Vì sao Xuân Bắc được chọn làm MC chương trình "Vua tiếng Việt"?
Tiếng Việt đang ngày càng có những sự biến đổi trong thời đại mới, tích cực và phù hợp với sự phát triển. Nhưng cũng có sự biến đối đáng lo ngại, làm cho tiếng Việt trở nên nghèo nàn và mai một. Với xu hướng hội nhập thì khám phá, giữ gìn vẻ đẹp của tiếng Việt, sự phong phú, tinh tế và thú vị của nó ngày càng quan trọng hơn và cũng bị thách thức nhiều hơn.
"Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam", câu nói đúng nhất về độ khó của tiếng Việt. Tiếng Việt của chúng ta có cấu trúc đơn giản, không chia động từ, không có tiếp đầu ngữ… như trong tiếng Anh nhưng tại sao tiếng Việt vẫn luôn được gọi là "khó"?
Để tìm hiểu từ "khó" này, chương trình "Vua Tiếng Việt" ra đời. NSƯT Xuân Bắc vừa cho biết, anh sẽ là người kết nối giữa người chơi với khán giả trong chương trình này, bắt đầu lên sóng lúc 20h30 trên VTV3 từ hôm nay, 10/9/2021. Chương trình với mong muốn vừa bảo tồn, vừa phát triển tiếng Việt, cũng là những phút giây đem lại sự thư giãn, giải trí cho mọi người trong những ngày COVID-19.
Theo "Nam Tào" Xuân Bắc, tiếng Việt được chúng ta sử dụng thường xuyên vì đó là ngôn ngữ mẹ đẻ với mục đích đơn giản nhất là để truyền đạt. "Nhưng bên cạnh đó nếu tìm hiểu kỹ hơn sẽ thấy tiếng Việt xứng đáng được nghiên cứu và sử dụng nhuần nhuyễn, am hiểu ngọn ngành".
Xuân Bắc hài hước miêu tả về "Vua Tiếng Việt": Chương trình hơi xanh chín, xanh là xanh, chín là chín, vì mỗi vòng sẽ có một người chơi bị loại. Chúng tôi cũng đang tìm hiểu xem có thể có thêm thời gian cho người chơi "ương ương", để họ không bị loại nhanh như vậy. Chúng tôi cũng mong người chơi đến với một tâm thế thoải mái cùng giao lưu tìm hiểu về Tiếng Việt.
Với tài năng ăn nói duyên dáng, dí dỏm cùng vốn kiến thức và khả năng đi ba bước thành thơ, Xuân Bắc sẽ góp phần tạo nên nhiều tiếng cười sảng khoái thư giãn tới khán giả của chương trình.
"Hy vọng "Vua Tiếng Việt" sẽ mang tới cho người xem sự giàu có, phong phú, thâm thuý và đa dạng của tiếng Việt. Chúng tôi mong rằng qua đây người Việt yêu tiếng Việt hơn và giữ gìn, làm giàu thêm vốn tiếng Việt của mình. Đó là tài sản vô giá mà chúng ta đang có trách nhiệm truyền cho thế hệ sau", Đạo diễn kiêm tác giả kịch bản chương trình Khuất Ly Na chia sẻ.
Làm gì để thành "Vua Tiếng Việt"
Để trở thành "Vua Tiếng Việt", người chơi sẽ trải qua 4 vòng thi. Tại vòng Phản xạ, nhận dạng danh từ, động từ, tính từ hay viết đúng chính tả các từ khó... sẽ là thử thách đầu tiên.
Ở vòng 2 Giải nghĩa, trong 60 giây, người chơi sẽ tìm mọi cách để có thể diễn giải các từ có trong cuốn từ điển Tiếng Việt. Trả lời càng nhanh cơ hội ghi điểm sẽ càng cao. Qua mỗi vòng thi, người chơi có điểm thấp nhất sẽ lần lượt bị loại. Tại vòng Xâu chuỗi, hai người chơi còn lại giành quyền ấn chuông nhanh để trả lời 9 câu hỏi, là 9 chuỗi từ đã bị đảo lộn. Người xâu chuỗi nhanh và trả lời đúng sẽ bước vào vòng cuối mang tên Soán ngôi.
Vòng Soán ngôi sẽ có một thử thách kinh điển: Đi ba bước làm thơ. Tất nhiên, làm thơ theo chủ đề mà ban tổ chức đưa ra. Người chơi và cả những người xem sẽ có những giây phút xuất khẩu thành thơ đầy bất ngờ .
Với độ "khó chơi" của Tiếng Việt, ê-kíp chương trình đã mời Hội đồng cố vấn bao gồm PGS.TS Phạm Văn Tình – Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Tiến sĩ khoa học Ngữ văn Đoàn Hương và nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú. Ban cố vấn của chương trình sẽ là những người thẩm định các câu hỏi được đưa ra trong chương trình
Trở thành "Vua Tiếng Việt", người chơi được nhận 180 triệu nhưng "khó nhằn". Mọi người sẽ đối đầu, đối diện và đưa ra những đối sách khác nhau để có thể giữ vững ngôi vua trong nhiều tập chương trình khác nhau. Nhưng trong cái khó sẽ ló cái khôn! Nếu tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, mà tiếng Việt còn là tình yêu của bạn, bạn sẽ có cơ hội giữ vững ngôi vua.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T - Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội.