Viêm nướu có thể gây mất răng

17-09-2022 06:33 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Viêm nướu răng là tình trạng viêm giai đoạn đầu tại chỗ của nướu. Nướu bị viêm kích ứng bởi mảng bám lâu ngày. Viêm nướu không phải là bệnh trọng, tuy nhiên, nếu để viêm nướu kéo dài sẽ gây ra đau, nhức và ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân.

1. Vì sao bị viêm nướu?

Viêm nướu răng thường do nguyên nhân:

  • Chăm sóc răng miệng kém: Mảng bám, vi khuẩn và đồ ăn dính vào răng lâu ngày sẽ dẫn đến sâu răng. Nếu không chăm sóc vệ sinh sạch sẽ các mảng bám trên răng sẽ cứng lại thành cao răng dẫn đến bệnh viêm nướu.
  • Do đánh răng mạnh không đúng cách và dùng tăm quá nhiều
  • Giảm tiết nước bọt
  • Do sử dụng thuốc lá
  • Thay đổi hormone khi mang thai
  • Do mắc bệnh tiểu đường

Ngoài các nguyên nhân trên viêm nướu còn do các yếu tố khác như:

  • Răng mọc không đúng cách
  • Ống nẹp, thân răng và hàm răng giả không bảo đảm chất lượng
  • Sử dụng thuốc chống động kinh và thuốc ngừa thai
  • Bị ung thư, HIV/AIDS và các bệnh khác làm suy yếu hệ thống miễn dịch

2. Dấu hiệu nhận biết viêm nướu răng

  • Nướu sưng đỏ hơn bình thường
  • Nướu đổi màu đỏ thẫm hoặc tím thẫm
  • Hay chảy máu khi đánh răng
  • Trường hợp nặng có thể chảy máu tự phát
  • Cảm giác hơi khó chịu, phù nề và đau
  • Hơi thở có mùi hôi
  • Tụt nướu chân răng

Bệnh viêm nướu có thể điều trị khỏi mà không gây tổn hại đến răng. Tuy nhiên, nếu không điều trị bệnh sẽ tiến triển thành viêm nha chu nguy hiểm, rất khó điều trị.

photo-1663210570296

Viêm nướu rất dễ biến chứng thành viêm nha chu.

3. Những biến chứng nguy hiểm của viêm nướu

Khi bị viêm nướu, nếu không kịp thời chữa trị, người bệnh sẽ có thể gặp những biến chứng:

Viêm nha chu

Bị viêm nướu nếu không điều trị sớm sẽ chuyển sang giai đoạn viêm nha chu là tình trạng viêm nhiễm lan rộng. Các vi khuẩn sẽ phá hủy dần và xâm lấn vào cấu trúc nha chu, hình thành túi nha chu, làm suy yếu đi sự liên kết giữa xương ổ răng và các mô liên kết nắm chức năng giữ răng. Bệnh nhân có thể sẽ đối mặt với tình trạng suy giảm chức năng nhai, thậm chí bị mất răng.

Viêm nha chu có các triệu chứng: Nướu tự chảy máu, sưng đỏ, nhiều trường hợp còn có mủ, hơi thở có mùi hôi....

Viêm nướu lâu sẽ làm việc điều trị sẽ càng trở nên phức tạp. Nếu không chữa trị đúng cách sẽ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như: Tiêu xương hàm, nguy cơ bị tiểu đường, mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, nhiễm trùng huyết, nguy cơ sinh non hoặc thiếu cân ở phụ nữ mang thai…

Mất răng

Viêm nướu ở giai đoạn nặng dẫn đến viêm nha chu làm răng lung lay do tiêu xương ổ và giãn dây chằng quanh răng. Mất răng là biến chứng viêm nướu nặng nhất. Hiện nay có thể dùng phương pháp trồng răng giả càng sớm càng tốt, trong đó phương pháp cấy ghép Implant được đánh giá cao.

Nếu mất răng để lâu cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng như:

  • Ăn nhai khó khăn, kém ngon miệng, tạo cảm giác chán ăn, cơ thể thiếu chất dinh dưỡng cần thiết, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa;
  • Lão hóa sớm do mất răng làm diện mạo khuôn mặt bị thay đổi, vùng da quanh miệng chảy xệ;
  • Tiêu xương hàm vì không có lực nhai kích thích, lâu ngày sẽ bị tiêu dần đi;
  • Các răng lân cận dễ bị lung lay, tăng nguy cơ mất thêm răng;
  • Gây mất thẩm mỹ, tự ti trong giao tiếp, phát âm không chính xác.
photo-1663210573221

Mất răng là biến chứng viêm nướu nặng nhất.

Viêm phổi

Khi bị viêm nướu nặng, người bệnh sẽ bị hít vi khuẩn từ khoang miệng vào trong phổi làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi rất nguy hiểm.

Điều trị viêm nướu là điều trị triệu chứng để ngăn chặn tiến triển và biến chứng như mất răng. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị còn cần phụ thuộc và chế độ chăm sóc và tăng cường vệ sinh răng miệng tại nhà của bệnh nhân.

Các phương pháp để điều trị:

  • Làm sạch răng miệng để loại bỏ các mảng bám và cao răng
  • Hướng dẫn bệnh nhân sử dụng chỉ nha khoa
  • Thường xuyên theo dõi và kiểm tra răng miệng
  • Sửa chữa và phục hồi răng

5. Phòng ngừa bệnh viêm nướu

Biện pháp phòng ngừa tích cực nhất của viêm nướu là xây dựng chế độ chăm sóc răng miệng đều đặn và đúng cách:

- Chọn bàn chải lông mềm đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày. Chải nhẹ nhàng làm sạch cả 4 mặt răng theo hướng 45 độ.

- Khuyến khích sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch các mảng bám thức ăn trên kẽ răng. Cần hạn chế dùng tăm vì dễ gây tổn thương lợi.

- Sử dụng nước súc miệng sát khuẩn.

- Massage nướu răng nhẹ nhàng để tăng cường lưu thông máu đến nướu.

- Có chế độ sinh hoạt lành mạnh, tránh làm tổn thương đến răng miệng: không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia, có chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng.

Viêm nướu có thể nhanh khỏi nếu phát hiện và được điều trị sớm. Chính vì vậy, khi phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường ở vùng răng miệng, cần đi khám ngay tại các phòng khám để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Chảy máu nướu - Ngăn chặn cách nào?Chảy máu nướu - Ngăn chặn cách nào?

SKĐS - Hầu hết các trường hợp chảy máu nướu có thể tự điều trị tại nhà. Vệ sinh răng miệng tốt và các biện pháp tự nhiên có thể điều trị và ngăn ngừa chảy máu nướu.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Nhiều nơi vẫn tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 và mũi 4, tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi chậm, thấp

BS. Trần Minh Thu
BV Răng Hàm mặt TƯ
Ý kiến của bạn