Đường Thụy Khuê xuống cấp, dân mỏi mắt chờ sửa

08-09-2020 20:17 | Xã hội
google news

SKĐS - Là tuyến phố lâu đời và giữ được nhiều nét truyền thống cổ xưa của Hà Nội, nhưng gần đây, mỗi khi người dân, học sinh đi trên đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ đều không khỏi bất an, bức xúc vì mặt đường xuống cấp khá nghiêm trọng với nhiều vết nứt, chi chít ổ gà, nắp cống chằng chịt... Hiện trạng trên không phải là mới mà đã diễn ra nhiều năm. Tuyến đường này bao giờ được duy tu, cải tạo là nỗi niềm mong chờ của nhiều người dân, đặc biệt những người sống nơi đây.

Thực tế ghi nhận, tuyến phố bắt đầu từ phố Quán Thánh - đường Thanh Niên chạy đến chợ Bưởi giao với đường Lạc Long Quân, khá dài - khoảng 3km nhưng mặt đường ở đây xuống cấp khá nghiêm trọng với sự xuất hiện hàng trăm ổ gà lớn nhỏ cùng với hệ thống hố ga, nắp cống tạo thành các miếng vá chằng chịt. Nhiều nơi, trụ sắt (van nước) trồi lên tua tủa, mặt đường nứt toác, các miếng vá chồng lên nền đường tạo thành các lằn như luống cày... Dọc theo tuyến đường, hai bên vỉa hè, nhiều chỗ rác thải phế liệu tập kết thành đống và phía trên thì dây điện giăng như “mạng nhện”, có nơi lủng lẳng sà xuống cả vỉa hè, lòng đường gây nguy hiểm cho người đi đường. Thực trạng này khiến người dân mỗi khi đi trên đường Thụy Khuê đều không khỏi bất an và lắc đầu, ngán ngẩm.

Mặt đường nhiều vết nứt, nham nhở như luống cày trên đường Thụy Khuê.

Mặt đường nhiều vết nứt, nham nhở như luống cày trên đường Thụy Khuê.

Nói về thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Tuyết - một người dân sinh sống trên địa bàn cho biết: Mươi mười lăm năm trước, tuyến phố Thụy Khuê đã được cải tạo, trải nhựa khá khang trang, sạch đẹp. Những năm gần đây, tuyến đường đã nhiều lần bị đào lên để thi công hệ thống ngầm (cáp điện, ống nước...). Và sau mỗi lần đào bới là san lấp, các đơn vị thi công đã không trả nguyên hiện trạng theo quy định khiến mặt đường nhiều nơi bị vá víu, lồi lõm, xuống cấp như hiện nay. Đây là tuyến đường có mật độ khá đông và có nhiều học sinh qua lại nhưng do mặt đường xấu làm cản trở giao thông nên thường xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. “Chúng tôi rất bức xúc và nhiều lần phản ảnh đến các cơ quan chức năng, báo đài nhưng vẫn chưa thấy có chuyển biến và không biết đến bao giờ con đường này mới được cải tạo”, bà Tuyết bày tỏ.

Một người xe ôm làm nghề chở hàng ở đường Thụy Khuê cũng bức xúc: Tôi đã đi qua nhiều con đường nhưng chưa thấy đường nào có nhiều nắp cống, hố ga, trụ sắt (van nước) xuất hiện nham nhở như con đường này. Mỗi lần đi qua đây, tôi cũng cảm thấy ái ngại vì mặt đường mấp mô, xấu, đặc biệt khi mưa xuống, nước đọng, không thấy ổ gà đâu mà tránh... Chúng tôi chỉ mong sao chính quyền các cấp sớm tu sửa một cách hoàn chỉnh, giữa Thủ đô mà lại có con đường như này thì không thể chấp nhận được...

Với nhiều người dân Thủ đô, Thụy Khuê là một tuyến phố đẹp, còn lưu giữ lại được nhiều khu kiến trúc cổ, mang đậm văn hóa truyền thống Hà Nội xưa bởi tại đây có sự hiện diện của khá nhiều đình, đền, chùa và đặc biệt là các cổng làng cổ có lối kiến trúc khá độc đáo. Điều này tạo cho phố Thụy Khuê một không gian làng xã ấm cúng, một nét đẹp rất riêng mà không con phố nào khác ở Hà Nội có được. Vậy nhưng, thực trạng đường xuống cấp và ô nhiễm nói trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng giao thông và cuộc sống người dân nơi đây. Đáng nói hơn, tình trạng này không phải là mới mà đã diễn ra nhiều năm nên vấn đề đặt ra, việc tuyến đường này bao giờ được chỉnh trang, cải tạo hiện đang là mối quan tâm của nhiều người dân, đặc biệt những người sống nơi đây.

Một tin vui đối với người dân sống ở dọc con đường Thụy Khuê: mới đây, UBND TP. Hà Nội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa, chỉnh trang đường Thụy Khuê với tổng mức đầu tư dự án dự kiến là 14 tỉ đồng (trích từ nguồn ngân sách thành phố), thời gian triển khai trong năm 2021. Theo kế hoạch, trên cơ sở hiện trạng của tuyến đường, quá trình sửa chữa sẽ giữ nguyên quy mô, tiêu chuẩn hiện tại, thiết kế cải tạo, khôi phục mặt đường trong phạm vi mặt đường cũ; sửa chữa hệ thống rãnh thoát nước, hố ga trên mặt đường; hoàn thiện hệ thống biển báo, sơn kẻ, tổ chức giao thông đồng bộ theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ.


Việt Anh
Ý kiến của bạn