Tầm quan trọng đặc biệt hỗ trợ việc đổi mới mạng lưới y tế cơ sở tại các tỉnh khó khăn
Lý giải đánh giá trên của Ngân hàng thế giới, tại hội nghị tổng kết Dự án "Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở" do Bộ Y tế và Ngân hàng thế giới tổ chức ngày 6/12 ở Hà Nội, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Ban Quản lý Dự án Trung ương chia sẻ: Chúng ta có thể dùng từ "đặc biệt" để nói về dự án.
"Dự án được xem là đặc biệt bởi bối cảnh ra đời, đặc thù trong thiết kế dự án, những thách thức mà dự án gặp phải trong quá trình chuẩn bị và triển khai thực hiện, và quan trọng nhất là cách mà tất cả chúng ta đã chung tay thực hiện để dự án có được thành công đến thời điểm này"- PGS.TS Phan Lê Thu Hằng cho hay.
Nói về hành trình của dự án, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng chia sẻ, Dự án được xây dựng trong bối cảnh Ngành Y tế xác định đổi mới mạng lưới y tế cơ sở là yêu cầu cấp bách và Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2348 QĐ/TTG năm 2016 phê duyệt Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Bộ Y tế đã xác định đây là một dự án có tầm quan trọng đặc biệt (với quy mô nguồn vốn lớn, can thiệp kỹ thuật toàn diện) nhằm hỗ trợ nỗ lực đổi mới mạng lưới y tế cơ sở tại các tỉnh khó khăn.
Về mô thức quản trị, dự án được xem là khác biệt hoàn toàn với những dự án sử dụng vốn ODA trước đây của Ngành Y tế, thể hiện ở chỗ thay vì cơ chế cấp phát ngân sách nhà nước, các tỉnh dự án áp dụng cơ chế vay lại; trao quyền tự chủ tối đa cho các địa phương, theo đó các tỉnh là chủ đầu tư dự án thành phần trên địa bàn, thực hiện toàn bộ các hoạt động đầu tư lớn của dự án.
"Mô thức quản trị này đánh dấu sự dịch chuyển quyền lực quản trị từ TW sang địa phương, mà bên cạnh những lợi ích trong dài hạn, cũng đặt ra thách thức trong ngắn hạn, đó là năng lực quản lý dự án quy mô lớn, tích hợp nhiều can thiệp phức tạp của các địa phương nhìn chung còn tương đối hạn chế"- PGS.TS thẳng thắn nói.
Về thiết kế kỹ thuật, dự án bao gồm các can thiệp toàn diện nhằm cải thiện các yếu tố nền tảng của mạng lưới y tế cơ sở (cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực) cũng như nâng cao năng lực giải quyết các vấn đề sức khỏe ưu tiên (các bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng…) thông qua việc khuyến khích các mô hình sáng tạo trong cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Những khó khăn của thực tiễn 'tưởng như khó vượt qua'...
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Dự án này cũng đã gặp trở ngại ngay trong quá trình chuẩn bị. Do nhiều nguyên nhân, những nỗ lực ban đầu khi xây dựng dự án chưa thật thành công (toàn bộ kinh phí hỗ trợ kỹ thuật xây dựng dự án đã được sử dụng hết trong khi thiết kế dự án chưa hoàn thiện). Yêu cầu cấp bách trong thời điểm đó là phải hoàn thiện thiết kế dự án và văn kiện dự án trong thời gian ngắn nhất khi không còn kinh phí hỗ trợ kỹ thuật.
Với nỗ lực cao nhất, nhóm thiết kế dự án mới do Bộ Y tế thành lập đã hoàn thành nhiệm vụ này trong thời gian ngắn kỷ lục, góp phần đưa dự án vào giai đoạn triển khai thực hiện đúng hạn định.
Bước vào quá trình triển khai thực hiện, dự án tiếp tục đối mặt với những thách thức thậm chí còn lớn hơn. Bên cạnh mô thức quản trị mới mà các tỉnh dự án ban đầu còn lúng túng khi áp dụng, một thách thức nghiêm trọng khác mà chúng ta không lường trước được là sự bùng phát của đại dịch COVID-19, khiến hoạt động dự án gần như ngừng trệ trong gần 2 năm.
"Điều này có nghĩa, thời gian triển khai dự án trên thực tế chỉ còn khoảng 3 năm, rất ngắn để hoàn thành toàn bộ các hoạt động cam kết.
Ngoài ra, những thay đổi về cơ chế quản lý vốn ODA của Chính phủ trong quá trình Dự án thực hiện cũng khiến tiến độ dự án phần nào chịu ảnh hưởng"- PGS.TS Phan Lê Thu Hằng kể lại.
Và những cách tiếp cận sáng tạo có thể mang lại hiệu quả ngoài sự mong đợi cho y tế cơ sở vùng khó khăn, sâu, xa
Từ thực tiễn triển khai khai dự án, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Trung ương cho hay: Với nỗ lực vượt bậc vượt qua thách thức, Dự án đã được Bộ Y tế và 13 tỉnh thụ hưởng triển khai thực hiện thành công.
Sự thành công này được thể hiện trên nhiều bình diện: Thứ nhất, Dự án được đánh giá là hoàn thành toàn bộ những mục tiêu phát triển được xác định trong văn kiện dự án;
Thứ hai, toàn bộ các can thiệp cốt lõi của dự án (nâng cấp cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị y tế, đào tạo cán bộ y tế, hỗ trợ chính sách, mô hình cung ứng dịch vụ y tế sáng tạo…) đều được thực hiện đạt và vượt mục tiêu mong muốn, trong đó nhiều can thiệp đã trở thành điểm sáng về kỹ thuật (như mô hình Bảng kiểm chất lượng áp dụng cho các Trạm Y tế xã; mô hình quản lý một số bệnh không lây nhiễm, quản lý dinh dưỡng tại y tế cơ sở), được đánh giá có nhiều tiềm năng mở rộng quy mô áp dụng trong thời gian tới;
Thứ ba, xét về thời gian thực hiện dự án, dự án được hoàn thành đúng hạn định thời gian dự kiến vào cuối năm 2024, hoàn toàn không cần gia hạn thời gian thực hiện.
Thứ tư, tỷ lệ giải ngân của dự án đạt mức cao, khoảng 90% tổng vốn toàn dự án.
"Thành công ngày hôm nay không hề đến dễ dàng, chúng ta đã vượt qua những thách thức tưởng chừng không vượt qua nổi để đạt được những mục tiêu tưởng chừng như bất khả thi"- PGS.TS Phan Lê Thu Hằng nói và thông tin thêm: Mô hình lượng hóa đo lường tiến độ, hiệu quả các can thiệp dự án áp dụng tại Ban Quản lý Dự án Trung ương và mô hình Bảng kiểm chất lượng áp dụng tại các Trạm Y tế xã là những minh chứng sống động cho thấy những cách tiếp cận sáng tạo có thể mang lại những hiệu quả ngoài sự mong đợi.
6 bài học kinh nghiệm
Nhìn lại quá trình triển khai thực hiện Dự án, PGS.TS Phan Lê Thu Hăng cho rằng có những bài học kinh nghiệm rất giá trị. Trước hết, đó là sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Lãnh đạo Bộ Y tế, Lãnh đạo UBND các tỉnh và sự hỗ trợ của các Bộ Ngành liên quan trong suốt quá trình thực hiện Dự án;
Thứ hai, Ban Quản lý Dự án Trung ương cũng như các Ban Quản lý Dự án tỉnh đều cần tự điều chỉnh, tự cải thiện để thích ứng với vai trò mới (Ban Quản lý Dự án TW thực hiện chức năng điều phối, hỗ trợ, giám sát. Ban Quản lý Dự án tỉnh là người trực tiếp thực hiện);
Thứ ba, tạo quyết tâm chính trị và sự đồng thuận trong triển khai dự án giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở ban ngành liên quan có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo sự hỗ trợ hiệu quả cho quá trình triển khai dự án tại địa phương;
Thứ tư, cần đảm bảo sự hỗ trợ trực tiếp, liên tục, hiệu quả theo nguyên tắc giải quyết vấn đề của Ban Quản lý Dự án TW tới từng Ban Quản lý Dự án tỉnh (nhận diện vấn đề, xác định các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, xác định giải pháp giải quyết phù hợp, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện giải pháp, thực hiện và theo dõi sát quá trình thực hiện kế hoạch);
Thứ năm, sự phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới (qua nhóm Quản lý dự án của Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội và các đoàn giám sát thường kỳ) trong quá trình triển khai dự án có ý nghĩa quan trọng.
Cuối cùng, Ban Quản lý Dự án Trung ương cần tuân thủ chặt chẽ các mô thức quản trị đã được minh chứng có hiệu quả như quản trị dựa vào bằng chứng, quản trị căn cứ vào kết quả thực hiện. Tăng cường áp dụng các công cụ hỗ trợ quản trị mới (như bảng điểm đo lường tiến độ hoạt động, tiến độ giải ngân). Đưa các giá trị quản trị chuyên nghiệp, quản trị minh bạch, quản trị sáng tạo trở thành một phần văn hóa tổ chức của Ban Quản lý Dự án Trung ương.
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng khẳng định: Thành công của Dự án này cho thấy chúng ta đã hoàn thành trọn vẹn một chặng đường ngắn nhưng hết sức quan trọng của một hành trình dài phía trước, hành trình nỗ lực đổi mới toàn diện mạng lưới y tế cơ sở theo tinh thần của Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
"Rất mong trong thời gian tới đây, các tỉnh tiếp tục nỗ lực đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở nhằm đảm bảo khả năng duy trì bền vững cũng như phát huy hơn nữa những thành quả ban đầu do Dự án tạo dựng"- PGS.TS Phan Lê Hằng nói...