Sau các bài tập chiến thuật, phương thức chiến đấu hay những giờ đi tuần tra dọc đường biên là giây phút mà các chiến sĩ đồn Biên phòng Pa Ủ tận hưởng bầu không khí như những người trong một gia đình. Chẳng ai bảo ai, mỗi người một việc, người nhặt rau, bổ củi, nấu ăn…, người thì rèn luyện thể dục thể thao, chăm cây...Nhưng 2 năm trở lại đây, họ còn có thêm việc cực kỳ quan trọng đó chính là chỉ bảo cho 2 đứa con nuôi của đồn Biên phòng từng nét chữ cũng như những kiến thức trong cuộc sống hàng ngày.
Thời gian qua, thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, các đơn vị bộ đội Biên phòng trên các tuyến biên giới đã nhận đỡ đầu hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều cháu học sinh đã có cơ hội để thay đổi số phận khi được ăn no, mặc ấm, được cắp sách đến trường và đặc biệt là được sống trong tình yêu thương của những người lính Biên phòng.
Thêm một mái nhà
Theo Trung tá Đỗ Văn Đàm (Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Ủ), hiện nay đơn vị đang nhận nuôi 2 cháu Vàng Lò Hừ (SN 2010) và cháu Giàng Cà Hừ (SN 2010) theo mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng".
Những ngày mới về, tuy còn nhiều bỡ ngỡ với nơi ở mới, cách sinh hoạt hoàn tác khác lạ nhưng 2 con thực hiện các chế độ giờ giấc theo quy định của quân đội, đơn vị rất nghiêm túc. Các cháu được những người cha nuôi hướng dẫn tham gia làm công việc phù hợp, rèn luyện thân thể và các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.
Trung tá Đàm kể, Vàng Lò Hừ ở Bản Xà Hồ, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, Vàng Lò Hừ mồ côi bố mẹ từ sớm, cháu ở cùng ông nội, gia đình thuộc diện hộ nghèo, ăn uống khổ cực có bữa chỉ gói mì tôm qua ngày, quần áo phải đi xin để mặc. Thương cảm trước hoàn cảnh của cháu, Đồn nhận về nuôi, từ khi trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng, được các bố nuôi chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, cậu bé đã có lần tâm sự mình cứ ngỡ đang mơ.
Với Giàng Cà Hừ thì có chút may mắn hơn, bởi cháu còn bố mẹ nhưng sinh ra trong gia đình đông anh chị em, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Nên cuộc sống cũng bấp bênh, vất vả. Tháng 3/ 2021, Đồn Biên phòng Pa Ủ chính thức đón Giàng Cà Hừ về làm con nuôi, khi ấy Cà Hừ được bố mẹ đưa đến. Gia đình ai cũng mừng cho Cà Hừ vì từ nay, trong mỗi bước đi của cậu học trò nhỏ đều có sự kèm cặp, chỉ bảo của những người cha ở đồn biên phòng Pa Ủ.
Chia sẻ thêm về câu chuyện, Thiếu tá Ngô Văn Phương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ nhớ lại: "Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên đến điểm trường Mu Chi thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ, được các thầy cô giới thiệu hai cháu và chia sẻ về hoàn cảnh gia đình cũng như những nỗ lực, cố gắng của các cháu trong cuộc sống và trong học tập, tôi đã rất ấn tượng và trực tiếp tiếp cận, gặp gỡ, tìm hiểu về cháu và gia đình.
Ngày đầu gặp Giàng Cà Hừ, cháu còn rất rụt rè, ngại va chạm, mặc dù khi đó cháu là một học sinh năng động được nhà trường tin tưởng giao làm Liên đội trưởng của điểm trường. Nhưng sau nhiều lần gặp gỡ, gần gũi, động viên và chia sẻ, cháu đã mạnh dạn hơn, nói nhiều hơn và thoải mái hơn, những câu hỏi của tôi về cháu và gia đình đều được cháu trả lời, chia sẻ rất cụ thể và đầy đủ.
'Tôi đã rất xúc động và cảm thương với hoàn cảnh của gia đình và ý chí vươn lên của cháu Giàng Cà Hừ. Sau đó tôi trực tiếp cùng cháu đến thăm nhà và gặp gỡ mọi người trong gia đình của Cà Hừ, nhận thấy những lời tâm sự, chia sẻ về gia đình của cháu là hoàn toàn đúng sự thật, tôi đã động viên và đặt vấn đề đơn vị xin được nhận nuôi Giàng Cà Hừ làm con nuôi của đồn'. Thiếu tá Ngô Văn Phương cho biết.
Về đồn, tôi đã báo cáo với cấp uỷ, ban chỉ huy đơn vị đã thống nhất báo cáo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về việc nhận nuôi các cháu. Được sự nhất trí của Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, sau khi làm các thủ tục nhận nuôi, đơn vị quyết định để các cháu được nuôi dưỡng, ăn ở trực tiếp tại tổ công tác Mu Chi, tôi và các cán bộ chiến sĩ thường xuyên xuống thăm và động viên hai cháu. Đến khi học hết lớp 5 chuyển lên học tại Trường PTDTBT Trung học cơ sở Pa Ủ cách đồn khoảng 6km, hàng ngày hai cháu được đơn vị đón về nuôi dưỡng.
Thiếu tá Ngô Văn Phương cũng cho biết thêm, thời gian đầu ở Đồn, hai cháu còn nhiều bỡ ngỡ với các chế độ quy định và hoạt động của đơn vị, tôi đã trực tiếp chỉ đạo và cùng đồng chí Thiếu uý Mào Văn Hiểu (Đội trưởng Vũ trang) và Thượng úy Phú Già Pô (Đội trưởng PCMT&TP) trực tiếp quan tâm, hướng dẫn, chỉ dạy và chăm sóc hai cháu, từ việc làm quen với các chế độ quy định như giờ giấc, đi lại, đảm bảo nội vụ vệ sinh, ăn, ngủ, thể dục sáng... đến việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc, rèn luyện thể lực phù hợp với thực tế trong và ngoài đơn vị. Phương pháp trực tiếp bắt tay chỉ việc, hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ, gần gũi, cởi mở để hai cháu thoải mái, không tự ti, không gò bó và tiếp thu có hiệu quả.
Thiếu uý Mào Văn Hiếu hướng dẫn hai cháu Vàng Lò Hừ và Giàng Cà Hừ gấp chăn, màn như một người lính tại Đồn Biên phòng Pa Ủ
Lan tỏa yêu thương
Thiếu tá Ngô Văn Phương cho biết, mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng" của đơn vị không chỉ có sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mà còn có sự chung tay của các doanh nghiệp, mạnh thường quân.
Đã 2 năm kể từ ngày 2 con Vàng Lò Hừ, Giàng Cà Hừ về ở tại Đồn Biên phòng Pa Ủ, những người lính Biên phòng đã quen với sự có mặt của một đứa trẻ và được coi như một thành viên của đơn vị. Từ chỗ thương cảm cho hoàn cảnh đứa trẻ thiệt thòi đến yêu thương, tình cảm của người lính dành cho hai con cứ thế được bồi đắp, lớn dần theo từng ngày.
Mỗi trẻ nhỏ là mỗi hoàn cảnh tuy kém may mắn đã được các Đồn Biên phòng nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và bồi đắp cho các em những ước mơ, thắp lên niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn và trở thành người có ích cho xã hội.
Trước khi ra về, nghe lời tâm sự của Giàng Cà Hừ: "nhà cháu nghèo lắm, ruộng nương có một ít, nuôi được vài con vịt, con gà, trồng được một ít rau, gia đình lại đông anh chị em (6 anh chị em) nên có những bữa không đủ ăn, có khi cả gia đình chung nhau ăn mấy gói mỳ tôm và một ít rau, anh em cháu thường xuyên cảm thấy đói. Khi cháu được về đây vừa được ăn no lại vừa được tưới trường, được các bố dạy dỗ chỉ bảo, cháu thấy cứ như đang mơ ạ".
Chúng tôi thầm cảm phục các anh - những người lính bộ đội cụ Hồ, những người sống vì mọi người, không chỉ ngày đêm bảo vệ bình yên cho tổ quốc mà còn nâng đỡ chăm sóc ươm những mầm non tương lai ở nơi miền biên viễn còn lắm khó khăn, nhọc nhằn.