1. Các yếu tố nguy cơ gây viêm nướu là gì?
Viêm nướu là bệnh rất phổ biến và bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh này, nhưng một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ nướu bị kích thích, bao gồm:
- Thay đổi nội tiết tố (do thuốc tránh thai, mang thai hoặc chu kỳ kinh nguyệt)
- Một số loại thuốc (như thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống động kinh và thuốc ức chế miễn dịch)
- Hút thuốc hoặc sử dụng thuốc lá nhai
- Khô miệng
- Răng khấp khểnh khó làm sạch…
2. Những dấu hiệu sớm nhất của viêm nướu
Viêm nướu đôi khi có thể diễn ra âm thầm, nhưng những dấu hiệu sớm nhất có thể xuất hiện sau vài ngày không vệ sinh răng miệng đúng cách.
Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu cần chú ý bao gồm:
- Chảy máu nướu răng
- Nướu bị sưng hoặc viêm
- Hơi thở hôi…
Các triệu chứng viêm nướu có xu hướng xấu đi trong vòng 2 đến 3 tuần, khiến việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa trở nên khó khăn.
Hình ảnh viêm nướu răng.
3. Các biện pháp khắc phục viêm nướu tại nhà
3.1. Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày
Đánh răng một lần vào buổi sáng và một lần trước khi đi ngủ là cách tốt nhất để ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám và vi khuẩn trên răng. Đánh răng cũng là một cách để bổ sung fluoride, giúp chống sâu răng.
Trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe răng miệng, giúp tìm ra loại bàn chải, sản phẩm phù hợp. Có thói quen vệ sinh răng miệng tốt sẽ giúp điều trị và ngăn ngừa viêm nướu về lâu dài.
3.2. Dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần
Dùng chỉ nha khoa một lần hoặc thậm chí hai lần một ngày trước khi đánh răng là lý tưởng nhất. Khi thực hiện đúng cách, chỉ nha khoa có thể phá vỡ các mảnh cao răng cứng bị mắc kẹt dưới nướu - khu vực mà bàn chải đánh răng khó tiếp cận được.
Sự kết hợp giữa dùng chỉ nha khoa và đánh răng sẽ giúp làm sạch sâu cần thiết để giúp ngăn ngừa viêm nướu.
3.3. Dùng nước súc miệng kháng khuẩn
Thêm nước súc miệng vào thói quen vệ sinh răng miệng sẽ rất có lợi nếu bạn bị viêm nướu. Khi chọn nước súc miệng, hãy kiểm tra thành phần, tìm loại nước súc miệng trị liệu không chứa cồn với các thành phần như chlorhexidine, fluoride (để chống sâu răng) hoặc clodioxide. Những thành phần này tạo ra một lớp phủ bảo vệ ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám, giúp ngăn ngừa viêm nướu quay trở lại.
3.4. Tránh ăn vặt
Nhiều món ăn nhẹ phổ biến có chứa một lượng lớn carbohydrate và đường. Những chất này hoạt động cung cấp nhiên liệu cho vi khuẩn có hại, giúp chúng tăng sinh. Khi càng có nhiều vi khuẩn trong miệng thì càng có nhiều mảng bám tích tụ. Sự tích tụ mảng bám làm xấu đi sức khỏe của nướu và gây ra tình trạng viêm nướu.
Chỉ nha khoa có thể phá vỡ các mảnh cao răng cứng bị mắc kẹt dưới nướu.
3.5. Bỏ hút thuốc
Bỏ hút thuốc có thể giúp điều trị và ngăn ngừa viêm nướu. Hút thuốc và sử dụng các sản phẩm thuốc lá có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Điều này khiến việc chống lại vi khuẩn gây viêm nướu trở nên khó khăn hơn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nướu răng cao gấp đôi so với người không hút thuốc.
4. Khi nào bạn nên đi khám?
Nướu khỏe mạnh sẽ không dễ chảy máu trong hoặc sau khi đánh răng và dùng chỉ nha khoa. Nếu bạn nhận thấy chảy máu khi thực hiện các hoạt động này, nên đi khám.
Những thay đổi về nướu khác khiến bạn phải đến gặp nha sĩ bao gồm:
- Sưng tấy
- Đỏ
- Nhạy cảm trong và xung quanh đường viền nướu…
Viêm nướu là một tình trạng có thể từ sưng nướu nhẹ và trong một số trường hợp dẫn đến cấp cứu nha khoa (thường liên quan đến nhiễm trùng nướu hoặc răng). Nếu bạn nhận thấy mủ chảy ra từ đường nướu, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
5. Viêm nướu có hồi phục được không?
Viêm nướu có thể hồi phục được, vì đây là giai đoạn đầu của bệnh nướu răng nên chỉ cần vệ sinh răng miệng đúng cách có thể cải thiện.
Giữ cho răng không có mảng bám và cao răng sẽ làm giảm tình trạng viêm nướu. Cao răng hình thành khi mảng bám bám trên răng lâu ngày và cứng lại. Khi mảng bám cứng lại, đánh răng sẽ không thể loại bỏ được. Bạn sẽ cần đến nha sĩ để loại bỏ cao răng.