, thiên tông, liệt khuyết, hợp cốc, giáp tích vùng cổ.
Đau vùng ngực: Xoa, xát vùng ngực, miết từ giữa ngực sang hai bên, phân, day, bấm các huyệt đản trung, cương môn, đại bao, xích trạch, a thị huyệt.
Đau chi trên: Xoa, xát, day, lăn, bóp, ấn huyệt, vận động các khớp vai, khuỷu, cổ tay.
Đau vai: Tác động các huyệt kiên tỉnh, kiên ngung, kiên trinh, trung phủ, vân môn, a thị huyệt.
Đau cánh - cẳng tay: Tác động các huyệt kiên ngung, tý nhu, khúc trì, thiếu hải, thủ tam lý, hợp cốc, a thị huyệt.
Đau tại cổ tay - bàn tay: Bấm huyệt thủ tam lý, ngoại quan, a thị huyệt.
Đau chi dưới: Xoa, xát, day, lăn từ vùng đùi xuống cẳng chân, bóp vùng đùi và cẳng chân, bấm huyệt. Vận động khớp háng, gối, cổ chân, ngón chân.
Vùng hông đùi: Trật biên, hoàn khiêu, bát liêu, giáp tích vùng thắt lưng, a thị huyệt
Đầu gối: Độc tỵ, tất nhãn, huyết hải, ủy trung, lương khâu, túc tam lý, a thị huyệt, âm lăng tuyền.
Cẳng chân, cổ chân, bàn chân: Túc tam lý, dương lăng tuyền, huyền chung, thái khê, tam âm giao, giải khê, thái xung, bát phong, a thị huyệt.
Đau thắt lưng: Xoa, xát, day, lăn, bóp, chặt, véo, ấn, vận động cột sống. Bấm các huyệt thận du, đại trường du, hoàn khiêu, trật biên, bát liêu, ủy trung, a thị huyệt, dương lăng tuyền.
Xoa bóp bấm huyệt điều trị rối loạn tiêu hóa
Xoa, xát, miết, day vùng bụng, lưng.
Tùy theo từng hội chứng bệnh y học cổ truyền trên người bệnh sẽ sử dụng các huyệt vị thích hợp.
Một số huyệt vị thường dùng bao gồm: Trung quản, quan nguyên, khí hải, thiên xu, đại hoành, túc tam lý, âm lăng tuyền, tam âm giao, tỳ du, vị du, thận du.
Xoa bóp bấm huyệt điều trị mất ngủ
Sử dụng các thủ thuật: Xoa, xát, miết, véo, phân, hợp vùng đầu, mặt, cổ.
Tùy theo từng hội chứng y học cổ truyền trên người bệnh mà phối hợp day bấm một số huyệt vị phù hợp.
Một số huyệt thường dùng: Nội quan, thần môn, tam âm giao, dũng tuyền, bách hội.
4. Người bệnh ung thư tuyến tiền liệt lưu ý gì khi tập luyện, bấm huyệt
Người bệnh ung thư tuyến tiền liệt khi tập luyện nên lựa chọn thời gian phù hợp, không nên tập lúc vừa ăn no, khi cơ thể mệt mỏi, không tập luyện quá sức.
Trước khi thực hiện các kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt, lưu ý các tình trạng sau:
- Người bệnh sau ăn quá no hoặc quá đói.
- Người bệnh đang trong giai đoạn nặng như suy tim, suy gan, suy thận.
- Không tác dụng lực trực tiếp lên vị trí khối u.
- Không xoa bóp những vùng có hạch sưng to.
- Không xoa bóp các vùng trên cơ thể đã được xạ trị, vì những vùng da này rất mỏng và dễ bị tổn thương, nhiễm trùng.
- Không xoa bóp các vùng da bầm tím hoặc nhạy cảm.
- Không xoa bóp các vết thương hở hoặc người bệnh đang trong tình trạng sốt, nhiễm trùng.
- Nếu người bệnh có lượng tiểu cầu thấp hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu, cần lưu ý dùng lực nhẹ nhàng tránh dùng lực mạnh có thể nguy cơ gây xuất huyết.