Hà Nội

'Ánh sáng vùng biên' của những người lính

29-12-2022 17:54 | Thời sự
google news

SKĐS - Với sự quan tâm và nỗ lực của những người lính "quân hàm xanh", gần 100 công trình "Ánh sáng vùng biên" đã thành hình và thắp sáng các bản làng vùng biên giới.

Trong những chuyến công tác ở các miền núi của tỉnh Quảng Bình, Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có nhiều chuyến cuốc bộ xuyên rừng tới những bản làng không điện lưới, không sóng điện thoại. Được nghe dân bản kể về sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền và bộ đội biên phòng để phát triển đời sống. Trong đó, dân bản luôn vui mừng khi nói về những công trình "Ánh sáng vùng biên" giúp chiếu sáng bản làng không điện lưới, giữa đêm trường đại ngàn.

Những hành trình không ngại khó để mang ánh sáng về bản của người lính mang "quân hàm xanh" - Ảnh 1.

Bản Sắt sau những ngày mưa lũ, sạt lở nay đã khang trang.

Với người lính biên phòng,"biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", họ thấu hiểu được sự quan trọng của ánh điện và niềm mong mỏi của bà con ở những bản làng biên giới khó khăn. Sau những chuyến công tác của biên phòng, khảo sát địa hình, lựa chọn địa bàn, với quan điểm "dễ trước khó sau, trên dưới cùng làm", mô hình "Ánh sáng vùng biên" đã ra đời.

Bản Sắt nằm cách trung tâm xã Trường Sơn khoảng 10km đường rừng núi, giao thông đi lại khó khăn. Đây là nơi định cư của 34 hộ dân đồng bào Vân Kiều. Trong trận lũ lịch sử tháng 11/2020, ngọn núi phía sau bản bị sạt lở, đe dọa sự an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân. Sau khi lũ đi qua, cơ quan chức năng đã triển khai xây dựng khu tái định cư, giúp toàn bộ các gia đình trong bản ổn định đời sống ở vị trí mới. Tuy nhiên, cuộc sống của bà con hiện tại vẫn còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là chưa có điện lưới phục vụ sinh hoạt, chủ yếu dựa vào những tấm pin năng lượng mặt trời nhỏ.

Với mong muốn mang ánh đèn chiếu sáng bản nghèo trong đêm, Đồn Biên phòng Làng Mô đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm triển khai xây dựng công trình "Ánh sáng vùng biên" tại bản Sắt.

Những hành trình không ngại khó để mang ánh sáng về bản của người lính mang "quân hàm xanh" - Ảnh 2.

"Ánh sáng vùng biên" đã về với bản Sắt sau nỗ lực của những người lính biên phòng.

Công trình được triển khai với 30 cột và bóng năng lượng mặt trời chiếu sáng toàn bộ các trục đường của bản. Ngoài ra, Đồn Biên phòng Làng Mô còn lắp đặt 8 hệ thống bóng năng lượng mặt trời tại các điểm trường tiểu học và mầm non của bản để đảm bảo ánh sáng phục vụ cho việc dạy và học.

Bản Dốc Mây, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) nằm biệt lập giữa đại ngàn Trường Sơn, giáp biên giới 2 nước Việt Nam- Lào. Không có đường sá đi lại, bà con bản Dốc Mây dường như sống tách biệt với bên ngoài, tự cung tự cấp, chưa từng được nhìn thấy ánh điện. Để đến được với bản Dốc Mây, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình phải đi bộ hơn 20km đường rừng và xuất phát từ tờ mờ sáng.

Những hành trình không ngại khó để mang ánh sáng về bản của người lính mang "quân hàm xanh" - Ảnh 3.

Bộ đội biên phòng vượt đường rừng vào bản sau khảo sát để xây dựng mô hình "Ánh sáng vùng biên".

Thế nên, hành trình mang "Ánh sáng vùng biên" đến với bản Dốc Mây đầy khó khăn, vất vả. Bộ đội phải gùi ba lô gùi thiết bị, khiêng máy móc và một ít lương thực để ở lại vài ngày. Đồn Biên phòng Làng Mô đã lắp đặt 20 cột đèn sử dụng năng lượng mặt trời, con đường mòn dẫn về bản nhỏ trở nên văn minh, hiện đại hơn.

Chính những người cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch đã kêu gọi tài trợ, vận động cán bộ, chiến sĩ tự nguyện trích lương để xây dựng mô hình "Ánh sáng vùng biên" cho bà con.

Những người lính Biên phòng và bà con dân bản phải gùi cõng gần 2 tấn vật liệu, thiết bị đi quãng đường hơn 5 km đồi núi, đèo dốc để thi công công trình. Công trình "Ánh sáng vùng biên" với 36 bộ cột đèn sử dụng năng lượng mặt trời, trải dài gần 2 cây số, thắp sáng cả bản Cồn Roàng.

Những hành trình không ngại khó để mang ánh sáng về bản của người lính mang "quân hàm xanh" - Ảnh 4.

Bộ đội cùng dân bản chung sức xây dựng công trình đưa ánh sáng về bản.

"Ánh sáng vùng biên" không chỉ ở những bản làng xa xôi nơi biên giới mà còn đến với những vùng đồng bào có đạo, với những bà con ngư dân vùng biên giới biển. Mô hình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông, nạn trộm cắp.

Sau thời gian không quá dài triển khai, mô hình "Ánh sáng vùng biên" dù có giá trị đầu tư không lớn nhưng mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống, sinh hoạt của đồng bào nơi biên giới. Không chỉ mang ánh sáng đến bà con biên cương của Tổ quốc, Bộ đội biên phòng Quảng Bình cũng xây dựng công trình tặng bà con bản Na Chắt, cụm bản Lằng Khằng, tỉnh Khăm Muộn, nước bạn Lào.

Những hành trình không ngại khó để mang ánh sáng về bản của người lính mang "quân hàm xanh" - Ảnh 5.

Niềm vui của dân bản khi bản làng được thắp sáng giữa màn đêm đại ngàn.

Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, qua 3 năm thực hiện, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình xây dựng và đưa vào sử dụng 96 công trình "Ánh sáng vùng biên" với chiều dài hơn 90km thắp sáng các bản làng vùng biên giới.

Đơn vị đã vận động hơn 4,5 tỷ đồng, cùng với nguồn kinh phí đơn vị, đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, huy động hơn 3.500 ngày công của bộ đội và hơn 1.000 ngày công lao động của nhân dân để thực hiện "Ánh sáng vùng biên".

Những công trình "Ánh sáng vùng biên" minh chứng cho tình đoàn kết quân-dân, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đối với đồng bào nơi biên giới, vùng biển.

"Trong thời gian sắp tới, để tiếp tục thực hiện chương trình này, Bộ đội Biên phòng tập trung chỉ đạo nhiều nội dung, trong đó có các công trình "Ánh sáng vùng biên" và nhiều công trình thiết thực ở trên tuyến biên giới", Đại tá Trịnh Thanh Bình cho biết.


Hùng Trần
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn