Hà Nội

Tại sao phụ nữ cần tiêm vaccine phòng bệnh trước và trong thai kỳ?

31-10-2021 06:43 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Các loại vaccine nên tiêm trước và trong khi mang thai đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của mẹ và của em bé. Khả năng miễn dịch của người mẹ là tuyến bảo vệ đầu tiên của thai nhi chống lại một số bệnh nghiêm trọng.

1. Vaccine có thể tiêm trước và trong thai kỳ

1.1 Vaccine phòng bệnh viêm gan B

Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc bệnh này, vaccine phòng bệnh viêm gan B được sử dụng để bảo vệ mẹ và con chống lại nhiễm trùng cả trước và sau khi sinh. Cần phải có một loạt ba liều để có miễn dịch. Liều thứ 2 và thứ 3 được tiêm 1 và 6 tháng sau liều đầu tiên.

Viêm gan B là một bệnh nhiễm virus gây viêm gan, buồn nôn, mệt mỏi và vàng da (vàng da và mắt). Trong một số trường hợp, nó có thể gây ra bệnh gan mạn tính, ung thư gan và tử vong.

Phụ nữ mang thai bị viêm gan B có thể truyền bệnh cho con trong quá trình sinh nở và nếu không được điều trị kịp thời, em bé có nguy cơ cao mắc các bệnh gan nghiêm trọng khi trưởng thành. Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tầm soát viêm gan B vì thai phụ có thể mắc bệnh mà không biết.

Tại sao phụ nữ cần tiêm vaccine phòng bệnh trước và trong thai kỳ? - Ảnh 1.

Phụ nữ khi đi khám thai sẽ được yêu cầu xét nghiệm viêm gan B.

1.2 Vaccine phòng cúm

Vaccine cúm an toàn và có thể được tiêm trước, trong hoặc sau khi mang thai. Tiêm vaccine phòng cúm hàng năm bảo vệ phụ nữ mang thai chống lại các chủng virus mới và cũng làm giảm nguy cơ lây truyền bệnh cúm cho thai nhi, trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ bị biến chứng cao hơn nếu bị cúm. Tiêm vaccine cúm trong khi mang thai cũng sẽ bảo vệ liên tục cho trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu sau khi sinh.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, nên tiêm phòng cúm cho tất cả phụ nữ sẽ mang thai trong mùa cúm. Thời điểm tốt nhất để tiêm phòng cúm là vào tháng 10 và tháng 11. Vaccine phòng cúm được tạo ra từ các virus đã chết, vì vậy an toàn cho cả thai phụ và thai nhi, trước khi mùa cúm bắt đầu. Và bởi vì các chủng cúm thay đổi hàng năm, vì vậy không dựa vào mũi tiêm năm ngoái để thoái thác việc tiêm năm nay.

Cúm có thể gây bệnh nghiêm trọng. Nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai cao gấp 5 lần so với bình thường. Do đó, vaccine cúm được khuyến khích sử dụng cho tất cả phụ nữ mang thai.

Những bà mẹ bị cúm, đặc biệt là trong nửa sau của thai kỳ, có nhiều khả năng bị các triệu chứng hoặc biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi hơn những phụ nữ khác. Nếu phụ nữ bị cúm khi đang mang thai có nhiều khả năng bị các biến chứng thai kỳ như chuyển dạ và sinh non.

1.3 Vaccine phòng bệnh ho gà

Ho gà là bệnh nhiễm trùng rất nghiêm trọng và trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Hầu hết trẻ sơ sinh bị ho gà sẽ phải nhập viện. Phần lớn tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do nhiễm trùng ho gà xảy ra ở trẻ sơ sinh từ 3 tháng tuổi trở xuống. Khi phụ nữ mang thai tiêm phòng ho gà, cơ thể sẽ sản sinh ra các kháng thể để bảo vệ chống lại bệnh ho gà.

Trong đa số trường hợp các bác sĩ có thể xác định người lây bệnh ho gà cho trẻ sơ sinh, thì người mẹ thường là nguồn lây bệnh. Khi phụ nữ đã được tiêm phòng vaccine ho gà sẽ ít có khả năng mắc bệnh ho gà cho trẻ sơ sinh.

Vaccine phòng bệnh ho gà cũng rất an toàn cho phụ nữ mang thai và thai nhi đang phát triển. Các bác sĩ khuyến cáo, tiêm vaccine ho gà là quan trọng trong bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ nhưng tốt nhất trong ba tháng cuối của mỗi thai kỳ, thời gian đầu của tuần 27-36 của thai kỳ. Điều này đảm bảo thai nhi nhận được số lượng kháng thể lớn nhất từ người mẹ và sự bảo vệ tốt nhất có thể chống lại căn bệnh này. Tiêm vaccine trong khi mang thai sẽ không làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng thai kỳ. Ngay cả khi đã tiêm vaccine Tdap ( ho gà, bạch hầu, uốn ván ) trước đây, vẫn nên tiêm một mũi trong mỗi lần mang thai.

Tại sao phụ nữ cần tiêm vaccine phòng bệnh trước và trong thai kỳ? - Ảnh 3.

Ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra

1.4 Vaccine phòng COVID-19

Tổ chức Y tế Thế giới - WHO khuyến cáo tất cả những người dự định mang thai hoặc những người phụ nữ đang mang thai, bà mẹ cho con bú nên tiêm vaccine để bảo vệ mình khỏi COVID-19. Những người mang thai và mới mang thai có nhiều khả năng bị bệnh nặng do COVID-19 hơn những người không mang thai. Các nghiên cứu cho thấy lợi ích của việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người mang thai vượt trội hơn bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn hoặc đã biết nào.

Hiện nay vaccine phòng CIVID-19 đã được các bác sĩ ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác khuyên dùng rộng rãi. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết, vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả trong thời kỳ mang thai.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai có thể được chỉ định tiêm chủng các loại vaccine COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép là Astrazeneca, Modena, Pfizer BioNTech; chống chỉ định tiêm chủng đối với Sputnik V.

Phụ nữ mang thai trên 13 tuần cần được tiêm đủ số mũi vaccine phòng COVID-19 và kết thúc mũi tiêm thứ hai trước 36 tuần 6 ngày. Trường hợp nếu không kịp hoàn tất mũi tiêm, thai phụ sẽ thực hiện tiêm mũi trong thời kỳ hậu sản từ 4-6 tuần.

Tại sao phụ nữ cần tiêm vaccine phòng bệnh trước và trong thai kỳ? - Ảnh 4.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai là cần thiết

2. Vaccine tiêm trước thai kỳ

2.1 Vaccine Sởi, Quai bị và Rubella (MMR)

Trong khi bệnh sởi, quai bị, rubella đều là những bệnh nhiễm trùng nặng có thể gây ra các biến chứng thai kỳ thì bệnh rubella lại đặc biệt nguy hiểm trong thai kỳ. Các triệu chứng của rubella giống như cúm thường kèm theo phát ban, có thể được truyền sang một em bé đang phát triển. Có tới 85% trẻ sơ sinh của những bà mẹ mắc bệnh này trong tam cá nguyệt đầu tiên phát triển các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, chẳng hạn như mất thị giác, thính giác, tim và khuyết tật trí tuệ được gọi là hội chứng rubella bẩm sinh.

Sởi là một căn bệnh rất dễ lây lan do virus gây ra, bệnh bắt đầu với sốt, ho, chảy nước mũi và sau đó là phát ban đỏ có đốm vài ngày sau đó. Quai bị cũng là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, làm sưng tuyến nước bọt. Nếu bị nhiễm một trong hai loại bệnh này trong thai kỳ, nguy cơ sảy thai có thể tăng lên (bệnh sởi cũng có thể làm tăng khả năng sinh non).

Thuốc chủng ngừa MMR là một cách an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa sự lây nhiễm từ các virus gây bệnh sởi, quai bị và rubella. Hầu hết, mọi người đã được chủng ngừa MMR khi còn nhỏ, nhưng bạn có thể đến các cơ sở y tế, bệnh viện làm xét nghiệm máu để đảm bảo đã được bảo vệ khỏi bệnh rubella trước khi mang thai. Vaccine này đặc biệt quan trọng nên tiêm trước khi thụ thai vì là virus sống giảm độc lực và do đó không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Vaccine sởi, quai bị, rubella (MMR) nên được tiêm trước khi mang thai ba tháng.

Tại sao phụ nữ cần tiêm vaccine phòng bệnh trước và trong thai kỳ? - Ảnh 5.

Thực hiện đầy đủ các mũi tiêm trước và trong thai kỳ theo chỉ định để bảo vệ sức khoẻ thai phụ và em bé.

2.2 Vaccine thuỷ đậu

Thủy đậu là một căn bệnh cực kỳ dễ lây lan, bệnh thủy đậu gây sốt và phát ban ngứa ngáy khó chịu. Khoảng 2 phần trăm trẻ sơ sinh của phụ nữ mắc bệnh thủy đậu trong năm tháng đầu của thai kỳ bị dị tật bẩm sinh, bao gồm dị tật và liệt tứ chi. Hơn nữa, một phụ nữ phát triển bệnh thủy đậu trong khoảng thời gian sắp sinh cũng có thể truyền một dạng nhiễm trùng đe dọa tính mạng thai nhi.

Bệnh thủy đậu không phổ biến trong thai kỳ, nhưng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và các biến chứng thai kỳ. Virus varicella có thể được truyền sang một em bé đang phát triển, gây ra hội chứng varicella bẩm sinh. Điều này có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe của đầu, tay chân, cơ và xương, cũng như các vấn đề về thị lực và chức năng nhận thức.

Một người có thể được miễn dịch với virus varicella nếu đã từng bị thủy đậu khi còn nhỏ, hoặc nếu đã được chủng ngừa thủy đậu. Bác sĩ khuyên rằng, nếu chưa có miễn dịch, thì nên tiêm vaccine thủy đậu trước khi thụ thai 3 tháng vì là vaccine virus sống giảm độc lực và do đó không được khuyên dùng trong thời kỳ mang thai.

16 bệnh khiến thai phụ có nguy cơ sảy thai, sinh non và dị tật thai nhi16 bệnh khiến thai phụ có nguy cơ sảy thai, sinh non và dị tật thai nhi

SKĐS - Mang thai là giai đoạn mà người phụ nữ cần được chăm sóc và bảo vệ tốt nhất để bảo đảm an toàn cho thai phụ và thai nhi, trong đó việc phòng ngừa một số bệnh nhiễm trùng có liên quan đến tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc tử vong sơ sinh rất quan trọng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai


Bác sĩ Lê Quang
Ý kiến của bạn