Làng làm hương trầm ở Quỳ Châu
Nếu muốn cảm nhận hương Tết đích thực, bạn nên dành một ngày đến trấn Tân Lạc và bản Hạnh Tiến, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu), cách thành phố Vinh (Nghệ An) chừng 150 km. Nổi tiếng với nghề làm hương trầm truyền thống, đây là nơi bạn sẽ được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm nên hương trầm, hương thẻ, hương vòng và hương nén.
Sau khi trộn thảo mộc, se, nén, hương thô được đem phơi ở sân hoặc trên giàn để giữ được màu, mùi và bắt lửa. Không chỉ được ngắm những bông hoa kết từ hương đẹp mắt, du khách còn được đắm chìm trong mùi thơm của các loại thảo mộc - thành phần làm hương - như rễ cây hương bài, các loại hoa hồi thảo quả, quế chi, trầm xô, bã mía và một vài vị thảo mộc đặc biệt được giữ làm bí quyết riêng… Trong tiết trời se lạnh cuối năm, mùi thơm của các loại hương nén, hương vòng làm không khí Tết đến gần hơn bao giờ hết.
Làng bánh chưng Vĩnh Hoà
Không khí Tết đã tràn ngập khắp các gia đình ở làng nghề Vĩnh Hoà, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành từ hơn một tháng nay. Nhà nào cũng tất bật chuẩn bị cho các đơn hàng phục vụ Tết, khoảng sân xanh mướt lá dong, lá chuối và những bếp than đỏ lửa đêm ngày. Bánh chưng của làng nổi tiếng rền, ngon và đẹp mắt. Để có được điều đó, các công đoạn từ chọn, rửa lá, ngâm gạo, đỗ, ướp thịt đến gói, luộc bánh đều được người dân trong làng thực hiện rất tỉ mỉ và chuyên nghiệp.
Điều đặc biệt là bánh chưng Vĩnh Hoà hầu hết đều được gói bằng tay, nhưng chiếc nào chiếc nấy vuông vức và đều tăm tắp. Người dân trong làng cũng ít khi bán lẻ mà thường làm theo đơn đặt hàng của khách từ hàng chục đến hàng trăm chiếc. Tùy theo cỡ mà mỗi chiếc bánh có giá khác nhau, dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng, thậm chí 70.000 đến 100.000 đồng nếu khách có nhu cầu.
Làng hoa Kim Chi, Kim Phúc
Gần thành phố Vinh (Nghệ An) có rất nhiều làng hoa truyền thống, nhưng nhộn nhịp nhất phải kể đến làng hoa, cây cảnh như Kim Chi, Kim Phúc (xã Nghi Ân), Trung Liên (xã Nghi Liên). Các nhà vườn nằm khá gần chợ hoa dọc các phố chuyên doanh hoa, cây cảnh như: Đại lộ Lê Nin, Xô viết Nghệ Tĩnh. Mặc dù những năm gần đây, thị trường hoa, cây cảnh dịp Tết có thêm rất nhiều sản phẩm mới lạ, chưa kể còn nhiều loại hoa nhập khẩu, nhưng các hộ trồng đào phai ở Nghi Liên không lo lắng về đầu ra. Bởi so với các loại hoa khác, hoa đào vẫn là loại hoa đặc trưng mà nhiều gia đình mua về để chưng Tết.
Những vườn quất cảnh ở đây cũng rất hút khách nhờ quả to, chĩu chịt, màu vàng đều, đẹp mắt. Những ngày này, các làng hoa luôn nhộn nhịp khách từ các nơi đến chọn và đặt mua đào, quất chơi dịp Tết. Giá cũng rất đa dạng, từ vài trăm đến cả chục triệu đồng. Du khách không mua cũng có thể đến chụp ảnh tại các nhà vườn để ghi lại khoảnh khắc giao mùa tuyệt đẹp. Ngoài ra, các vườn hoa xung quanh với mai vàng Bình Định, hoa dạ yến thảo, thược dược, đồng tiền, cẩm tú cầu Đà Lạt, cúc mâm xôi Đồng Tháp, quất cảnh Hưng Yên, đào Nhật Tân... cũng rất đáng để bạn ghé qua khi đến làng hoa Nghi Liên.
Làng nghề nước mắm truyền thống Diễn Châu
Người dân làng nghề nước mắm Diễn Châu rộn ràng vào vụ Tết.
Nghề chế biến nước mắm truyền thống ở xã bãi ngang Diễn Bích ra đời gần 100 năm, được trao truyền từ đời này sang đời khác. Diễn Bích là một trong những "thủ phủ" làm nghề chế biến nước mắm của xứ Nghệ.
Nước mắm là thành phần không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết nên từ vài tháng trước, người dân làng nghề Diễn Bích đã phải chạy đua với thời gian để làm nước mắm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tết càng đến gần, không khí lao động sản xuất càng khẩn trương.
Để làm ra được dòng nước mắm cốt ngon, chất lượng, nhiều đạm phải trải qua các công đoạn như trộn muối với cá, ướp, ủ, chăm nom... Các công đoạn của cá quy trình đều phải thực hiện kỹ, cẩn thận, mất nhiều thời gian, công sức mới đảm bảo nước mắm mau chín, chín đều, chất lượng tuyệt hảo.
Bước đến "miền chân sóng" Diễn Bích, bạn sẽ thật sự ấn tượng bởi màu cánh gián nhạt, sóng sánh như mật ong, có mùi thơm và vị mặn đặc trưng của nước mắm. Ngoài nước mắm, món mắm ruốc, tôm nõn khô… cổ truyền của làng nghề Diễn Bích cũng được rất nhiều người ưa chuộng, đặc biệt trong dịp Tết. Tôm khô ở đây nổi tiếng dai nhưng vẫn rất mềm, không bị nát, thơm và ngọt hơn khi nấu.
Đặc sản Cam Vinh
Cam Xã Đoài được bán với giá 70.000-80.000 đồng/quả.
Trong mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Trung không thể thiếu màu vàng của cam, và loại quả được ưa dùng nhất ở xứ Nghệ chính là cam Vinh. So với các giống ở nhiều nơi khác, cam Xã Đoài được trồng ở xóm Yên Phúc, xã Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An có màu vàng tươi, hương thơm đặc trưng, múi mọng nước, ngọt dịu. Nhiều khách hàng kỹ tính còn cất công xuống tận Xã Đoài để mua được loại cam chính gốc về cúng tổ tiên.
Cam Xã Đoài mỗi năm một vụ, cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Với vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng, cam Xã Đoài xưa kia được dùng để "tiến Vua". Danh tiếng của loại cam này cũng đã đi vào ca dao, thơ ca. Đương nhiên, giá bán của cam Xã Đoài cũng tương xứng với danh tiếng của nó.
Nếu các loại cam khác được bán theo trọng lượng thì cam Xã Đoài được bán theo quả. Trung bình, mỗi quả cam Xã Đoài được bán với giá từ 70.000 đồng đến 80.000 đồng, có năm lên tới 90.000 đồng/quả.
Khách mua cam Xã Đoài phải đặt cọc khi quả mới đậu, ít khi nhà vườn bán lẻ ra ngoài. Giá cả đắt đỏ như vậy nhưng có những năm, cam Xã Đoài lâm vào tình trạng "cháy hàng" do khách mua làm quà biếu Tết tăng mạnh.