Áp lực dạy online mùa dịch, '1 tiết dạy trực tuyến bằng 5 tiết trực tiếp'

24-09-2021 11:11 | Xã hội
google news

SKĐS - Áp lực lớn nhất vẫn là làm thế nào để có một bài giảng trực tuyến hay và lôi cuốn; để tiết học ngày mai các con sẽ thật vui và hiểu bài…

Gần 14.000 giáo viên, học sinh mắc COVID-19 cần hỗ trợ tâm lýGần 14.000 giáo viên, học sinh mắc COVID-19 cần hỗ trợ tâm lý

SKĐS - Với gần 14.000 học sinh, sinh viên và giáo viên mắc COVID-19 từ đầu năm đến nay, nhu cầu hỗ trợ tâm lý là rất lớn.

Từ ngày trường học đóng cửa do dịch COVID-19 kéo dài, dạy và học trực tuyến là tình thế bất khả kháng. Để hiệu quả, cả thầy cô và học sinh cần sự sẵn sàng và thoải mái về mặt tâm lý. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã tác động rất nhiều đến sức khỏe tinh thần không chỉ của học sinh mà cả giáo viên.

Giáo viên mệt mỏi, áp lực tâm lý khi dạy online

Thời gian qua, nhiều giáo viên chia sẻ "một tiết dạy trực tuyến bằng 5 tiết dạy trực tiếp". Khi dạy trực tuyến, các thầy cô phải chuẩn bị nhiều nội dung, cố gắng duy trì sự tập trung và tham gia của học sinh khiến tiêu hao nhiều năng lượng, việc dạy trực tuyến trong thời gian dài dễ bị áp lực tâm lý đè nặng.

Cô Ngọc Mai (giáo viên chủ nhiệm lớp 2 tại TP.HCM) chia sẻ, mặc dù dạy học trực tuyến đã không còn là khái niệm xa lạ nhưng thật sự có quá nhiều áp lực. Áp lực lớn nhất vẫn là băn khoăn, trăn trở của giáo viên làm thế nào để có một bài giảng trực tuyến hay và lôi cuốn. Làm thế nào để tiết học ngày mai các con sẽ thật vui và hiểu bài…

Giáo viên gặp nhiều áp lực tâm lí khi dạy online mùa dịch - Ảnh 2.

Dù công tác dạy học được thực hiện dưới hình thức trực tuyến đã 2 năm nhưng giáo viên vẫn không tránh khỏi những áp lực.

Với học sinh lớp 1, 2, các con còn nhỏ, ý thức tự học chưa cao, thao tác sử dụng máy tính chưa thành thạo nên giáo viên và cha mẹ khá vất vả. Riêng việc quản lý học sinh cũng khiến các thầy cô đau đầu. Các con nói chuyện qua mục chat, bật mic nói tự do, phát biểu tự do, cô phải nhắc nhở liên tục sẽ làm gián đoạn giờ học dẫn đến cháy giáo án hoặc chuẩn bị chuyển sang ca học tiếp mà nội dung ca này chưa xong. Hoặc có học sinh dù mở "cam" nhưng vẫn chơi game, xem youtube khi cô đang giảng bài. Việc quản lý này đều nằm ngoài sự quan sát của giáo viên.

Về phía phụ huynh, việc cha mẹ đặt quá nhiều kì vọng vào con cũng là một áp lực tâm lý đối với thầy cô. Cha mẹ thắc mắc, phàn nàn vì con không được cô gọi nhiều lần (trong khi 1 tiết học online các con được gọi 2 - 3 lần cộng thêm việc tương tác vào ô chat, không thể nào nhiều hơn với độ tuổi lớp 1,2 thao tác bật mic và trả lời của các con rất chậm). Ngoài ra, áp lực tâm lý đôi khi đến từ các cấp quản lý…

Cô Mai Hà (giáo viên dạy trường THCS tư thục tại Hà Nội) cho biết, để thích nghi với hoàn cảnh dịch bệnh, dù công tác dạy và học trong nhà trường được thực hiện dưới hình thức trực tuyến đã 2 năm nhưng giáo viên vẫn không tránh khỏi những áp lực.

Việc dạy trực tuyến đòi hỏi sự chuẩn bị kì công, công phu và chi tiết hơn giảng dạy trực tiếp. Mỗi một tiết học giảng dạy trực tuyến, giáo viên cần chuẩn bị với thời gian gấp 3-4 lần so với giảng dạy trực tiếp. Dạy trực tuyến cũng là khi giáo viên và học sinh cần cố gắng rút ngắn khoảng cách bằng những tương tác qua trò chơi, khảo sát... Để làm được việc đó, giáo viên cần tìm tòi, nghiên cứu và nỗ lực để thành thạo CNTT, đáp ứng yêu cầu của hình thức dạy học mới.

Công tác chấm, chữa bài cũng là một thử thách bởi thay vì trực tiếp nhận xét, sửa chữa tại bài làm trên giấy của học sinh, giáo viên phải chấm qua file PDF, file ảnh. Bên cạnh đó, dạy trực tuyến, giáo viên ngồi trước máy tính nhiều, ảnh hưởng tới thị lực và sức khỏe, đôi lúc kéo theo tâm trạng căng thẳng, stress.

Và một áp lực nữa khi dạy online đó là ảnh hưởng tới thu nhập. Các trường ngoài công lập sẽ thực hiện cắt giảm lương theo thực tế thu - chi nên giáo viên gặp không ít khó khăn.

Giải pháp nào giúp giáo viên bớt áp lực tâm lý khi dạy trực tuyến?

PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, ông từng tham gia hỗ trợ một số giáo viên ở vùng dịch, nhiều thầy cô có học sinh là F0 hoặc chính người thân đang mắc COVID-19 khiến họ rơi vào tình trạng lo âu, thậm chí sang chấn tâm lý

Để giải quyết những vấn đề này, PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, mỗi người nói chung và bản thân giáo viên nói riêng cần có những thủ thuật quản lý thời gian hiệu quả để tránh quá tải công việc trong mùa dịch, hạn chế tiếp xúc với quá nhiều với những thông tin tiêu cực. 

Giáo viên cũng nên trao đổi với phụ huynh để có khung giờ giải đáp những thắc mắc, phản hồi về việc học. Bản thân mỗi thầy cô cũng cần tranh thủ, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, cân bằng cuộc sống.

Giáo viên gặp nhiều áp lực tâm lí khi dạy online mùa dịch - Ảnh 4.

Mong mỏi của học sinh, phụ huynh và toàn ngành giáo dục là học sinh sẽ được đến trường học trực tiếp.

Để tránh căng thẳng trong dạy trực tuyến, TS. Lê Thị Mai Liên - Giảng viên Bộ môn Tham vấn - trị liệu, Khoa Tâm lý học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. HCM cho rằng, giáo viên cần chăm sóc bản thân trước khi lên lớp, làm những điều khiến mình cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Điều đó sẽ giúp thầy cô khơi dậy được cảm hứng và giảng bài hay hơn.

Thầy cô nên "quét" cảm xúc, tâm trạng của mình mỗi ngày trước khi lên lớp. Nếu cảm thấy căng thẳng, khó chịu, thầy cô có thể dành 2-3 phút thực hành hít thở để xoa dịu cảm xúc, kích hoạt năng lượng tích cực, niềm vui sống...
TS. Lê Thị Mai Liên.

Theo TS. Lê Thị Mai Liên, thầy cô cần quan sát nội tâm, cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể của mình và tiến hành "quét" cảm xúc, tâm trạng của mình mỗi ngày trước khi lên lớp. Nếu cảm thấy căng thẳng, khó chịu, thầy cô có thể dành 2-3 phút thực hành hít thở để xoa dịu cảm xúc, kích hoạt năng lượng tích cực, niềm vui sống. Niềm vui là yếu tố giúp người học hứng thú với lớp học và duy trì sự tập trung. Thầy cô cũng nên giảm kỳ vọng về mức độ tiếp thu; kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với điều kiện học trực tuyến để tránh gây căng thẳng và áp lực cho người học.

Chia sẻ vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, đối với những nội dung kiến thức học sinh cần phải nghe thầy cô giảng trong từng bài học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thầy cô có thể chuẩn bị bài giảng power point, giảng bài và ghi hình lại tạo video bài giảng, sau đó gửi cho học sinh ở nhiều lớp khác nhau; sử dụng để dạy học cho nhiều lớp khác nhau mà mình đảm nhận. Những học liệu này thậm chí có thể sử dụng được trong những năm sau. Làm như vậy, giai đoạn đầu có thể vất vả, nhưng rõ ràng thầy cô sẽ nhàn dần trong thời gian tiếp theo.

Bộ GDĐT cũng đã xây dựng kho học liệu điện tử, các video bài giảng, xây dựng tài liệu bồi dưỡng để nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho thầy cô. Hiện nay, tài liệu này đã được gửi tới các Sở GDĐT để chuyển cho các nhà trường. Trong tài liệu, Bộ GDĐT cũng tháo gỡ áp lực cho giáo viên bằng cách có một phụ lục để hướng dẫn chi tiết một số kĩ năng sử dụng CNTT trong dạy học trực tuyến.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Từ điểm nóng COVID-19, chăm sóc F0 tại nhà.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn