Hà Nội

Xuất hiện ổ dịch thủy đậu, người mắc bệnh cần làm gì để nhanh khỏi?

24-02-2024 10:37 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Thời tiết nồm ẩm, mưa nhiều kèm theo thay đổi về nhiệt độ là thời điểm bệnh thủy đậu dễ bùng phát. Vậy người bệnh thủy đậu cần chăm sóc, ăn uống thế nào để nhanh khỏi bệnh và không để lại sẹo?

Vừa qua, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận nhiều ổ dịch thủy đậu với hàng chục trường hợp mắc là học sinh. Đây là thời điểm các ca bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng tuy nhiên nhiều người lại không biết cách chăm sóc, xử trí. Vậy khi mắc thủy đậu, người bệnh cần làm gì để bệnh nhanh khỏi, không để lại sẹo?

Thủy đậu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm

Bị thủy đậu bao nhiêu ngày là khỏi? Nếu chăm sóc đúng cách, thủy đậu có thể tự khỏi trong vòng từ 7-10 ngày, thông thường bệnh trải qua 3 giai đoạn:

- Sau khi tiếp xúc với người bệnh đến lúc phát hiện ra bệnh sẽ rơi vào khoảng từ 2-3 tuần. Khoảng thời gian ủ bệnh này, người bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào.

- Sau khi ủ bệnh từ 10-21 ngày, người bệnh sẽ có các biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn. Những triệu chứng này dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý như cảm cúm.

- Giai đoạn toàn phát: Người bệnh sốt, ngứa, xuất hiện mụn nước ở các vị trí: đầu, cổ, mặt, thân người, cơ quan sinh dục, lưỡi, miệng… Mụn nước có thể lan ra toàn thân trong vòng từ 12-24 giờ với kích thước từ 1-3mm. Mụn nước thủy đậu thường có quầng viêm đỏ xung quanh, bên trong chứa dịch trong và lõm ở giữa. 

Trong trường hợp mụn nước bị bội nhiễm có thể chuyển sang màu đục do chứa mủ. Sau khoảng 3-4 ngày các triệu chứng giảm dần, không xuất hiện mụn nước mới, các mụn nước cũ khô dần và bong vảy, không để lại sẹo nếu được chăm sóc đúng cách.

Xuất hiện ổ dịch thủy đậu người bệnh cần làm gì để nhanh khỏi- Ảnh 1.

Các trường hợp mắc thủy đậu là học sinh của 3 Trường Mầm non tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar và huyện Buôn Đôn.

Tuy nhiên, với những người có bệnh lý nền hoặc chăm sóc không đúng cách sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

- Nhiễm trùng huyết

- Viêm não, viêm tiểu não

- Viêm phổi

- Đặc biệt với phụ nữ mang thai có thể gây ra tình trạng viêm phổi, sẩy thai, trẻ sinh ra bị nhiều dị tật bẩm sinh.

- Sau khi khỏi bệnh thủy đậu, virus thủy đậu vẫn sẽ tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng ngủ đông và chờ điều kiện thích hợp như khi sức đề kháng giảm sẽ phát triển và gây ra bệnh zona thần kinh.

Những lưu ý khi chăm sóc người bệnh thủy đậu

Có rất nhiều câu hỏi liên quan đến cách chăm sóc người bệnh mắc thủy đậu. Sau đây là một số vấn đề thường gặp:

- Bị thủy đậu có cần kiêng tắm? Trước đây người dân thường quan niệm khi mắc thủy đậu cần chùm kín chăn, kiêng gió, kiêng tắm để các nốt rạ không mọc nhiều. Tuy nhiên, việc người bệnh thủy đậu không tắm có thể sẽ gây mất vệ sinh trên da và dẫn tới việc nhiễm trùng sau khi mắc thủy đậu. 

Người bệnh thủy đậu có thể tắm nhưng nên tắm nhanh để không bị nhiễm lạnh, nên tắm bằng nước ấm và tắm ở những nơi kín gió, nhiệt độ ấm, không chà sát mạnh tránh việc các mụn nước bị vỡ. Sau khi tắm xong nên lau người bằng khăn mềm.

Xuất hiện ổ dịch thủy đậu người bệnh cần làm gì để nhanh khỏi- Ảnh 2.

Một bệnh nhân bị thủy đậu biến chứng do không chăm sóc đúng cách.

- Bị thủy đậu nên tắm lá gì? Người bệnh tuyệt đối không sử dụng các loại nước lá, nước muối để tắm.

- Mắc thủy đậu nên ăn gì? Người mắc thủy đậu cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nên chọn đồ ăn lỏng, mềm để dễ hấp thu. Người bệnh nên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều collagen, vitamin và hạn chế đồ ăn cay nóng, đồ ăn dễ kích ứng… Bên cạnh đó, khi bị thủy đậu nên uống oresol giúp cơ thể bù nước và điện giải.

- Người mắc thủy đậu cần lưu ý gì? Khi bị thủy đậu, người bệnh nên chọn trang phục chất liệu cotton để mặc nhằm tránh gây kích ứng. Bên cạnh đó nên vệ sinh mũi, họng và nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý ngày 3-4 lần. Đặc biệt không cậy, chọc làm vỡ các mụn nước.

- Thủy đậu có lây không? Bệnh thủy đậu có thể lây khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi… lúc này virus sẽ theo nước bọt hoặc dịch tiết ở mũi ra ngoài không khí và lây cho người lành. Bệnh thủy đậu cũng có thể lây khi tiếp xúc với dịch tiết ở các mụn nước của người bệnh, lây qua các đồ vật dùng chung như quần áo, chăn ga… Đặc biệt, đối tượng trẻ nhỏ dễ có nguy cơ mắc thủy đậu nhiều nhất.

- Khi nào cần đến bệnh viện? Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như nôn liên tục, đau đầu dữ dội, buồn ngủ, xuất hiện tình trạng lú lẫn, khó thở, ho dai dẳng hay mụn nước thủy đậu trở thành vết loét lớn hơn thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo các biến chứng nguy hiểm.

- Để phòng ngừa bệnh thủy đậu người dân nên tiêm phòng vaccine, hạn chế tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc sau khi tiếp xúc cần rửa tay bằng xà phòng/cồn.

Xem thêm video được quan tâm:

Nữ dược sĩ 28 tuổi tử vong do thủy đậu I SKĐS


ThS.BSCKII Phạm Ngọc Hảo
Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện 19-8
Ý kiến của bạn