Uống cà phê hay trà trước khi đi ngủ có thể dẫn tới việc mất ngủ nhưng ít người biết rằng đó là do chất caffein trong cà phê và trà có thể làm chậm lại đồng hồ sinh học trong cơ thể con người, khiến não bộ tỉnh táo lâu hơn (trung bình khoảng 40 phút) và đó chính là nguyên nhân làm chậm thời gian diễn ra giấc ngủ hơn bình thường.
Sau mỗi 24 giờ trái đất tự quay trên trục của nó, tạo nên nhịp điệu ngày và đêm cho mọi sự vật. Mọi hoạt động của các sinh vật hữu cơ từ tảo lục cho đến các động vật tiến hóa nhất là con người cũng đều tiến triển theo qui luật thời gian ngày và đêm. Chính quá trình diễn biến theo chu kỳ ngày và đêm đó cho phép hình thành đồng hồ sinh học tồn tại trong mỗi cơ thể sinh vật. Đồng hồ sinh học trong não người xuất hiện cho phép định ra cho mọi người giờ nào thì ngủ và giờ nào thức dậy. Song, không chỉ có vậy, đồng hồ sinh học có mặt gần như ở tất cả mọi bộ phận trên cơ thể con người, thậm chí ở tất cả mọi tế bào trong cơ thể.
Những thí nghiệm của các nhà khoa học Trường đại học Glassgow - Scotland trên các con vật thí nghiệm đã giúp quan sát các phản ứng của các tế bào não bộ đối với tác động của chất cafein. Caffein không chỉ tác động đến hoạt động của các tế bào mà còn tác động đến trạng thái của tế bào khiến cho đồng hồ sinh học trong các tế bào của cơ thể bị chậm lại. Kết quả là thay vì báo thức đã đến giờ đi ngủ, đồng hồ sinh học bị chững lại làm kéo dài thời gian hoạt động tỉnh táo của các tế bào não và toàn bộ hệ thần kinh não bộ.
Minh Ngọc
(Theo The Science News, 9/2015)