Mỗi năm đuối nước khiến gần 2.000 trẻ tử vong, cấp thiết can thiệp bằng dạy bơi an toàn

31-10-2023 20:16 | Y tế

SKĐS - Tại Việt Nam, theo thống kê tử vong do tai nạn thương tích của Cục Quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế, đuối nước là nguyên nhân thứ 2 gây ra tử vong do tai nạn thương tích cho trẻ, chỉ sau tai nạn giao thông.

Gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước

Tại hội thảo "Các giải pháp tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho học sinh" diễn ra hôm nay 31/10, ThS. Đoàn Thu Huyền - Giám đốc quốc gia, Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids, Hoa Kỳ, Chương trình Vận động Chính sách Y tế toàn cầu dẫn báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết trung bình mỗi năm, gần 2.000 trẻ em ở nước ta tử vong do đuối nước.

Hơn 55% trẻ em tử vong do đuối nước sống trong các hộ gia đình có điều kiện kinh tế nghèo, tập trung nhiều nhất ở khu vực nông thôn. Nhóm trẻ từ 0 – 5 tuổi có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất. Khu vực nông thôn có nguy cơ bị đuối nước cao gấp 2 lần trẻ em ở khu vực thành thị...

Mỗi năm đuối nước khiến gần 2.000 trẻ tử vong, cấp thiết can thiệp bằng dạy bơi an toàn - Ảnh 1.

Bà Đoàn Thu Huyền (giữa) cùng các chuyên gia tại hội thảo "Các giải pháp tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho học sinh".

Mặc dù có xu hướng giảm dần qua các năm nhưng đuối nước luôn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên. Tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm khoảng 50% các ca tử vong do tai nạn, thương tích; xảy ra chủ yếu tại cộng đồng (76,6%), tại gia đình (22,4%) và tại trường học (1%).

Nói về thực trạng tổ chức dạy bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh tại các địa phương trong thời gian qua, tại hội thảo ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trong ba năm 2020, 2021, 2022 trên toàn quốc đã xảy ra khoảng 500 vụ đuối nước, làm tử vong hơn 1.900 trẻ mầm non, học sinh.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch hàng năm xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. Trong đó tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai công tác truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng an toàn, phòng chống đuối nước được tích hợp trong chương trình giáo dục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nỗ lực để giảm trẻ bị đuối nước, tăng số trẻ biết bơi an toàn

Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021 – 2030 đã đặt mục tiêu, đến năm 2025 giảm 10% trẻ em bị đuối nước, 50% trẻ em từ 6 đến 16 tuổi biết bơi an toàn

Theo bà Đoàn Thu Huyền, nhằm chung tay giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, Quỹ Từ thiện Bloomberg Hoa Kỳ đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá, Hoa Kỳ (Chương trình Vận động Chính sách Y tế toàn cầu).

Chương trình đã lựa chọn can thiệp tại 8 tỉnh (Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Quảng Bình, Thanh Hoá, Đắc Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Đây là địa phương có tỉ lệ đuối nước cao nhất trên cả nước, ưu tiên chọn địa bàn khó khăn. Năm 2020, Chương trình mở rộng thêm tại 4 tỉnh/ thành phố (Hà Nội, Nam Định,Nghệ An, Long An). Đến nay, chương trình đã bao phủ tại 136 xã của 33 huyện thuộc 12 tỉnh trên.

Mỗi năm đuối nước khiến gần 2.000 trẻ tử vong, cấp thiết can thiệp bằng dạy bơi an toàn - Ảnh 2.

Cần tập trung vào dạy cho trẻ em trong độ tuổi đến trường các kỹ năng bơi cơ bản, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và kỹ năng cứu nước an toàn.

Theo kết quả đánh giá độc lập của trường Đại học Y tế công cộng năm 2022, tại các tỉnh triển khai can thiệp, tỉ lệ trẻ biết bơi chung của trẻ em đã tăng 2,2 lần so với thời điểm trước can thiệp (từ 14,7% lên 32,6%). Tỉ lệ này đã cao hơn tỉ lệ trung bình của toàn quốc (25,16% học sinh bơi được ít nhất 25m theo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh Việt Nam của Tổ chức Y tế thế giới ở trẻ em...

Tại sự kiện truyền thông Ngày Thế giới Phòng chống đuối nước diễn ra cách đây không lâu, TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam thông tin toàn thế giới có hơn 236.000 người tử vong vì đuối nước mỗi năm. Trong đó, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỉ suất đuối nước trẻ em cao trên thế giới.

WHO khuyến cáo Việt Nam cần tập trung vào dạy cho trẻ em trong độ tuổi đến trường các kỹ năng bởi cơ bản, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và kỹ năng cứu nước an toàn.

Đây là các biện pháp có chi phí hợp lý, đã được chứng minh về hiệu quả trong việc giảm thiểu đáng kể nguy cơ đuối nước và bảo vệ tính mạng của trẻ em. Điều này cực kỳ quan trọng cho việc trẻ em từ 6 tuổi trở lên được lớn lên khỏe mạnh và an toàn. Kỹ năng bơi an toàn không chỉ đi theo các em suốt đời, mà còn là một cách luyện tập nâng cao thể chất lành mạnh.

Thiếu máu điều trị ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Bộ Y tế yêu cầu phải cung cấp đủThiếu máu điều trị ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Bộ Y tế yêu cầu phải cung cấp đủ

SKĐS - Trước phản ánh về tình trạng thiếu máu lại diễn ra tại Cần Thơ và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long những ngày gần đây, Bộ Y tế - Cục quản lý Khám, chữa bệnh tiếp tục có văn bản gửi các đơn vị liên quan yêu cầu phải bảo đảm cung cấp đủ máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện tại đây.

Thái Bình
Ý kiến của bạn