Xử trí thủy đậu như thế nào là đúng cách?
Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh thủy đậu, người bệnh cần lưu ý xử trí như sau để phòng ngừa biến chứng và nhanh khỏi bệnh.
- Đến khám chuyên khoa da liễu để được uống thuốc kháng virus đúng phác đồ phòng tránh được các biến chứng nặng.
- Sử dụng thuốc hạ sốt khi có sốt cao trên 38,5 độ, người mệt mỏi.
- Không dùng ibuprofen hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác, không dùng aspirin.
- Nên uống oresol giúp bù nước và điện giải.
- Mặc quần áo bằng vải cotton 100%, mềm mịn để tránh bị kích ứng.
- Tắm và rửa mặt sạch sẽ bằng các chất làm sạch dịu nhẹ với nước ấm trong phòng kín thời gian 5-10 phút, không tắm nước muối, nước lá, không chà xát mạnh lên tổn thương, việc làm sạch da đúng cách có vai trò rất quan trọng để giảm cảm giác ngứa.
- Kiểm soát cơn ngứa bằng thuốc kháng histamin.
- Cắt ngắn móng tay, tránh cào gãi, chà sát gây tổn thương da, từ đó làm giảm nguy cơ bội nhiễm.
- Vệ sinh chăm sóc vùng niêm mạc: Súc họng, rửa mũi và nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý ngày 3-4 lần.
- Ăn uống đủ chất, nên chọn các đồ ăn mềm, lỏng để dễ cơ thể dễ hấp thu. Có thể bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin, collagen, hạn chế đồ ăn cay, nóng, dễ kích ứng…
- Cần khám lại khi có các triệu chứng: Sốt cao kéo dài trên 24h, sốt tái phát sau vài ngày khỏi bệnh, ngứa dữ dội không giảm bằng các cách điều trị tại nhà, nốt thủy đậu mọc trên nhãn cầu.
- Cần đến bệnh viện ngay khi thấy có các dấu hiệu bất thường như: Đau đầu dữ dội, nôn liên tục, nhạy cảm với ánh sáng, buồn ngủ hoặc lú lẫn bất thường (đây có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm não). Khó thở hoặc ho dai dẳng (có thể là viêm phổi do biến chứng của thủy đậu). Ban thủy đậu trở thành vết loét hở lớn hơn (đây có thể là biến chứng nhiễm trùng da nghiêm trọng).
Mắc thủy đậu bao lâu thì khỏi?
Bệnh thủy đậu xảy ra phần nhiều ở trẻ em, nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh này. Thông thường, từ lúc nhiễm phải virus đến lúc phát ra bệnh, được gọi là thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng 2-3 tuần. Bệnh có thể lây từ 1-2 ngày trước khi nổi ban ngứa cho đến khi tất cả những tổn thương đã đóng vảy (thông thường trong vòng 5 ngày từ khi những mụn nước nổi lên).
Những người nào có hệ miễn dịch bị suy yếu mà bị thủy đậu thì có thể phải mất một thời gian lâu hơn để những mụn nước đóng vảy. Khoảng 90% những người nào chưa từng bị thủy đậu trong gia đình, sẽ bị nếu tiếp xúc với một người thân bị nhiễm bệnh.
Giai đoạn bệnh bùng phát sẽ xuất hiện 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng, ngứa, nổi mụn nước vùng đầu, mặt, cổ, chi và thân mình, có thể ở cả vùng niêm mạc như miệng, lưỡi, mũi, mắt, và sinh dục.
Mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ sau đó lan ra toàn thân. Mụn nước có kích thước từ 1 - 3 mm đường kính, chứa dịch trong, lõm giữa, xung quanh mụn nước có quầng viêm đỏ.
Tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi bội nhiễm vi khuẩn mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ. Ngoài tổn thương mụn nước trên da, ở trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói.
Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt thủy đậu sẽ khô dần, bong vảy và để lại dát thâm, không để lại sẹo, nhưng nếu bị bội nhiễm vi khuẩn có thể để lại sẹo
Không nên chủ quan với biến chứng của thủy đậu
Biến chứng của bệnh thủy đậu rất nhiều, mặc dù đây là một bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề. Tuy nhiên, bệnh có thể có những biến chứng rất quan trọng. Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da, để lại sẹo lõm nơi mụn nước, nặng hơn vi khuẩn có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết.
Các biến chứng nặng có thể gặp như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... hội chứng Raye liên quan đến bệnh nhân sử dụng thuốc aspirin… là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này.
Đặc biệt, thậm chí sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, virus thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông). Nhiều năm sau đó, có thể là 10, 20, hay 30 năm sau, khi có điều kiện thuận lợi như sức đề kháng cơ thể kém hay có yếu tố gì khác, thì virus này sẽ tái hoạt động trở lại và gây ra bệnh zona.
Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì sẽ dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus có thể sẽ gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh... Còn nếu bị trong những ngày sắp sinh hay sau sinh trẻ bị lây bệnh sẽ rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.
Cần chủ phòng tiêm vaccine ngừa thủy đậu
Để phòng ngừa thủy đậu, mọi người cần tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ. Vaccine phòng bệnh thủy đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu, được áp dụng đối với các đối tượng sau:
- Tất cả trẻ em từ 12-18 tháng tuổi được tiêm 1 lần.
- Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu lần nào cũng tiêm 1 lần.
- Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4-8 tuần.
- Phụ nữ có kế hoạch sinh con cần tiêm phòng vaccin thủy đậu trước khi dự định mang thai 3-5 tháng.
Nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu, đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt mụn nước, khoảng dưới 50 nốt, và thường không bị biến chứng.
Thời gian ủ bệnh của thủy đậu từ 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, do đó, nếu một người chưa được tiêm phòng vaccine thủy đậu mà có tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, trong vòng 3 ngày sau khi tiêm ngừa thì vaccine có thể phát huy tác dụng bảo vệ ngay sau đó giúp phòng ngừa bệnh.
Xem thêm video được quan tâm:
[LIVE] Bác sĩ hướng dẫn chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà phòng biến chứng | SKĐS