Hà Nội

8 câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thủy đậu

21-05-2024 06:52 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh thủy đậu do một loại virus mang tên Varicella Zoster Virus gây nên. Thủy đậu rất dễ lây lan và trở thành dịch, vì vậy việc hiểu rõ về bệnh thủy đậu rất quan trọng.

1. Đông y điều trị bệnh thủy đậu

Y học cổ truyền mô tả các biểu hiện lâm sàng của bệnh thủy đậu trong phạm vi các chứng thủy hoa, thủy bào, thủy sang, phu chẩn, thủy hoa nhi. 

Nguyên nhân gây bệnh thường do phong nhiệt độc tà xâm nhập vệ phận, qua đường mũi miệng, gây rối loạn chức năng tuyên giáng của phế, tạo nên các sang thương đỏ, có bóng nước trong hoặc độc tà xâm nhập vào phần khí và dinh gây ra các bóng nước đục.

Điều trị thủy đậu bằng y học cổ truyền chủ yếu nhằm mục đích sơ phong thanh nhiệt, giải độc, lương huyết với nhiều bài thuốc tùy theo từng giai đoạn của bệnh. 

Bên cạnh việc dùng thuốc, có thể sử dụng một trong số món ăn thuốc có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, lợi thấp để nâng cao hiệu quả điều trị. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc y học cổ truyền giúp hạ sốt, kháng virus, điều hòa miễn dịch góp phần cải thiện bệnh.

8 câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thủy đậu- Ảnh 1.

Hình ảnh mô tả virus thủy đậu. Ảnh minh họa.

2. Cách chăm sóc bệnh nhân thủy đậu tại nhà

- Trong giai đoạn ủ bệnh thủy đậu không có triệu chứng rõ ràng, vì vậy nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh thủy đậu thì cha mẹ nên cho nghỉ học và đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xác định.

- Khi trẻ xác định mắc thủy đậu cần phải được cách ly trong khoảng 7-10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh. Các đồ dùng sinh hoạt cá nhân của trẻ như bát đũa, cốc, thìa, khăn mặt, bàn chải đánh răng,... phải dùng riêng.

- Vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý.

- Cha mẹ cần rửa tay sạch với xà phòng và cắt ngắn móng tay cho trẻ. Trẻ nhỏ phải cho mang bao tay để tránh cào gãi vào các nốt thủy đậu.

- Giữ vệ sinh cho trẻ bằng cách dùng nước ấm và khăn mềm thấm nước lau người cho trẻ, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ các nốt thủy đậu.

- Duy trì cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, chia nhỏ bữa trong ngày, chế biến thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp... Nên cho trẻ uống nhiều nước như nước lọc, nước canh, nước trái cây, nước điện giải, cần ăn thêm hoa quả để bổ sung vitamin và khoáng chất.

Hầu hết các ca bệnh thủy đậu ở trẻ khỏe mạnh được điều trị bằng nghỉ ngơi tại giường, bù nước và kiểm soát sốt. Thông thường bác sĩ sẽ cho trẻ dùng thuốc hạ sốt (nếu trẻ sốt cao), kháng sinh (để chống bội nhiễm) và thuốc bôi ngoài da. Việc dùng thuốc gì phụ thuộc vào cơ địa của từng trẻ và phải theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trong quá trình điều trị, chăm sóc trẻ vẫn cần chú ý theo dõi kỹ tình trạng của trẻ. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao không hạ nhiệt hoặc đã hạ sốt nhưng đột nhiên sốt cao trở lại; trẻ lơ mơ, mệt mỏi, co giật; các mụn thủy đậu bị vỡ gây trầy xước da, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

3. Bệnh thủy đậu có chữa khỏi được không?

Thủy đậu là một bệnh lành tính và bệnh nhân thường tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, hiện tại chưa có thuốc đặc trị cho bệnh thủy đậu. 

Các phương pháp được áp dụng chủ yếu hiện nay là cải thiện triệu chứng giúp người bệnh giảm cảm giác ngứa ngáy, mệt mỏi bằng các loại thuốc như thuốc kháng virus, thuốc hạ sốt (khi người bệnh sốt cao trên 38,5 độ), thuốc giảm ngứa (thuốc kháng histamin giúp giảm tình trạng ngứa ngáy, khó chịu). 

Việc sử dụng thuốc cần tuân theo sự hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dùng bất cứ loại thuốc nào.

4. Người lớn có mắc bệnh thủy đậu hay không?

Nhiều người cho rằng chỉ có trẻ em mới mắc bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, người lớn vẫn có thể mắc phải căn bệnh này. TS.BS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thường bệnh thủy đậu chỉ mắc một lần trong đời. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em nhưng cũng có không ít người lớn mắc thủy đậu.

Bệnh thủy đậu ở người lớn có triệu chứng tương tự với trẻ em. Thủy đậu ở người lớn thường xảy ra ở những người chưa từng mắc bệnh khi còn nhỏ hoặc chưa từng tiêm vaccine phòng bệnh. Chính vì vậy, những người có yếu tố nguy cơ mắc bao gồm: người sinh sống, sinh hoạt với trẻ em dưới 12 tuổi, chưa được tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai
Phụ nữ mang thai nhiễm thủy đậu mà không kịp thời chữa trị sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho cả thai nhi và mẹ.

 5. Mắc bệnh thủy đậu khi mang thai nguy hiểm thế nào?

Khi mang thai, nếu bị mắc thủy đậu sẽ dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của cả bà mẹ và thai nhi. Thủy đậu có thể gây rủi ro trong thai kỳ nếu người mẹ chưa tiêm phòng và chưa mắc bệnh lần nào. Bà mẹ mang thai mắc thủy đậu thường không gây sảy thai nhưng có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi và tình trạng thai chết lưu, tùy thuộc vào thời điểm bà mẹ nhiễm virus cùng nhiều yếu tố khác.

Phụ nữ mang thai lo ngại về việc tiếp xúc với nguồn lây bệnh thủy đậu nên đến gặp bác sĩ tư vấn. Nếu đã được tiêm phòng có miễn dịch với bệnh thủy đậu, có thể yên tâm rằng trẻ được bảo vệ nếu người mẹ tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để xác định đã miễn dịch với bệnh thủy đậu hay chưa và đưa ra chỉ định phù hợp.

8 câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thủy đậu- Ảnh 2.

Nên tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu từ sớm khi trẻ được 9 tháng tuổi trở lên.

6. Tiêm phòng thủy đậu rồi có mắc bệnh nữa không?

Thủy đậu là bệnh lây nhiễm, những người chưa từng mắc bệnh hoặc chưa được tiêm phòng thì 90% sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với người đang bị thủy đậu. Tiêm vaccine là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất đối với bệnh thủy đậu. 90% những người đã được tiêm vaccine sẽ tránh được căn bệnh này hoàn toàn. 10% còn lại có thể bị mắc thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu và thường không bị biến chứng.

Vì vậy, cần phòng ngừa bệnh thủy đậu một cách chủ động và có hiệu quả. Nên tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu từ sớm khi trẻ được 9 tháng tuổi trở lên. Số liều vaccine tùy theo độ tuổi, có thể tiêm từ 1 đến 2 liều (chi tiết nên đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn). Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ nên tiêm vaccine ngừa thủy đậu trước thời gian dự kiến mang thai ít nhất 3 tháng để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.

7. Trẻ bị thủy đậu có cần kiêng tắm?

Dân gian vẫn thường quan niệm khi mắc thủy đậu, trẻ cần kiêng nước, kiêng gió để tránh các nốt ban phát ra nhiều hơn. Tuy nhiên theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, bệnh thủy đậu có thể gây ra những biến chứng xuất phát từ việc vệ sinh không tốt. Từ đó gây nhiễm trùng toàn thân như: nhiễm trùng máu, viêm màng não, viêm phổi. Hiện tại điều kiện phòng tắm, vệ sinh ngày càng tốt nên trẻ mắc thủy đậu không cần kiêng tắm. Trẻ không tắm có thể bị ngứa nhiều hơn, gãi nhiều gây loét da và càng nặng hơn.

Các phụ huynh cần lưu ý khi trẻ mắc thủy đậu vẫn phải tắm rửa hàng ngày cho trẻ. Cần tắm nhanh để trẻ không bị nhiễm lạnh, cho trẻ tắm ở những nơi kín gió, nhiệt độ ấm. Sau khi tắm và lau khô da có thể sử dụng một số loại thuốc sát trùng thông dụng như xanh methylene, betadine để chấm lên các nốt mụn nước.

Nên lau rửa nhẹ nhàng, tuyệt đối không chọc, làm vỡ các mụn nước. ‏Không tự ý bôi các loại thuốc nam, tắm nước lá... khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng nghiêm trọng.‏

8. Chi phí điều trị thủy đậu

Chi phí điều trị thủy đậu có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh:

  • Trường hợp nhẹ: Chỉ cần điều trị tại nhà với thuốc hạ sốt, thuốc giảm ngứa và chăm sóc da. Chi phí cho trường hợp này thường thấp, khoảng vài trăm nghìn đồng.
  • Trường hợp nặng: Nếu cần nhập viện để điều trị thì chi phí cao hơn do các dịch vụ y tế như truyền dịch, thuốc kháng sinh, theo dõi sức khỏe,... Chi phí cho trường hợp này có thể lên đến vài triệu đồng hoặc thậm chí hàng chục triệu đồng.

Chi phí điều trị có thể được bảo hiểm y tế hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ tùy theo tình trạng bệnh và các xét nghiệm đi kèm.

Khi có các triệu chứng của bệnh thủy đậu, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh biến chứng, giảm chi phí điều trị. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể về tình trạng bệnh và mức chi phí điều trị thủy đậu.

Xem thêm:

Chế độ ăn giúp người bệnh thủy đậu nhanh hồi phụcChế độ ăn giúp người bệnh thủy đậu nhanh hồi phục

SKĐS - Trong thời gian bị thủy đậu, việc tập trung vào chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn và kiểm soát các triệu chứng.


Thiên Châu
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn