TPHCM: Nguồn nước ô nhiễm, bệnh tật rình rập!

26-12-2012 15:46 | Thời sự

Kênh rạch vốn dĩ có chức năng tiêu thoát nước, nhưng nay lại trở thành một trong những nơi tiềm ẩn và “cư ngụ” của hàng chục loại dịch bệnh.

Kênh rạch vốn dĩ có chức năng tiêu thoát nước, nhưng nay lại trở thành một trong những nơi tiềm ẩn và “cư ngụ” của hàng chục loại dịch bệnh.

Các dòng kênh trong nội thành bị ô nhiễm đã đành, các dòng sông lớn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu con người cũng không thoát khỏi số phận tương tự.

TPHCM: Nguồn nước ô nhiễm, bệnh tật rình rập! 1
Công nhân xí nghiệp 3 - Citenco đang thực hiện công tác vớt rác trên kênh

Giật mình với nguồn nước ô nhiễm

Đó là các dòng kênh tập trung chủ yếu tại địa bàn các quận 5, 6, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Theo Phòng Kiểm soát ô nhiễm Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM, kết quả kiểm tra chất lượng nước 9 tháng đầu năm 2012 tại kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Đôi - kênh Tẻ và Tàu Hủ - Bến Nghé cho thấy về vi sinh, về hóa lý hầu như đều không đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn cho phép. Cụ thể, tại hệ thống kênh Tân Hóa - Lò Gốm, mức độ ô nhiễm vi sinh khá trầm trọng, 100% mẫu kiểm tra đều có hàm lượng Coliform vượt quy chuẩn cho phép 249 - 361 lần. Tại hệ thống kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, hàm lượng vi sinh vượt quy chuẩn 31,8 - 101 lần. Đó là chưa kể trong bùn thải nạo vét từ rạch, các cơ quan chức năng cũng nhận thấy có rất nhiều chất thải độc hại là các kim loại nặng như crôm, asen, sắt, chì, thủy ngân,... và nhiều chất thải hóa học khác. Hiện nay, người dân TP.HCM sử dụng chủ yếu nước máy đã qua xử lý từ nguồn nước thô lấy ở sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Tuy nhiên, theo Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường TP.HCM, hiện 2 con sông này cũng đang ô nhiễm và tình trạng ngày càng xấu đi. Kết quả tại các trạm quan trắc lấy mẫu (trạm Bến Củi, Bến Súc, Thị Tính, Phú Cường, Hóa An, kênh 46) các chỉ tiêu pH, độ đục, nồng độ dầu và vi sinh vật (Coliform, E.coli) đều không đạt quy chuẩn và tiêu chuẩn cho phép. Đáng lưu ý là hàm lượng sinh vật (Coliform, E.coli) từ nằm 2010 - 2011 tại các trạm hầu hết đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,50 - 9,45 lần.

  Ngoài nguyên nhân khách quan là hạ tầng đô thị chưa thực sự hoàn chỉnh, còn nguyên nhân chủ quan rất lớn là do ý thức của cộng đồng. Người dân cứ vô tư xả rác khiến tình trạng ô nhiễm và tái ô nhiễm ngày càng diễn ra nhanh hơn. Thống kê từ Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị TP cho thấy, trung bình mỗi ngày vớt ít nhất khoảng 9 - 10 tấn rác trên các dòng kênh ở TP.HCM. Theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM thì hiện thành phố có khoảng 2.000km kênh thoát nước, hơn 100.000 hố ga và 800 cửa xả thải. Thế nhưng nạn xả rác bừa bãi của người dân đã vô hiệu hóa gần như toàn bộ hệ thống thoát nước trên của thành phố.

Đầu năm 2012 tại xóm ghe trên dòng kênh Tẻ đã phát hiện ổ dịch tả làm hàng chục người sống trên kênh mắc bệnh. Nguyên nhân sự việc trên chính là do một số virút, vi khuẩn gây dịch tả phát tán trên kênh rạch gây ra.

Nguy cơ bệnh tật rình rập!

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cảnh báo, tình trạng ô nhiễm kênh rạch đã và đang tác động nguy hại đến sức khỏe người dân, nhất là đối tượng trẻ em và phụ nữ. Đáng lưu ý là những nhóm bệnh phát sinh trong cộng đồng từ việc tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây.

Ths.BS. Hoàng Thị Ngọc Ngân, nguyên Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết chất lượng nước liên quan chặt chẽ với sức khỏe cộng đồng. Điều đáng nói là những nhóm bệnh phát sinh cho cộng đồng từ việc tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm rất khó lường. Có thể tạm thống kê các nhóm bệnh do vi sinh vật gây ra: tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A, bại liệt, giun sán, bệnh về da, phụ khoa, bệnh về mắt. Số ít nhóm bệnh khác do các khoáng chất, chất thải hóa học vượt mức quy định gây ra các bệnh về da, hệ thần kinh, dị tật thai nhi... Đáng lo ngại là các bệnh do hóa chất thường không xuất hiện tức thời mà độc tính của các hóa chất tích lũy lâu ngày gây nên các bệnh mạn tính, BS. Ngân cảnh báo.

BS. Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết rác thải vứt xuống kênh như túi nilon, các chất liệu làm từ nhựa... rất khó tiêu hủy hết và tạo môi trường lý tưởng cho các loại côn trùng gây bệnh và truyền mầm bệnh cho người khiến dịch bệnh ngoài da, mắt, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết bùng phát.

NGÔ ĐỒNG

 



Ý kiến của bạn