Thứ trưởng Bộ Y tế và Giáo sư hàng đầu thế giới trao đổi về giải pháp phòng chống đột quỵ ở Việt Nam

06-12-2024 17:33 | Y tế

SKĐS - Chiều nay - 6/12, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã tiếp và làm việc với GS.TS Valery Feigin - Giám đốc Viện Đột quỵ và Ứng dụng khoa học Thần kinh Quốc gia thuộc Đại học công nghệ Auckland (New Zealand) để cùng trao đổi về các giải pháp can thiệp phòng chống đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm.

Cùng tham dự buổi tiếp với Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia Trần Văn Thuấn có đại diện các Vụ, Cục, thuộc Bộ Y tế và Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai).

Gánh nặng đột quỵ tăng trên toàn cầu, Việt Nam khoảng 200.000 ca mắc mỗi năm, nhiều hơn cả ung thư

Phát biểu tại buổi tiếp, GS.TS Trần Văn Thuấn thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế chào đón GS.TS Valery Feigin cùng các cộng sự đến thăm và làm việc tại Bộ Y tế Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế và Giáo sư hàng đầu thế giới trao đổi về giải pháp phòng chống đột quỵ ở Việt Nam- Ảnh 1.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chúc mừng GS.TS Valery Feigin và các chuyên gia trong và ngoài nước đã tổ chức thành công tọa đàm "Những đổi mới trong chăm sóc sức khỏe tim mạch và điều trị đột quỵ" diễn ra chiều 5/12 trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học - Công nghệ VinFuture năm nay đang diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu đáp từ, GS.TS Valery Feigin cảm ơn và bày tỏ niềm vui trước sự đón tiếp thân tình của Thứ trưởng Trần Văn Thuấn và phía Bộ Y tế Việt Nam dành cho cá nhân ông cũng như các thành viên trong đoàn.

Thông tin với Thứ trưởng Trần Văn Thuấn và phía Bộ Y tế Việt Nam, GS.TS Valery Feigin cho biết tại tọa đàm "Những đổi mới trong chăm sóc sức khỏe tim mạch và điều trị đột quỵ" các chuyên gia đều nhấn mạnh 10 năm gần đây, tỷ lệ mắc mới và hiện mắc đột quỵ toàn cầu tăng nhanh. Nhiều người tàn tật hoặc tử vong do đột quỵ và tăng 89% trong 30 năm.

Theo GS.TS Valery Feigin, 30-40% bệnh nhân đột quỵ có nhiều thói quen xấu trong sinh hoạt như ăn nhiều muối, hút thuốc... Chiến lược tốt nhất là thay đổi lối sống, sinh hoạt để giảm tỷ lệ đột quỵ.

"Thử nghiệm lâm sàng ở New Zealand cho thấy khi can thiệp để tăng nhận thức và thay đổi hành vi người bệnh đã giúp giảm 40-50% tỷ lệ mắc mới trong cộng đồng" - GS.TS Valery Feigin nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế và Giáo sư hàng đầu thế giới trao đổi về giải pháp phòng chống đột quỵ ở Việt Nam- Ảnh 2.

GS.TS Valery Feigin - Giám đốc Viện Đột quỵ và Ứng dụng khoa học Thần kinh Quốc gia thuộc Đại học công nghệ Auckland (New Zealand) phát biểu.

Tại Việt Nam tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não tăng lên cao và ngày càng trẻ hoá, mỗi năm ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc (nhiều hơn cả bệnh ung thư), điều này không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh, gia đình người bệnh mà còn tác động đến cả yếu tố kinh tế, xã hội. Gánh nặng do đột quỵ gây ra tại Việt Nam gấp 5 lần New Zealand.

Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp chủ quan... dẫn đến nguy cơ đột quỵ

Còn GS Alta Schutte, Đại học New South Wales và Viện Sức khỏe Toàn cầu George (Úc), thành viên Hội đồng Sơ khảo VinFuture, cho biết một trong các phương pháp tiếp cận để kiểm soát đột quỵ là kiểm soát tình trạng tăng huyết áp.

"Trên thực tế, tỷ lệ đã thống kê hơn 70% đột quỵ liên quan đến huyết áp, nên phải kiểm soát, nhất là huyết áp tăng. Đáng nói, tỷ lệ người cao huyết áp nhưng không biết mình mắc bệnh. Bên cạnh đó, có tỷ lệ rất lớn người cao huyết áp nhưng không được kiểm soát. Thống kê chung, hơn 70% nữ giới cao huyết áp, và 80% nam giới cao huyết áp chưa được kiểm soát"- GS Alta Schutte thông tin.

Theo chuyên gia này, thực trạng bệnh nhân cao huyết áp ở nhiều nước, khi bác sĩ kê đơn khuyên dùng thuốc nhưng người bệnh không dùng thuốc, không dùng đúng liều; thấy ổn định là dừng thuốc... Trong khi đó, bệnh cao huyết áp chỉ kiểm soát hiệu quả khi được dùng thuốc đúng cách, đúng liều.

Thứ trưởng Bộ Y tế và Giáo sư hàng đầu thế giới trao đổi về giải pháp phòng chống đột quỵ ở Việt Nam- Ảnh 3.

TS.BS Nguyễn Minh Hằng - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc.

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm đột quỵ, tại Việt Nam, tình trạng đột quỵ ở người trẻ gia tăng, liên quan rất nhiều đến căn bệnh cao huyết áp. Không ít người khi bác sĩ kê đơn, uống thuốc thấy huyết áp ổn định thì bỏ thuốc điều trị vì nghĩ đã khỏi bệnh.

Trong khi đó, tình trạng ổn định này là tác dụng do thuốc điều trị mang lại. Nếu bỏ thuốc, huyết áp sẽ lại tăng cao, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Cùng đó, PGS.TS Mai Duy Tôn đánh giá người Việt còn ăn quá nhiều muối, ít vận động thể lực, béo phì, thừa cân, rối loạn chuyển hóa, tiểu đường, tăng huyết áp... tất cả những yếu tố này làm tăng nguy cơ đột quỵ.

"Bệnh đột quỵ ở Việt Nam có 3 vấn đề liên quan là: tỷ lệ mắc cao, tử vong cao, trẻ hóa tuổi mắc bệnh. Trong thời gian tới cần có kế hoạch mạnh hơn, tập trung vào phòng ngừa trước, rồi đưa phương pháp mới vào điều trị ở bệnh viện. Mong các Giáo sư quốc tế đưa thêm nhiều kinh nghiệm để Việt Nam học tập và cải thiện tình hình trong 5 năm tới"- PGS Mai Duy Tôn nói, đồng thời đề xuất: Mong muốn có chương trình quốc gia phòng chống đột quỵ tại Việt Nam. Trong các yếu tố nguy cơ phòng chống đột quỵ nếu thay đổi được sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ bị đột quỵ, hệ lụy do đột quỵ gây ra...

Thứ trưởng Bộ Y tế và Giáo sư hàng đầu thế giới trao đổi về giải pháp phòng chống đột quỵ ở Việt Nam- Ảnh 4.
Thứ trưởng Bộ Y tế và Giáo sư hàng đầu thế giới trao đổi về giải pháp phòng chống đột quỵ ở Việt Nam- Ảnh 5.

GS.TS Trần Văn Thuấn nghe các chuyên gia quốc tế và trong nước chia sẻ về bệnh đột quỵ và giải pháp phòng chống.

Mong muốn người dân Việt Nam sớm được thụ hưởng giải pháp về phòng chống đột quỵ tiên tiến của thế giới

Vấn đề đặt ra làm thế nào để cải thiện tình trạng này đã được GS.TS Valery Feigin, các cộng sự cùng đoàn và các chuyên gia của Trung tâm đột quỵ chia sẻ tại buổi làm việc.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đột quỵ và những bệnh mãn tính khác có thể phòng ngừa. Theo đó, một bộ công cụ dự phòng, đánh giá nguy cơ đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác hiện đã được nhiều nước trên thế giới cấp phép sử dụng, góp phần hiệu quả quản lý nguy cơ, giúp giảm tỷ lệ đột quỵ não từ 25-30% đã được GS.TS Valery Feigin và các chuyên gia quốc tế chia sẻ đến Thứ trưởng Trần Văn Thuấn và phía Bộ Y tế Việt Nam.

Phát biểu sau khi nghe GS.TS Valery Feigin trao đổi, thảo luận về nguyên nhân, cách phòng ngừa, điều trị đột quỵ nhằm làm giảm gánh nặng của bệnh này gây ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn bày tỏ ngưỡng mộ những đóng góp của GS.TS Valery Feigin cho chuyên ngành đột quỵ trên thế giới.

"Qua tìm hiểu, được biết GS.TS Valery Feigin là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về chuyên ngành đột quỵ, thần kinh và chúng tôi rất tượng về thông tin liên quan đến công cụ phòng chống đột quỵ mà Giáo sư và các cộng sự đã đưa ra. Chúng tôi mong muốn người dân Việt Nam sớm được thụ hưởng giải pháp về phòng chống đột quỵ tiên tiến của thế giới để cải thiện tỷ lệ mắc của người bệnh, góp phần giảm hệ lụy do đột quỵ gây ra cả với gia đình người mắc và kinh tế xã hội cho đất nước"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế và Giáo sư hàng đầu thế giới trao đổi về giải pháp phòng chống đột quỵ ở Việt Nam- Ảnh 6.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn tặng quà lưu niệm GS.TS Valery Feigin.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị nên có biên bản ghi nhớ hợp tác về phòng chống đột quỵ và bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam giữa Cục Y tế dự phòng của Bộ Y tế và Viện Đột quỵ và Ứng dụng khoa học Thần kinh Quốc gia thuộc Đại học công nghệ Auckland.

Đáp lời, GS.TS Valery Feigin bày tỏ nhất trí và cho biết sẽ cùng các cộng sự trao đổi, bàn thảo việc này sớm nhất.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng giao Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bệnh viện Bạch Mai xây dựng đề án chương trình quốc gia phòng chống đột quỵ tại Việt Nam; Giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm đầu mối lựa chọn các bệnh viện thí điểm thực hiện đề án. Bệnh viện Bạch Mai (Trung tâm đột quỵ) phối hợp cùng Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh triển khai thí điểm bộ công cụ trong phòng chống đột quỵ tại Việt Nam, trên cơ sở đó sẽ rút kinh nghiệm, bổ sung những yếu tố phù hợp, đánh giá hiệu quả để nhân rộng...

"Bộ Y tế mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của GS.TS Valery Feigin, Viện Đột quỵ và Ứng dụng khoa học Thần kinh Quốc gia thuộc Đại học công nghệ Auckland; của Tập đoàn VinGroup, Quỹ VinFuture... với Bộ Y tế trong thực hiện đề án chương trình phòng chống đột quỵ tại Việt Nam nói riêng, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế và Giáo sư hàng đầu thế giới trao đổi về giải pháp phòng chống đột quỵ ở Việt Nam- Ảnh 7.

GS.TS Valery Feigin (giữa) cùng các chuyên gia quốc tế và Việt Nam tại tọa đàm "Những đổi mới trong chăm sóc sức khỏe tim mạch và điều trị đột quỵ".

Trao đổi, thúc đẩy hợp tác quốc tế phòng chống đột quỵ và bệnh không lây nhiễm tại Việt NamTrao đổi, thúc đẩy hợp tác quốc tế phòng chống đột quỵ và bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam

SKĐS - Hôm nay 29/10, tại trụ sở Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc trực tuyến với GS. Valery Feigin, Giám đốc Viện Quốc gia về đột quỵ và Khoa học thần kinh ứng dụng, Trường Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand.

Thái Bính/ Ảnh: Trần Minh
Ý kiến của bạn