"Có tim rồi, cố lên"...
Những ngày qua, câu chuyện bác sĩ Phan Nhân Hậu, Trưởng khoa Ngoại - Gây mê Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương đuổi theo xe máy người lạ cứu cháu bé Trần Trung K. (2 tuổi, trú bản Kim Hồng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An) bị đuối nước, ngừng tim làm nhiều người xúc động. Nhiều cuộc gọi, tin nhắn được gửi đến bác sĩ Hậu để cảm ơn. "Là bác sĩ, trong hoàn cảnh đó ai cũng sẽ hành động như tôi. Gặp người bị nguy nan là phải cứu. Cố cứu bằng được, nhất là trẻ nhỏ. Đó là thiên chức cao quý của người bác sĩ", bác sĩ Phan Nhân Hậu nở nụ cười nhân hậu nói.
Theo bác sĩ Hậu, khoảng hơn 10h ngày 19/7, đang dừng xe gần một cây cầu nghe tiếng còi xe máy kêu liên hồi và chạy với tốc độ cao. "Nhìn qua gương chiếu hậu tôi thấy vẻ mặt người lái xe hốt hoảng. Khi chiếc xe máy vụt qua vài mét, hình ảnh đập ngay vào mắt tôi là cháu bé nằm bất động trong lòng người phụ nữ ngồi phía sau. Hai tay bé thõng xuống, mặt tím đen. Với kinh nghiệm trong nghề tôi nghĩ cháu bé bị dị vật đường thở hoặc ngạt nước. Đây là trường hợp nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao", bác sĩ Hậu nhớ lại.
Không chần chừ, bác sĩ Hậu tăng ga, bám ngay sau xe máy cho đến khi vào tận Trạm y tế xã Ngọc Lâm. Cháu bé vừa vào phòng cấp cứu, bác sĩ Hậu lao vào phòng. Lúc này tình trạng cháu K. ướt sũng, bụng phình to, mặt và mũi tím đen, không nhịp tim, không nhịp phổi, không phản xạ, đồng tử giãn. "Cháu bị đuối nước, mọi người tránh ra một chút", bác sĩ Hậu nói. Vừa dứt lời, bác sĩ Hậu cúi xuống ngậm miệng cháu bé để hút. Cơm lẫn nước bắt đầu ộc ra liên tục.
Càng để thêm giây phút nào, tính mạng cháu bé nguy kịch thêm, bác sĩ Hậu phối hợp với bác sĩ Lương Thị Diễm (Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ngọc Lâm):"Anh hà hơi thổi ngạt. Em ép tim nhé".
Quy trình thổi ngạt 1 lần, 15 lần ép tim. Cứ như thế nhưng sau 15 lần, cháu bé vẫn chưa có tim. Lúc đó mọi người đều nghĩ "khó rồi" nhưng bác sĩ Hậu trấn an để không ai có thể bỏ cuộc. "Trẻ em nhưng sức sống mãnh liệt lắm. Tôi lấy ống adrenalin tiêm thẳng vào cơ tim cháu bé và tiếp tục quy trình ép tim cũng như dùng ống nghe để tiếp tục nghe tim", bác sĩ Hậu nhớ lại.
Sau 30 phút cam go dần trôi, thấy lồng ngực cháu bé rung rung, mọi người nước mắt rưng rưng. "Có tim rồi bác sĩ Diễm ơi. Có tim rồi", bác sĩ Hậu nói nhưng rất khẽ như sợ một điều thiêng liêng gì đó vụt biến mất. Đến khi nghe bác sĩ Diễm khẳng định lần nữa "có tim rồi", lúc này toàn bộ y, bác sĩ trong phòng cấp cứu như được khích lệ. Mọi người vui mừng vì tin cháu bé có cơ hội được cứu sống. Ngay sau đó, quy trình ép tim được tiếp tục.
Ít phút sau, cháu bé có nhịp thở và nấc lên, lúc này bác sĩ Hậu và mọi người mới thở phào tin tưởng cháu K. qua cơn nguy kịch. Lúc này, mọi thiết bị ở Trạm y tế được các điều dưỡng chuẩn bị trước đó như máy hút, bình chạy oxy, bóp bóng liền được sử dụng. Bác sĩ Hậu bật máy hút để hút lại một lần nữa rồi nói mọi người gọi ngay một xe ô tô để đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương. Đồng thời, gọi ngay các đồng nghiệp ở bệnh viện sẵn sàng cấp cứu cháu bé.
Giây phút dành sự sống cho cháu bé
Xe đến trạm, bác sĩ Hậu hướng dẫn các y, bác sĩ bế và giữ cằm bé đúng tư thế. Trong khi đó, điều dưỡng Vi Văn Huân dùng chân kẹp chặt bình oxy, một tay bóp bóng, một tay giữ chặt mặt nạ oxy trong quá trình xe di chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương.
"Hơi thở bé còn rất yếu và có những lúc tim không đều nên việc bóp bóng, ép tim cho bé vẫn luôn phải duy trì trong khi chiếc xe tăng tốc, đường bê tông liên xã vùng biên giới vừa nhỏ vừa ngoằn ngoèo. Đây là một thử thách mới xuất hiện trong thời khắc giành giật sự sống cho cháu bé", điều dưỡng Huân kể.
Theo điều dưỡng Huân, lúc ở trên xe, bác sĩ Diễm gồng người, giữ chặt tư thế cho bé trong khi anh gắng sức, một tay giữ chặt mặt nạ, một tay bóp bóng liên tục, còn hai chân kẹp chặt bình oxy. "Nghe bác tài thông báo, sắp đến đoạn đường cua là mọi người lại gồng lên để không làm gián đoạn quá trình cấp cứu cháu bé. Nếu chiếc mặt nạ hở, hơi ra ngoài, cháu bé sẽ rất nguy hiểm", điều dưỡng Huân nhớ lại.
Xe kịp đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương liền được các y, bác sĩ tiếp tục cấp cứu. "Khi bé được chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, mọi người mới yên tâm trở về trạm. Ai cũng cầu mong điều tốt đẹp nhất đến với cháu bé", bác sĩ Diễm nói.
Tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, bác sĩ Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu và ê kíp tiếp tục điều trị tích cực cho cháu bé. "Hiện mạch và huyết áp của cháu bé đã dần ổn định. Cháu ngừng dùng các thuốc vận mạch, ngừng phương pháp hạ thân nhiệt, các thông số máy thở giảm dần. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn đang theo dõi rất sát sao", bác sĩ Mạnh cho biết.