Video cận cảnh dòng nước ô nhiễm đen ngòm, bốc mùi hôi thối chảy "lộ thiên" tại Thụy Khuê, Tây Hồ:
Dòng nước ô nhiễm đen ngòm, bốc mùi hôi thối tại Thụy Khuê, Tây Hồ.
Quá trình thực hiện đô thị hóa, không ít dòng sông, kênh mương đã chịu những tác động tiêu cực dẫn đến tình trạng bị ô nhiễm nặng nề. Trong số những "con mương rác" tại Thủ đô Hà Nội thì mương Thụy Khuê ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ được biết đến là con mương có mức độ ô nhiễm ở mức báo động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Theo người dân chia sẻ, mương Thụy Khuê ô nhiễm đã hơn 10 năm nay, nhiều biện pháp, dự án cải tạo được triển khai nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả rõ rệt.
Được biết, mương thoát nước Thụy Khuê có chiều dài khoảng 3km, kéo dài từ dốc La Pho đến cống Đõ thuộc phường Thụy Khuê, đây cũng là kênh thoát nước chính của quận Ba Đình và quận Tây Hồ.
Theo đó, vào năm 2011, UBND quận Tây Hồ khởi công xây dựng dự án "Cải thiện môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê". Đây là dự án cống hóa với quy mô mặt cắt ngang rộng từ 9 đến 11m, hai làn xe cơ giới, hệ thống chiếu sáng, thoát nước được thiết kế đồng bộ.
Dự án cải tạo mương Thụy Khuê có tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 273,5 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 11/2012 và sẽ hoàn thành sau 17 tháng thi công. Mặc dù đã nhiều lần xin lùi tiến độ vì nhiều lí do khác nhau nhưng cho đến nay dự án vẫn rất ngổn ngang, chưa thành hình và những người dân tại phường Thụy Khuê vẫn phải chấp nhận sống chung với... dòng nước ô nhiễm đen ngòm, bốc mùi hôi thối mỗi ngày.
Bất cứ ai đi qua phường Thụy Khuê, đoạn có mương Thụy Khuê chảy qua đều dễ dàng quan sát thấy dòng nước dưới mương đen kịt, bốc mùi hôi tanh nồng nặc, rác thải sinh hoạt nhiều đến mức gây tắc nghẽn dòng chảy.
Anh Phạm Minh Đức, 30 tuổi, trú tại phường Thụy Khuê cho biết, mương Thụy Khuê thường ngày đã bốc mùi nồng nặc, đến khi mưa dòng nước đen tràn ra đường khiến người dân khốn khổ.
Mặc dù ô nhiễm là thế, người dân buôn bán tại chợ Tam Đa vẫn phải cố bám trụ vì không còn nơi nào để đi. "Nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, ai đi qua cũng ngại nhưng vì chúng tôi đã sống ở đây cả đời người rồi, nhà cửa ở đây, buôn bán ở đây cũng 20 - 30 năm nên nếu chuyển đi nơi khác cũng chịu. Giờ chỉ mong hệ thống cống nhanh chóng được hoàn thành để chúng tôi đỡ khổ", chị Phương, tiểu thương tại chợ Tam Hoa chia sẻ.
Theo quan sát của PV, mương Thụy Khuê không chỉ gây ra ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí mà còn khả năng còn tiềm ẩn nhiều bệnh nguy hiểm do chuột, muỗi, gián,... lây truyền. Trong khi đó, hai bên bờ mương không có hàng rào chắn nên rất nguy hiểm cho người qua lại, nhất là vào buổi tối.
Đáng chú ý, bất chấp việc mương đã và đang ô nhiễm nặng nề, nhiều hộ dân lại tự ý làm đường ống xả thẳng nước thải ra mương khiến tình trạng ô nhiễm càng thêm trầm trọng.
Ghi nhận của PV Báo Sức khoẻ&Đời sống sáng 8/11 cho thấy, dự án cải tạo mương Thụy Khuê vẫn đang được thực hiện nhưng chỉ vỏn vẹn 3 - 4 công nhân, tiến độ làm việc chậm. Cũng theo người dân phản ánh, với tốc độ thi công như hiện nay thì còn rất lâu mới xong. Ngoài ra, vì còn 1 phần mương vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng nên thời gian hoàn thành dự án không thể ấn định.
Vì việc thi công "nhỏ giọt", nhiều người dân cũng cảm thấy bức xúc vì cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều không chỉ bởi mùi hôi của mương nước mà còn là tiếng ồn khi thi công.
Chị Mai Hoa chia sẻ: "Ra khỏi nhà là ngửi thấy mùi, vào trong nhà đóng kín cửa vẫn nghe tiếng máy móc làm việc, tôi chỉ muốn ở cơ quan cho đỡ cực nhọc".
Theo đại diện Ban Quản lý Dự án, rất khó có thể đẩy nhanh tiến độ thi công cống thoát nước thay thế mương Thụy Khuê và chưa biết đến khi nào có thể hoàn thành được. Trong khi đó, các hộ dân trong diện giải tỏa chưa thể di dời khỏi nơi ở, việc thi công nhỏ giọt, làm từng đoạn nhỏ nên tiến độ dự án càng gặp khó khăn.
Hiện Ban Quản lý Dự án đang đề xuất các ngành chức năng sớm bổ sung quỹ nhà tái định cư để đơn vị có căn cứ di chuyển hộ dân, sớm hoàn thiện dự án.
Xem thêm video được quan tâm:
Nguồn nước ô nhiễm có thể gây ra những loại bệnh nào?