Mùa hè đến, bác sĩ hướng dẫn cứu trẻ đuối nước

22-05-2024 07:30 | Y tế
google news

SKĐS - BS CKII Hoàng Ngọc Anh Tuấn- Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi – Nhi Sơ sinh, BVĐK vùng Tây Nguyên khuyến cáo các phụ huynh không nên sơ cứu ban đầu bằng cách bế ngược trẻ, sốc cho nước ra mà cần hà hơi, thổi ngạt, ép tim.

Thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên liên tục xảy ra tình trạng trẻ em đuối nước. Mới nhất, trong ngày 18 và 19/5, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 2 em ở xã Ea Kao (TP.Buôn Ma Thuột) và 2 em ở Ea Tir (Ea H'Leo) tử vong vì đuối nước.

Trước thực trạng trên, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, BSCKII Hoàng Ngọc Anh Tuấn – Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi – Nhi Sơ sinh BVĐK vùng Tây Nguyên đưa ra nhiều khuyến cáo các bậc phụ huynh nên nhớ, nhất là kỳ nghỉ hè đang đến gần.

Bác sĩ Anh Tuấn cho biết, tình trạng trẻ em đuối nước gia tăng nhiều, đặc biệt trong những tháng nghỉ hè, các bậc phụ huynh cần quan tâm sâu sát đến con em mình.

Nạn nhân đuối nước thường gặp ở những trẻ em không biết bơi, trẻ có tiền sử co giật, trẻ em hay tắm ở ao, hồ mà thiếu sự giám sát của người lớn…Quá trình bị đuối nước thường diễn ra qua 4 giai đoạn.

Giai đoạn 1 là khi nạn nhân vừa xuống nước gặp sốc nhiệt, chuột rút hoặc không biết bơi nên bị ngừng thở, chậm nhịp tim và tăng huyết áp.

Mùa hè đến, bác sĩ hướng dẫn cứu trẻ đuối nước- Ảnh 1.

Nỗi đau của gia đình có trẻ em đuối nước xảy ra ngày 19/5 tại xã Ea Tir (Ea H'Leo). Ảnh:T.H.

Gia đoạn 2, nạn nhân đuối nước lấy lại hơi thở tạm thời nhưng nước đã bị hít vào cơ thể. Giai đoạn 3, người đuối nước sẽ ngừng thở. Giai đoạn 4, người đuối nước ngưng tim.

Mùa hè đến, bác sĩ hướng dẫn cứu trẻ đuối nước- Ảnh 2.

Chỉ thời gian ngắn, nhiều trẻ em ở Tây Nguyên đã bị đuối nước. Ảnh T.H.

"Khi các phụ huynh phát hiện trẻ đuối nước nằm trong giai đoạn 1,2,3 thì có thể tiến hành sơ cứu trẻ ngay, việc xử trí tại chỗ rất quan trọng, giúp khả năng hồi phục của trẻ cao.

Việc đầu tiên là đưa trẻ em gặp nạn lên khỏi mặt nước, rồi làm thông đường thở bằng cách móc hết nước bẩn, dị vật, rong rêu…có trong miệng nạn nhân ra.

Sau đó, hà hơi, thổi ngạt cho trẻ bị đuối nước (thổi và miệng, mũi đứa trẻ). Bước tiếp theo là ép tim làm cho lồng ngực trẻ em bị đuối nước ấm trở lại và đưa ngay đến cơ sở y tế để được cứu chữa kịp thời.

Tuyệt đối không nên bế dốc ngược các trẻ em bị đuối nước lên rồi ôm chạy lòng vòng cho nước chảy nước. Vì động tác này chỉ có tác dụng khơi thông vùng họng chứ không làm nước trong phổi của người bị đuối nước trào ra mà ngược lại nước sẽ đi sâu vào phổi hơn", bác sĩ Anh Tuấn nói.

Mùa hè đến, bác sĩ hướng dẫn cứu trẻ đuối nước- Ảnh 3.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Anh Tuấn, các gia đình nên cho trẻ em học bơi sớm, đồng thời trẻ có tiền sử bệnh co giật không nên cho đi bơi. Ảnh.Đ.H.

Cũng theo bác sĩ CKII Hoàng Ngọc Anh Tuấn, khi một trẻ em đuối nước mà nước xâm nhập vào phổi nhiều sẽ dẫn đến tình trạng phù phổi, suy hô hấp, nặng hơn là bị phù não, tăng áp lực nội sọ. Khi rơi vào tình trạng này, rất khó để phục hồi cho trẻ.

"Các bậc phụ huynh nên cho trẻ em học bơi sớm. Khi các cháu đã biết bơi mà đưa đi tắm suối, tắm hồ, biển…thì vẫn phải luôn có sự giám sát chặt chẽ của người lớn. Xung quanh nhà, vườn của các gia đình, nếu có hố nước, hồ nước, ao nước, chum nước…phải tiến hành rào chắn, che đậy cẩn thận. Không nên cho trẻ đi bơi hoặc học bơi trong điều kiện thời tiết xấu, phải cho trẻ khởi động trước khi xuống nước. Đặc biệt, một số trẻ em có tiền sử hoặc biểu hiện bệnh co giật thì không được cho trẻ bơi vì nguy cơ xảy ra tai nạn bất thường rất cao", bác sĩ CKII Hoàng Ngọc Anh Tuấn khuyến cáo thêm.

9 học sinh đuối nước thương tâm chỉ trong 1 ngày9 học sinh đuối nước thương tâm chỉ trong 1 ngày

SKĐS - Chỉ trong một ngày, tại Quảng Bình ghi nhận 9 học sinh đuối nước khi tắm biển, trong đó có 1 em tử vong, 1 em đang mất tích.


Đông Hưng
Ý kiến của bạn