1. Đối tượng cần lưu ý khi dùng caffeine
- Những người bị trào ngược axit hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Caffeine làm tăng giải phóng axit trong dạ dày, có thể gây ợ nóng, làm trầm trọng hơn các triệu chứng ở những người có sẵn vấn đề trào ngược từ trước. Do đó, những người này nên hạn chế hoặc tránh dùng caffeine.
- Người mang thai: Có thể tiêu thụ tối đa 200 mg caffeine mỗi ngày trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy tiêu thụ hơn 400 mg mỗi ngày có liên quan đến cân nặng khi sinh thấp hơn và nguy cơ sảy thai tăng cao. Tốt nhất người mang thai nên hạn chế hoặc tránh dùng caffeine.
- Những người đang cho con bú: Một lượng nhỏ caffeine bạn tiêu thụ sẽ được truyền sang trẻ sơ sinh trong thời gian cho con bú, vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bạn có nên hạn chế caffeine trong thời gian cho con bú hay không.
Một số người cần hạn chế hoặc tránh dùng caffeine.
- Những người dùng một số loại thuốc nhất định: Caffeine có thể tương tác với một số chất kích thích, một số loại thuốc kháng sinh, thuốc hen suyễn và thuốc tim mạch..
Theo đó, một số loại thuốc và thực phẩm bổ sung thảo dược có thể tương tác với caffeine, bao gồm:
+ Ephedrine: Trộn caffeine với loại ephedrine - được sử dụng trong thuốc thông mũi, có thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao, đau tim, đột quỵ hoặc co giật.
+ Theophylline: Thuốc này có tác dụng giãn phế quản, có một số tác dụng giống như caffeine. Vì vậy, dùng thuốc này với caffeine có thể làm tăng tác dụng phụ của caffeine, chẳng hạn như buồn nôn và hồi hộp.
+ Cây cúc tím: Loại thực phẩm bổ sung thảo dược này đôi khi được dùng để ngăn ngừa cảm lạnh hoặc các bệnh nhiễm trùng khác, có thể làm tăng nồng độ caffeine trong máu, làm tăng tác dụng khó chịu của caffeine.
Do đó, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về việc liệu caffeine có ảnh hưởng đến thuốc của bạn hay không.
- Trẻ em hoặc thanh thiếu niên: Mặc dù việc sử dụng caffeine có thể an toàn cho người lớn, nhưng lại không tốt cho trẻ em. Thanh thiếu niên và người trẻ tuổi cần được cảnh báo về việc hấp thụ quá nhiều caffeine hoặc kết hợp caffeine với rượu và các loại thuốc khác.
Tiêu thụ caffeine thường xuyên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng và phát triển ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trẻ em cũng có thể đặc biệt nhạy cảm với tác dụng của caffeine.
- Người nhạy cảm với caffeine: Một số người nhạy cảm với caffeine hơn những người khác. Nếu bạn dễ bị ảnh hưởng bởi caffeine, ngay cả một lượng nhỏ cũng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn, chẳng hạn như bồn chồn và các vấn đề về giấc ngủ. Những người không thường xuyên uống caffeine có xu hướng nhạy cảm hơn với tác dụng của nó.
Những người có vấn đề sức khỏe từ trước gây ra các triệu chứng tương tự như triệu chứng của việc tiêu thụ quá nhiều caffeine, cũng cần hạn chế caffeine để ngăn ngừa các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
Các tình trạng sức khỏe này bao gồm:
- Đau nửa đầu hoặc đau đầu mạn tính: Khi tiêu thụ quá nhiều, caffeine có thể gây đau đầu. Việc cai caffeine cũng có thể dẫn đến đau đầu; tuy nhiên, caffeine cũng có trong một số loại thuốc điều trị đau nửa đầu.
- Vấn đề về giấc ngủ: Do caffeine là chất kích thích, việc tiêu thụ quá nhiều có thể gây ra vấn đề về giấc ngủ. Những người có vấn đề về giấc ngủ từ trước có thể thấy rằng việc tiêu thụ caffeine, đặc biệt là trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ, làm trầm trọng thêm các vấn đề về giấc ngủ.
- Lo lắng nghiêm trọng: Quá nhiều caffeine có thể gây ra tình trạng bồn chồn, lo lắng... Những người bị lo lắng có thể thấy rằng việc uống caffeine làm tăng các triệu chứng của họ.
- Các vấn đề về tim: Mặc dù caffeine có thể giúp ích cho sức khỏe tim mạch, nhưng nó cũng có thể gây nhịp tim nhanh và tăng huyết áp trong thời gian ngắn. Hãy trao đổi với bác sĩ tim mạch về việc sử dụng caffeine hợp lý nếu bạn bị bệnh tim.
2. Cắt giảm caffeine như thế nào?
Cắt giảm dần dần lượng caffeine hàng ngày.
Việc cắt giảm caffeine có thể là một thách thức, vì giảm đột ngột lượng caffeine có thể gây ra các triệu chứng cai nghiện, chẳng hạn như đau đầu, mệt mỏi, cáu kỉnh và khó tập trung vào công việc. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường nhẹ và sẽ cải thiện sau vài ngày.
Để thay đổi thói quen uống caffeine, hãy thử những cách sau:
- Theo dõi thực phẩm: Bắt đầu chú ý đến lượng caffeine bạn nhận được từ thực phẩm và đồ uống, bao gồm cả đồ uống tăng lực. Do đó, hãy đọc nhãn sản phẩm cẩn thận xem có chứa caffeine hay không?
- Cắt giảm dần dần: Ví dụ, uống ít hơn một lon soda hoặc uống một tách cà phê nhỏ hơn mỗi ngày; tránh dùng đồ uống có chứa caffeine vào cuối ngày... Điều này sẽ giúp cơ thể bạn quen với mức caffeine thấp hơn và giảm các tác dụng phụ tiềm ẩn khi cai thuốc.
- Hãy dùng đồ uống không chứa caffeine: Hầu hết các loại đồ uống không chứa caffeine đều có hình thức và hương vị giống như đồ uống có chứa caffeine.
- Rút ngắn thời gian pha hoặc dùng trà thảo mộc: Khi pha trà, hãy pha trong thời gian ngắn hơn. Điều này sẽ làm giảm hàm lượng caffeine hoặc chọn trà thảo mộc không chứa caffeine.
- Kiểm tra thuốc: Một số thuốc giảm đau không kê đơn có chứa caffeine. Thay vào đó, hãy tìm thuốc giảm đau không chứa caffeine.