Ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển rất chậm. Tùy thuộc từng trường hợp, các lựa chọn điều trị ung thư tuyến tiền liệt có thể bao gồm:
- Theo dõi/giám sát tích cực.
- Phẫu thuật.
- Xạ trị.
- Áp lạnh.
- Liệu pháp hormone.
- Hóa trị...
1. Theo dõi tích cực điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Ở một số bệnh nhân, đặc biệt là người cao tuổi hoặc người có nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác kèm theo, có thể không có chỉ định điều trị mà cần theo dõi, giám sát tích cực. Việc sự giám sát nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng bệnh, không phải để chữa khỏi bệnh. Chỉ định giám sát được khuyến nghị khi bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có các đặc điểm:
- Không có bất kỳ triệu chứng nào.
- Dự kiến bệnh sẽ phát triển chậm.
- Tổn thương nhỏ, chỉ khu trú trong tuyến tiền liệt.
- Chỉ số xét nghiệm PSA dưới 10ng/ml.
Trong quá trình giám sát tích cực, nếu phát hiện ung thư đang tiến triển sẽ có chỉ định điều trị. Tuy nhiên, quá trình điều trị đối với một số trường hợp có thể có những nguy cơ và tác dụng phụ lớn hơn lợi ích.
2. Phẫu thuật điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt triệt để, tức là cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt và một số mô xung quanh, gồm cả túi tinh. Phương pháp này được lựa chọn khi ung thư chưa lan ra bên ngoài tuyến tiền liệt.
Đa số các trường hợp được mổ nội soi với các ưu điểm vết mổ nhỏ, mất ít máu, bệnh nhân nhanh phục hồi. Ít ca bệnh có chỉ định mổ mở.
Quá trình phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp các tình huống:
- Phản ứng với thuốc mê.
- Chảy máu.
- Cục máu đông ở chân hoặc phổi.
- Ảnh hưởng các cơ quan lân cận.
- Nhiễm trùng tại chỗ.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp các tình huống:
- Đi tiểu không kiểm soát.
- Rối loạn chức năng cương dương.
- Thay đổi chiều dài dương vật.
- Thay đổi cực khoái khi quan hệ tình dục.
- Mất khả năng sinh sản.
- Phù hạch bạch huyết.
- Thoát vị bẹn.
3. Xạ trị
Đây là phương pháp sử dụng tia hoặc hạt năng lượng cao nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Tùy thuộc giai đoạn bệnh cũng như các yếu tố khác, xạ trị được chỉ định trong các trường hợp:
- Trường hợp ung thư chỉ giới hạn ở tuyến tiền liệt và độ mô học thấp, tỉ lệ chữa khỏi tương đương với những người được cắt bỏ tuyến tiền liệt triệt để.
- Kết hợp với liệu pháp hormone cho những ung thư đã phát triển ra ngoài tuyến tiền liệt vào các mô lân cận.
- Những bệnh nhân ung thư không được cắt bỏ hoàn toàn hoặc tái phát tại chỗ sau phẫu thuật.
- Những ung thư đã tiến triển, xạ trị giúp kiểm soát ung thư càng lâu càng tốt, giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng.
Các loại xạ trị:
- Xạ trị chùm tia ngoài nhằm cố gắng điều trị khỏi các ung thư ở giai đoạn sớm hoặc giúp làm giảm các triệu chứng như đau xương nếu ung thư đã lan đến xương.
- Xạ trị đơn độc chỉ định với ung thư giai đoạn sớm phát triển tương đối chậm.
- Xạ trị kết hợp với xạ trị chùm tia ngoài là lựa chọn cho những người có nguy cơ cao phát triển ra ngoài tuyến tiền liệt.
Sau xạ trị, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ:
- Kích ứng trực tràng gây viêm, tiêu chảy, có máu trong phân và rò rỉ trực tràng. Hầu hết những vấn đề này hết sau một thời gian. Trong giai đoạn này nên tuân thủ chế độ ăn uống đặc biệt theo lời dặn của bác sĩ để hạn chế các khó chịu.
- Kích thích và gây viêm bàng quang dẫn đến đi tiểu nhiều hơn, cảm giác nóng rát hoặc thấy máu trong nước tiểu. Vấn đề này thường được cải thiện theo thời gian, nhưng ở một số bệnh nhân tác dụng phụ này là vĩnh viễn.
- Rối loạn cương dương: Sau một vài năm xạ trị, có một tỷ lệ bệnh nhân gặp phải tình trạng rối loạn cương dương, thậm chí là bất lực. Tỉ lệ này tương đương với sau phẫu thuật.
- Mệt mỏi: Kéo dài và giảm dần sau vài tuần hoặc vài tháng sau khi ngừng điều trị.
- Phù bạch huyết.
4. Phương pháp áp lạnh
Phương pháp này sử dụng nhiệt độ rất lạnh để làm đông lạnh và tiêu diệt các tế bào ung thư, đồng thời cũng tiêu diệt hầu hết các tế bào của tuyến tiền liệt. Phương pháp này được chỉ định với các trường hợp:
- Ung thư tái phát sau khi xạ trị.
- Ung thư giai đoạn sớm có nguy cơ thấp không thể phẫu thuật hoặc xạ trị.
Phương pháp áp lạnh ít xâm lấn và ít đau hơn phẫu thuật, thời gian nằm viện và hồi phục cũng ngắn hơn. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả lâu dài của phương pháp này vẫn chưa được biết rõ.
Sau điều trị, bệnh nhân có thể có các triệu chứng:
- Có máu trong nước tiểu.
- Đau nhức tại chỗ.
- Sưng dương vật hoặc bìu.
- Có thể ảnh hưởng bàng quang và trực tràng, gây đau, nóng rát.
- Rối loạn cương dương.
- Són tiểu.
5. Hóa trị
Là phương pháp sử dụng các loại thuốc gây độc tế bào nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị được chỉ định với ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn tái phát hoặc di căn; có thể chỉ định dùng đơn thuần hoặc phối hợp với điều trị nội tiết. Các thuốc hóa chất thường dùng trong ung thư tiền liệt tuyến như docetaxel, carbazitaxel, mitoxantrone.
Với ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn di căn, chưa điều trị nội tiết, thể tích khối u lớn thì điều trị nội tiết kết hợp thuốc docetaxel ngay từ đầu cho hiệu quả tốt hơn sơ với điều trị nội tiết đơn thuần.
Với ung thư tuyến tiền liệt đã kháng với liệu pháp kháng cắt tinh hoàn thì hóa trị là chủ đạo.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi hóa trị gồm:
- Rụng tóc.
- Lở miệng.
- Ăn mất ngon.
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Tiêu chảy.
- Tăng khả năng nhiễm trùng.
- Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu.
- Mệt mỏi.
Các tác dụng phụ này thường mất đi sau một thời gian điều trị xong.
6. Điều trị nội tiết
Ung thư tuyến tiền liệt là ung thư phụ thuộc nội tiết. Theo đó, tế bào ung thư cần hormone androgen để phát triển. Phương pháp điều trị nội tiết là biện pháp nhằm ngăn chặn sự tác động của androgen lên tế bào ung thư tuyến tiền liệt thông qua các cơ chế khác nhau.
Các dạng điều trị nội tiết bao gồm:
- Dùng thuốc đồng vận LHRH như goserelin, leuprolide, triptorelin. LHRH (là những hoạt chất tổng hợp cấu trúc tương tự LHRH), khi sử dụng lâu dài sẽ dẫn đến ức chế sản xuất LH của tuyến yên, qua đó ức chế sản xuất testosterone từ tinh hoàn tạo hiện tượng mất hoạt hóa thụ thể LHRH của tuyến yên. Đây còn gọi là phương pháp "cắt tinh hoàn bằng nội khoa". Khi dùng phương pháp này cho hiệu quả tương đương với phẫu thuật cắt tinh hoàn, nhưng tinh hoàn vẫn được bảo tồn.
Trong những ngày đầu của lần dùng thuốc đầu tiên, bệnh nhân có thể gặp phải những khó chịu do tăng nhanh nồng độ testosterone trong máu trong thời gian ngắn trước khi giảm dần. Để giảm nguy cơ này, bác sĩ có thể cho bệnh nhân uống thuốc kháng androgen một vài tuần trước khi tiêm thuốc đồng vận LHRH. Bệnh nhân cần phải tiêm nhắc lại thuốc này trong khoảng thời gian nhất định tùy từng loại thuốc.
- Thuốc đối vận LHRH như abarelix, degarelix có tác dụng giảm nhanh nồng độ testosterone trong thời gian ngắn và không gây hiện tượng tăng testosterone tạm thời như nhóm thuốc đồng vận LHRH. Đây cũng được gọi là một phương pháp "cắt tinh hoàn bằng nội khoa".
- Thuốc ức chế tổng hợp androgen như abiraterone có tác dụng giảm sản xuất androgen, chỉ định với ung thư tuyến tiền liệt đã kháng với liệu pháp cắt tinh hoàn.
- Thuốc kháng androgen có tác dụng ngăn cản sự tác động của androgen lên tế bào ung thư, thường được dùng phối hợp với liệu pháp cắt tinh hoàn.
Mời độc giả xem thêm video:
Phát hiện ung thư tiền liệt tuyến sau trục trặc khi quan hệ vợ chồng | SKĐS