Viêm nướu (lợi) trùm răng khôn

20-06-2020 19:30 | Y học 360

SKĐS - Viêm nướu trùm răng khôn là một dạng bệnh lý viêm nhiễm phần mô nướu bao bọc quanh răng xảy ra khi răng khôn bắt đầu mọc nhú ra khỏi nướu đặc biệt là các răng khôn ở hàm dưới.

Khi răng khôn bắt đầu mọc sẽ đẩy phần nướu phía trên răng lên cao tạo ra một khe hở  giữa răng và nướu. Khe hở này sẽ khiến  mảnh vụn thức ăn khó được làm sạch tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây nên tình trạng viêm nhiễm tại chỗ.

Ảnh minh hoạ

Ai là người có nguy cơ mắc bệnh này?

Viêm nướu trùm răng là bệnh lý phổ biến nhất liên quan đến răng khôn. Bệnh xảy ra chủ yếu với nhóm độ tuổi từ 19-29 tuổi.  Các yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh là:

- Tình trạng suy dinh dưỡng.

- Vệ sinh răng miệng kém.

- Ví trí và cách răng khôn mọc .

- Bệnh lý nền như viêm nha chu mãn tính…..

- Mang thai, suy nhược…..

Triệu chứng của viêm nướu trùm răng khôn

Ảnh minh hoạ


Các triệu chứng thông thường của viêm nướu trùm răng khôn là:

- Đau từ nhẹ đến vừa.

- Phần nướu trùm bị sưng đỏ, khi ấn có thể có chảy mủ.

- Vướng khi nhai, ăn.

- Mùi hay vị lạ trong miệng.

- Có thể có sốt nhẹ.

Trong trường hợp nặng, các triệu trứng nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện như:

- Sưng hạch bạch huyết dưới cằm kèm sốt cao.

- Cứng khớp hàm gây hạn chế há miệng.

- Sưng vùng mặt.

- Nhiễm trùng lan tỏa vùng sàn miệng, hàm.

Điều trị

Trong trường hợp nhẹ (các cơn đau không lan tỏa đến các vùng xung quanh phần nướu bị viêm), súc miệng với nước muối sinh lý sẽ giúp làm giảm nhẹ triệu chứng sưng tấy giúp mau lành. Thông thường bệnh sẽ tự khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu các biến chứng nghiêm trọng xảy ra có thể gây nguy hiểm đến người bệnh.

Người bệnh cần ngay lập tức đến găp nha sĩ nếu có các dấu hiệu nguy hiểm như sau :

- Các cơn đau đã lan ra các vùng xung quanh.

- Sốt cao.

- Sưng hạch cổ.

- Mệt mỏi toàn thân.

- Cứng hàm.

Nha sĩ có thể cân nhắc dựa trên tình trạng bệnh để thực hiện các biện pháp sau:

- Cắt và làm sạch phần mô bị viêm để ngăn thức ăn tích tụ .

- Nhổ răng khôn

- Điều trị nhiễm trùng: Nha sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh và kháng sinh thường được sử dụng là spiramycin kết hợp với metronidazole.

Việc điều trị phải đi kèm với việc tăng cường vệ sinh răng miệng: Chải răng và súc miệng băng nước muối nhiều lần trong ngày để ngăn ngừa bệnh tái phát hoặc tiến triển.

Phòng ngừa

- Khám răng định kì 6 tháng một lần để phát hiện sớm răng khôn mọc lệch và có biện pháp xử lý, đặc biệt phụ nữ trước tuổi sinh nở cần loại trừ răng khôn có nguy cơ gây viêm nhiễm.

- Chế độ ăn uống hợp lý, tránh các loại đồ ngọt, nước có ga, ….

- Vệ sinh răng miệng đúng cách.

- Chải răng đúng cách để tránh gây tổn thương cho nướu. Chải răng đúng cách như sau:

- Đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ với hàm, chải vòng tròn theo chiều dọc của răng, chải lần lượt theo từng nhóm gồm 2-3 chiếc răng, thực hiện liên tục đến khi đi hết bề ngoài của hàm.

Đưa bàn chải vào bề mặt bên trong của các răng, cách chải tương tự như mặt ngoài.

Đến vị trí các răng cửa phía trước, đặt bàn chải theo chiều dọc, ngửa đầu bàn chải và đưa vào mặt bên trong của hàm trên, thực hiện động tác lên – xuống để chải các răng cửa phía trên.

Thực hiện tương tự với các răng cửa phía dưới.

Đặt bề mặt lông bàn chải tiếp xúc với bề mặt nhai của các răng hai bên, chải từ trước ra sau.

Dùng lông bàn chải hoặc dụng cụ chải lưỡi để loại bỏ các mảng bám thức ăn trên bề mặt lưỡi.

Súc miệng lại bằng nước sạch 3 – 4 lần để đảm bảo làm trôi hết các vụn thức ăn, các mảng bám và kem đánh răng.

PGS.TS Nguyễn Phú Thắng

Trưởng Bộ môn Phẫu thuật trong miệng, Viện đào tạo Răng Hàm Mặt, Đại học Y Hà Nội


Ý kiến của bạn