Những công trình trạm y tế khang trang, sạch sẽ "phủ sóng" nhiều hơn
Cam Lộ - Quảng Trị, tháng 7 nắng như đổ lửa, mới hơn 7h sáng chị Hồng đã đưa con con gái nhỏ đến Trạm y tế xã Cam Tuyền tiêm chủng mở rộng định kỳ để "tiêm xong sớm, về sớm, bởi đi tiêm muộn khi về sẽ rất nắng". Hôm nay bé N.Anh con chị tiêm mũi vaccine viêm não Nhật Bản.
Trong lúc chờ đến lượt con vào tiêm, chị Hồng kể: "So với đứa lớn nhà tôi trước kia tiêm chủng ở Trạm y tế Cam Tuyền cũ đã xuống cấp, bây giờ đưa con đi tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế mới đỡ vất vả hơn rất nhiều lần. Trẻ được chờ tiêm ở khu vực thoáng mát, khu vực khám sàng lọc rộng rãi, phòng tiêm và theo dõi sau tiêm cũng đảm bảo mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông".
Cùng với chị Hồng, nhiều ông bố, bà mẹ đưa con đi tiêm chủng mở rộng trong sáng 5/7 tại Trạm y tế xã Cam Tuyền đều chia sẻ niềm vui vì "bộ mặt mới" của trạm, trong đó niềm vui nhất là không phải chờ đợi trong điều kiện nóng mùa hè, gió lùa mùa đông và chật chội...
Trạm y tế xã Cam Tuyền là một trong 32 trạm y tế của Quảng Trị được thụ hưởng từ Dự án "Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến y tế cơ sở".
BS Hoàng Ngọc Đức - Trưởng Trạm y tế xã Cam Tuyền cho biết, Trạm y tế Cam Tuyền mới được xây dựng trên tổng diện tích 1.500m2, khu nhà chính 2 tầng rộng rãi, 13 phòng khang trang, có các phòng chức năng phục vụ cho khám bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng mở rộng, truyền thông giáo dục sức khoẻ... còn lại là các phòng làm việc của nhân viên y tế.
Từ khi được xây mới hoàn toàn, trạm đã được mua sắm, trang bị thêm máy đo đường huyết, máy đo lưu lượng định - đo chức năng hô hấp, máy bắt nhịp tim thai...
"Trạm có 6 nhân viên y tế, có bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng, dược sĩ trung học... Trạm phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng mở rộng... cho hơn 5.000 hộ dân trên địa bàn, theo dõi và quản lý 487 người bệnh tăng huyết áp. Trước đây trung bình có 7 -10 người dân đến thăm khám tại trạm mỗi ngày, hiện nay đã tăng lên 15-17 người đến thăm khám mỗi ngày"- BS Đức cho biết.
Cùng với Cam Tuyền, đoàn công tác của Ban Quản lý Dự án Trung ương đã đến kiểm tra, giám sát tại Trạm y tế xã Cam Chính và Trạm y tế xã Thanh An.
Anh Nguyễn Văn Tuyền, người dân xã Cam Chính chia sẻ, trạm y tế này mới được xây dựng trên địa hình cao ráo từ 2 năm nay, các phòng khám rất sạch sẽ, có chỗ ngồi mát, nhà vệ sinh sạch sẽ, cán bộ rất thân thiện, gắn bó và tư vấn nhiệt tình. Đáng chú ý, nhờ cơ ngơi tốt, giao thông thuận lợi mà nhiều người dân xã bên Cam Nghĩa cũng sang khám bệnh, lấy thuốc khi đau ốm.
BS Phạm Hiền Lương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cam Chính cho biết, hiện nay mỗi ngày Trạm y tế tiếp đón khoảng 30 người dân đến thăm khám, tăng gấp ba lần so với trước khi có nhà trạm mới. Cũng nhờ có cơ sở mới, trang thiết bị mới được đầu tư, cán bộ y tế được tập huấn bài bản, các y bác sĩ của Trạm y tế xã Cam Chính đã thực hiện được nhiều kỹ thuật hơn như: cấp cứu ban đầu, sốc phản vệ, ong đốt, các bệnh về hô hấp nhi, sốt cao, co giật, viêm phế quản…
Như cuối năm 2023, Trạm y tế đã cấp cứu thành công cho một bệnh nhân bị rối loạn cơ vòng, đại tiểu tiện tại chỗ, không đo được mạch và huyết áp do bị ong đốt khi đi đường. Được biết khi nhận thông tin trợ giúp (qua điện thoại), Trạm đã cử 2 nhân viên y tế đến tận nhà người bệnh (cách trạm khoảng 3km), thực hiện sơ cứu ban đầu ngay tại chỗ ổn định rồi chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa huyện. Sau đó sức khỏe của bệnh nhân hoàn toàn bình thường, Trạm y tế xã được khen thưởng đột xuất.
Theo ông Nguyễn Quảng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ, tất cả 3 trạm y tế đều đang hoạt động rất hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe của người dân tại địa phương được nâng cao hơn trước rất nhiều. Các trạm đều khang trang, thiết bị được đầu tư phù hợp.
Y tế cơ sở đổi mới: Cả người dân và cán bộ y tế đều hưởng lợi
Tại các địa điểm đoàn đến giám sát, kiểm tra thực tế, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, Giám đốc Dự án Trung ương khi trò chuyện với người dân đến thăm khám, chờ tiêm chủng đều nhận được những chia sẻ rất tích cực của người dân... Cùng đó, các nhân viên y tế tại trạm cũng bày tỏ niềm vui được làm việc cũng đỡ vất vả hơn, không còn chật chội như trạm cũ.
Tuy nhiên, hiện tại danh mục thuốc của một số trạm vẫn còn thấp so với danh mục của Bộ Y tế là 241 loại thuốc (trạm y tế Cam Tuyền mới có 69 loại và hiện có 2 loại thuốc huyết áp - PV), do đó PGS.TS Phan Lê Thu Hằng đề nghị Sở Y tế Quảng Trị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của tỉnh và Trung tâm y tế huyện Cam Lộ nghiên cứu tăng thêm danh mục thuốc cho không chỉ các trạm y tế thụ hướng dự án mà còn đối với các trạm y tế trên địa bàn để người dân, đặc biệt là người bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường được tiếp cận thuốc nhiều hơn khi thụ hưởng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cơ sở.
Quảng Trị là một trong 13 tỉnh điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, được Ban quản lý dự án Trung ương chọn tham gia dự án với tổng mức đầu tư là 6.65 triệu USD (tương đương 151,042 tỷ đồng) với ba hợp phần chính gồm: xây mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở y tế; mua sắm trang thiết bị y tế; đào tạo, tập huấn, quản lý chất lượng.
Báo cáo tại buổi làm việc giữa Ban Quản lý dự án Trung ương với Sở Y tế Quảng Trị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị, ông Trương Công Hiếu - Phó Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cho biết: Đến hết tháng 6/2024 đã có 25 công trình xây dựng trạm y tế trên địa bàn 7 huyện đã hoàn thành (12 công trình xây mới và 13 công trình sửa chữa, nâng cấp). 7 công trình còn lại đang gấp rút thi công để hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng trong quý III/2024.
Hợp phần mua sắm trang thiết bị y tế cũng đã hoàn thành. Trong đó các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tuyến huyện đã hoàn thành, bàn giao tháng 5/2023 và các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tuyến xã cũng đã hoàn thành, bàn giao trong tháng 6/2024.
Công tác hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ y tế tại tỉnh cũng đã được triển khai rộng khắp với số giảng viên tuyến tỉnh đã được tập huấn được 130 người. Số lượt cán bộ y tế cơ sở đã được đào tạo đạt 1.900 lượt người. Tỷ lệ giải ngân đến thời điểm hiện tại đạt 88% tổng mức đầu tư của Dự án tại tỉnh.
Từ thực tế giám sát, kiểm tra những lần trước đó của Ban Quản lý Dự an Trung ương và tại 3 trạm y tế lần này, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng cho rằng: Trong quá trình triển khai, tỉnh Quảng Trị được xem làm một trong những tỉnh có tiến độ thực hiện nhanh, thuộc nhóm đầu của Dự án khi hoàn thành, bàn giao được nhưng công trình xây dựng trạm y tế đầu tiên trong tại huyện Vĩnh Linh năm 2021, năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
"Điều này góp phần củng cố sớm về cơ sở vật chất, hỗ trợ nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân"- PGS.TS Thu Hằng nói.
Công tác hỗ trợ cung cấp trang thiết bị cũng đã được triển khai và đang được Ban Quản lý dự án tỉnh Quảng Trị gấp rút bàn giao các trang thiết bị tới tay người sử dụng. Công tác hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ y tế tại tỉnh cũng đã được triển khai rộng khắp với số giảng viên đã được tập huấn được 130 người. Số lượt cán bộ y tế cơ sở đã được đào tạo đạt 1900 lượt người. Tỷ lệ giải ngân đến thời điểm hiện tại đạt 88% tổng mức đầu tư của Dự án tại tỉnh...
Tuy nhiên, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng cũng nhấn mạnh để làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn cũng như để nâng cao vai trò, vị trí "người gác cổng" của y tế cơ sở, ngành y tế Quảng Trị cần tiếp tục tham mưu, có chiến lược, kế hoạch đào tạo nhân lực để số lượng bác sĩ trên toàn tỉnh nâng lên. Hiện Quảng Trị đạt 10 bác sĩ/vạn dân, trong khi bình quân cả nước là 12 bác sĩ/vạn dân; Cùng đó, với hơn 20 trạm y tế đang và đã xuống cấp, cần có cơ chế tham mưu để tỉnh dành đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới trong điều kiện có thể.
Cùng đó, tại Quảng Trị, hoạt động áp dụng thử nghiệm bảng điểm chất lượng được triển khai tại ba huyện Hướng Hóa, Đakrông và Triệu Phong đã cải thiện được chất lượng dịch vụ y tế tuyến xã cho 10 lĩnh vực bao gồm: Quản lý y tế, Quản lý thuốc trang thiết bị và vật tư y tế, truyền thông-giáo dục sức khỏe, cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp, chẩn đoán – điều trị và quản lý tăng huyết áp, chẩn đoán-điều trị và quản lý đái tháo đường, quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, quản lý bệnh lao – phòng dịch và tiêm chủng quản lý thai nghén và dinh dưỡng trẻ em.
Tiến độ triển khai dự án cơ bản đảm bảo kế hoạch. Các địa phương có trạm y tế được tài trợ bởi dự án đã được đưa vào sử dụng đánh giá cao cơ sở vật chất được bàn giao.
Theo thống kê, chất lượng dịch vụ tuyến xã tại 30 trạm y tế thuộc 3 huyện trên đã cải thiện trung bình số điểm đạt yêu cầu (từ 75% trở lên) tăng gấp gần hai lần từ năm 2021 đến cuối năm 2023.