'5T' giúp trẻ cai nghiện game online khi học trực tuyến

11-10-2021 18:02 | Xã hội
google news

SKĐS - Tính đến thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh tại 31 tỉnh/thành vẫn đang phải học trực tuyến. Học trực tuyến giúp giải quyết nhiều vấn đề trong đại dịch, tuy nhiên, "tác dụng phụ" khi học online kéo dài không chỉ là cận thị, gù lưng, mệt mỏi… mà nhiều em còn có nguy cơ trở thành con nghiện… game online.

Chuyên gia chỉ cách giải tỏa áp lực, giúp trẻ hứng thú với học online kéo dàiChuyên gia chỉ cách giải tỏa áp lực, giúp trẻ hứng thú với học online kéo dài

SKĐS - Việc học online kéo dài, thay thế hoàn toàn việc đến trường học truyền thống đã được chứng minh là có những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của các em học sinh.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, có tới 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện chiếm khoảng 10 - 15%. WHO cũng công nhận chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách phân loại bệnh quốc tế.

Học sinh tìm đến game online kể cả trong và ngoài giờ học, thậm chí mất kiểm soát

Trẻ nghiện game nghĩa là dành quá nhiều thời gian với các trò chơi trong thế giới ảo, có nhiều trò mang màu sắc bạo lực, làm ảnh hưởng, thậm chí là ám ảnh, tác động đến suy nghĩ, hoạt động của cuộc sống ngoài đời thực. Vì thế, với những người chơi quá nhiều game bắn giết, đánh đấm nhau, có thể khiến tâm lý bị thay đổi tiêu cực. Cùng với đó, hệ lụy của nghiện game, mạng xã hội có thể thấy rõ ràng là người dùng sẽ mất ngủ, nghèo nàn các kỹ năng xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật, giảm hiệu suất học tập, cho tới những tổn hại về sức khỏe và thần kinh, dẫn tới trầm cảm, tâm thần phân liệt.

"5T" giúp trẻ cai nghiện game online khi học trực tuyến - Ảnh 2.

Đối với trẻ nghiện game, thế giới ảo rất có thể dần thay thế cuộc sống thật và gây ra các vấn đề về sức khỏe, học tập, công việc; trạng thái căng thẳng, trầm cảm, lo âu, vấn đề về giấc ngủ…

Có con trai đang học lớp 8, chị Pha Lê (quận Bình Tân, TP.HCM) tâm sự: "Em dường như sắp phát điên lên khi mặc dù ngày nào con em cũng điểm danh đầy đủ nhưng cháu vừa học online vừa chat, vừa chơi game. Giờ nghỉ giữa tiết con cũng chơi game, hết giờ học con cũng chơi game. Sau gần nửa năm học trực tuyến, giờ đây, con em đã thành game thủ".

Anh Phú Thanh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con học lớp 5 một trường tiểu học trên địa bàn cho biết, tuần trước, anh đã tịch thu ipad, xin phép cô giáo cho con nghỉ học nửa ngày vì phát hiện cậu quý tử đang trong giờ học online nhưng lại chơi game nhoay nhoáy. "Vì cơm áo gạo tiền, bố mẹ không phải lúc nào cũng ở nhà giám sát con học cả ngày được nên phải giao ipad cho con để tự đăng nhập vào ứng dụng zoom để học. Tôi không biết phải làm sao khi tranh thủ trong lúc học thì con lại lén tải trò chơi điện tử để chơi game. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, tôi sợ rằng con mình sẽ trở thành một đứa trẻ nghiện game mất".

Không chỉ có chị Lê, anh Thanh, có lẽ đây là tình trạng chung của nhiều gia đình khi con phải học trực tuyến kéo dài và được trao quyền sử dụng các thiết bị công nghệ. Trên nhiều diễn đàn, cha mẹ lo lắng và chia sẻ rằng, sau thời gian học trực tuyến, con họ đã trở thành game thủ, thậm chí nhiều gia đình lo sợ sẽ "mất con" khi những đứa trẻ này cả ngày vùi đầu vào game.

Đã có nhiều vụ giết người thương tâm xuất phát từ nghiện game để lại hệ lụy khôn lường cho gia đình và xã hội. Vụ việc xảy ra vào tháng 6/2020 khiến dư luận bàng hoàng. Một bé trai 5 tuổi (ở Nghệ An) được phát hiện tử vong tại căn nhà hoang trong tư thế bị trói 2 tay. Nghi phạm ra tay sát hại nạn nhân chính là một học sinh đang học lớp 11, nghiện game và muốn thực hiện theo các hành động trong game.

Cha mẹ cần làm gì để cai nghiện game online cho con?

Để giúp trẻ "cai nghiện game"  Chuyên gia về trẻ em Lê Thị Khánh Vân đã đưa ra lời khuyên "5T" giúp cha mẹ có thể ngăn chặn tình trạng mải chơi game của con trẻ, đó là:

Tấm gương đầu tiên: Cha mẹ luôn phải là tấm gương cho con. Hãy là một tấm gương trong việc sử dụng và kiểm soát sử dụng game. Ví dụ, muốn con vận động thể chất không chơi game thì cha mẹ phải là người cũng có các hoạt thể chất, lôi kéo con mình cùng tham gia… Hay muốn con không nghiện điện thoại thông minh thì cha mẹ cũng phải là người như vậy. Muốn con như thế nào thì trước hết, cha mẹ phải làm như thế đã.

Thảo luận cùng con: Cha mẹ cần thảo luận với con những điều mà chúng ta cần lưu ý khi chơi game. Ví dụ: thời gian, thời điểm, sử dụng phần mềm quản lý thời gian, nếu vi phạm thì sao… Cha mẹ hãy coi chơi game là phần thưởng mỗi khi con làm xong bài tập, làm hết việc nhà thì bố mẹ sẽ thưởng cho con thời gian chơi game.

Trò chuyện cùng con: Cha mẹ cần trò chuyện với con về giới hạn an toàn, về tác hại của chơi game quá dài để con hiểu và phòng ngừa tác động xấu từ game.

Tăng thời gian ở bên con: Cha mẹ cần dành nhiều thời gian ở bên con, chơi với con để hiểu tâm tư nguyện vọng của con mình.

Tăng hoạt động thể chất: Hằng ngày, cha mẹ có thể chơi các trò chơi hoạt động thể chất cùng con.
Còn chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Đình Sơn thuộc Hội tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ, trước đây ông thường can thiệp tâm lý cho các học sinh ở cấp THPT, tuy nhiên gần đây trong bối cảnh dịch bệnh có cả học sinh lớp 4 cũng đã nghiện game. Theo đó, ông Sơn cho rằng cha mẹ cần phải là tấm gương cho con trong việc sử dụng điện thoại. Bên cạnh đó cần phải đề ra nguyên tắc về quản ký giờ chơi đối với con. 

"Các cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh tay hơn trong việc siết chặt cấp phép đối với các loại hình game đặc biệt là game bạo lực, như vậy mới có thể mới tránh được những hệ luỵ đáng tiếc", ông Sơn nói. 

 Xem thêm video đang được quan tâm: 

Các sân bay lập điểm xét nghiệm Covid-19


Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn