1. Bại não là gì?
Bại não là do sự phát triển bất thường hoặc tổn thương ở các vùng não kiểm soát chuyển động, thăng bằng và tư thế. Do tổn thương một hoặc nhiều phần não điều khiển chuyển động, trẻ bị bại não không thể cử động cơ bình thường.
Trong gần 75% trường hợp, bại não là do biến cố trước khi sinh. Sinh non là một trong những yếu tố nguy cơ đáng kể nhất đối với bại não.
Các nguyên nhân liên quan khác là ngạt khi sinh dẫn đến não thiếu oxy, thiếu máu cục bộ, đột quỵ chu sinh hoặc nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.
Nhiều trẻ bại não có những vấn đề khác cần được điều trị bao gồm chậm phát triển trí tuệ, khuyết tật học tập, co giật, cũng như các vấn đề về thị giác, thính giác và ngôn ngữ...
2. Các biện pháp điều trị bại não
Đối với bại não cần điều trị đa ngành và phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Điều trị sớm có tác động tích cực đến tính dẻo thần kinh và làm giảm những thay đổi về cơ xương khớp ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và tăng trưởng của xương, cơ.
Mục tiêu điều trị chính là giảm thiểu tình trạng khuyết tật, ngăn ngừa hoặc khắc phục tình trạng co cơ. Co cứng ở người bị bại não có thể được điều trị bằng nhiều cách: Thông qua phục hồi chức năng, dùng thuốc và thậm chí cả phẫu thuật.
Các thuốc được sử dụng để điều trị co cứng cơ bao gồm:
- Độc tố Botulinum, hoạt động bằng cách làm tê liệt các cơ đã được tiêm. Đây là loại thuốc được sử dụng dưới dạng Botox dùng để điều trị nếp nhăn, có thể được tiêm vào dây thần kinh để kích thích các cơ bị ảnh hưởng. Thuốc làm thay đổi nhẹ các dây thần kinh, làm giảm sức kéo của cơ lên khớp.
- Các loại thuốc khác được sử dụng để giảm co cứng bao gồm: Baclofen, benzodiazepin (như diazepam), tizanidine, dantrolene... tất cả đều được dùng bằng đường uống. Baclofen, một chất tương tự GABA (gamma-aminobutyric acid), được sử dụng để làm giảm tình trạng co cứng toàn thân. Hơn nữa, các dẫn xuất của benzodiazepine có thể làm giảm độ co cứng. Cấy một máy bơm truyền baclofen liên tục quanh tủy sống có thể có lợi cho một số trẻ bị co cứng nghiêm trọng.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cũng có thể được thực hiện để cắt hoặc kéo dài gân của các cơ cứng làm hạn chế khả năng vận động. Đôi khi việc cắt bỏ một số rễ thần kinh nhất định từ tủy sống làm giảm tình trạng co cứng và có thể giúp ích cho một số trẻ, đặc biệt là những trẻ sinh non, tình trạng co cứng chủ yếu ảnh hưởng đến chân và chức năng nhận thức còn tốt.
Nếu không bị thiếu hụt trí tuệ nghiêm trọng, nhiều trẻ bại não vẫn phát triển và việc học tập của các em có thể diễn ra bình thường. Một số khác cần vật lý trị liệu, giáo dục chuyên biệt và điều trị, hỗ trợ lâu dài. Tuy nhiên, ngay cả những trẻ em bị nặng cũng có thể được hưởng lợi từ giáo dục và phục hồi chức năng, giúp nâng cao tính độc lập, đồng thời giảm đáng kể gánh nặng cho các thành viên trong gia đình hoặc những người chăm sóc khác.
Khi tuổi đi học đến gần, việc điều trị tập trung vào việc cải thiện khả năng giao tiếp và giảm bớt các triệu chứng có vấn đề về mặt xã hội, như chảy nước dãi (ví dụ: Liệu pháp ngôn ngữ). Mọi nỗ lực được thực hiện để đưa trẻ em có trí thông minh bình thường được đi học.
3. Làm gì để phòng ngừa bại não?
Mặc dù việc loại bỏ hoàn toàn bệnh bại não có lẽ là không thể nhưng một số yếu tố nguy cơ có thể được loại bỏ. Bất kỳ yếu tố nào làm tăng nguy cơ sinh non, như thuốc lá, rượu, ma túy, đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh bại não. Khả năng bị dị tật bẩm sinh sẽ cao hơn khi người mẹ hút thuốc hoặc uống rượu khi mang thai.
Một trong những bước đơn giản nhất mà bất kỳ ai đang cân nhắc việc mang thai có thể thực hiện là chủng ngừa bệnh sởi. Nên tiêm vaccine trước khi mang thai vì biện pháp phòng ngừa này không còn hiệu quả sau khi thụ thai.
Bất kỳ biện pháp nào làm giảm nguy cơ chấn thương đầu cho trẻ sơ sinh cũng làm giảm nguy cơ bại não. Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa bệnh viêm màng não, nhưng có thể giảm nguy cơ bằng cách đảm bảo trẻ được tiêm chủng theo khuyến nghị và đưa trẻ đến bác sĩ mỗi khi trẻ bị nhiễm trùng tai hoặc đau đầu dữ dội kèm theo sốt. Trẻ dưới 4 đến 6 tháng tuổi bị sốt đều cần được khám bệnh.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Co giật, ngưng tim, ngưng thở chỉ vì vết xước ngoài da.