Khoảng trống khó lấp đầy
Nghệ An là địa phương có số lượng học sinh ăn trú tại trường rất lớn. Nhân viên y tế học đường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh và nhân viên giáo dục tại các trường học.
Nhân viên y tế không chỉ theo dõi sức khỏe ban đầu của học sinh mà còn hỗ trợ việc xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, đảm bảo theo mùa và lứa tuổi, cũng như thực hiện công tác phòng bệnh trong trường học.
Ngoài ra, họ còn đảm nhận vai trò kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cho các bữa ăn bán trú hàng ngày.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường học ở Nghệ An, bộ phận này lại đang khuyết với nhiều lý do như không có biên chế, không có kinh phí để hợp đồng.
Tình trạng thiếu nhân lực y tế học đường đã gây ra nhiều khó khăn đáng lo ngại. Một là nhân viên y tế phải kiên thêm nhiều nhiệm vụ khác của văn phòng. Hai là, tại những trường không có nhân viên y tế, nhân viên văn phòng và nhân viên quản lý thiết bị phải đảm nhận các nhiệm vụ này mặc dù không có chuyên môn về y tế... dẫn đến việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh nhiều lúc chưa được đảm bảo.
Theo quy định hiện nay, nhân viên y tế học đường, ngoài lương được hưởng thêm phụ cấp đặc thù 20%/tháng. Với khoản trợ cấp ít ỏi, trong khi công việc lại nhiều nên số lượng nhân viên y tế gắn bó lâu dài với các trường học rất ít. Chỉ những người thực sự tâm huyết, yêu nghề mới bám trụ với công việc này.
Chị Nguyễn Thị Thuý, gắn bó với công tác y tế học đường tại Trường THPT Con Cuông (huyện Con Cuông) suốt 17 năm nay. Lương hiện tại của chị là 5,5 triệu đồng, cộng thêm khoảng hơn 1 triệu từ các khoản phụ cấp độc hại và làm thủ quỹ của trường.
Với mức lương 7,4 triệu sống ở vùng núi, chị chỉ đủ chi tiêu cho ăn uống hàng ngày và nuôi hai con đi học. Công việc của chị yêu cầu phải ở trường cả ngày, không có thời gian làm ngoài để kiếm thêm thu nhập, nên cuộc sống rất khó khăn.
"Ngày đó tốt nghiệp trường trung cấp y ở Thanh Hoá, về quê xin làm nhân viên y tế ở trường với mức lương chỉ hơn 900 nghìn đồng mỗi tháng. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe và y tế học đường tại Trường, tôi còn phải kiêm luôn vai trò đánh trống và văn thư. Trường học 2 ca, ngày làm không hết việc đến tối còn phải đến trường làm thêm.
Ngoài ra, còn phải hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm nhập hệ thống học sinh trên vnedu vì họ chưa quen sử dụng máy tính. Thời điểm đó thực sự khó khăn nên rất nhiều lần tôi định nghỉ việc.
Tuy nhiên, sau đó tôi quyết định tiếp tục ở lại trường. Một phần vì gắn bó với học sinh một phần vì bố mẹ động viên nhiều…" chị Thuý nói và cho biết, hiện tại, ngoài việc chăm sóc sức khoẻ và y tế học đường tại trường, chị kiêm luôn vai trò thủ quỹ.
"Chúng tôi đã gắn bó hơn chục năm nên chấp nhận mức đãi ngộ như thế để được hưởng bảo hiểm xã hội, lương hưu chứ với mức lương như thế không đủ để trang trải cuộc sống. Mình gắn bó là vì trách nhiệm với các em học sinh và lương tâm của người làm y. Mười mấy năm chăm sóc các cháu ốm đau, tôi chưa bị bất kỳ phụ huynh nào phản ánh" – chị Thuý cho hay.
Theo hiệu trưởng một trường THCS ở TP Vinh, đại dịch COVID-19 vừa qua mới thấy "khoảng trống" trong y tế trường học. Việc yêu cầu các trường phải có phòng cách ly và cung cấp chăm sóc ban đầu cho học sinh nghi ngờ nhiễm COVID-19 nhưng lại thiếu nhân viên y tế.
Rất quan trọng với trường bán trú, nội trú ở miền núi
Ở các trường học, đặc biệt là trường bán trú, nội trú ở vùng miền núi cao, việc phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh là vô cùng quan trọng. Nhân viên y tế phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ, từ xử lý các tình huống thương tích, tai nạn của học sinh, đến kiểm tra thực phẩm, lưu mẫu, và theo dõi sức khỏe, của học sinh.
Ngoài ra, họnhaan viên y tế học đường còn phải giám sát vệ sinh môi trường học đường, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bệnh học đường, và bạo lực học đường. Đồng thời, nhân viên y tế cũng phải theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ tự kỷ để có biện pháp xử lý phù hợp.
Với các huyện miền núi, việc học sinh từ lớp 1 phải ở nội trú tại trường để không phải đi học quá xa thì vai trò của nhân viên y tế đặc biệt quan trọng. Ông Kha Văn Thông, Phó hiệu trưởng Trường THCS Yên Tĩnh (huyện Tương Dương), chia sẻ: "Trường có 260 học sinh, toàn bộ là học sinh dân tộc Thái và hơn 50% trong số này phải ở nội trú tại trường. Vì các em xa gia đình, nên việc chăm sóc sức khỏe trở nên rất quan trọng, và trách nhiệm này do nhà trường đảm nhận. Tuy nhiên, hầu hết các trường, bao gồm cả trường của chúng tôi, đều không có nhân viên y tế. Nếu có sự cố xảy ra, thầy cô phải "ôm" trò chạy đến trạm y tế xã…".
Ông Thái Lương Thiện, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết, huyện có gần 19.000 học sinh học tại 56 trường từ mầm non đến THPT, nhưng hiện nay mới chỉ mới có 6 nhân viên y tế học đường. Lâu nay, các trường hoc trên địa bàn huyện Tương Dương có quy chế phối hợp với trạm y tế các địa phương mỗi khi xẩy ra sự cố.
"Chúng tôi mong muốn được bổ sung biên chế và có chính sách hấp dẫn để thu hút nhân viên y tế cho các trường học trên địa bàn. Đặc biệt, tại các huyện miền núi, có nhiều học sinh ở bán trú đến cuối tuần mới về hoặc là 2 tuần mới về nhà một lần, nên các hoạt động của học sinh chủ yếu diễn ra tại trường. Chính vì thế, đội ngũ y tế học đường rất cần thiết, đặc biệt là ở các trường bán trú…" - ông Thiện nhấn mạnh.
Trên thực tế, nhiều trường học ở các huyện miền núi của Nghệ An "trắng" nhân viên y tế do các địa phương chưa có chính sách tuyển dụng.
Tại Trường THCS Hồng Sơn ở TP Vinh, từ gần 1 năm nay, nhà trường hợp đồng một nhân viên y tế trường học. "Với mức lương hợp đồng 4,5 triệu đồng/tháng, số tiền này ở thành phố, không đủ để trang trải cuộc sống, nên hầu hết nhân viên y tế phải tìm kiếm thêm việc để làm thêm... lâu dài rồi sẽ phải tìm phương hướng cho mình.
Thực ra, ở trường nào cũng thế, ngay như trường mình, vẫn luôn cần nhân viên y tế học đường vì các cháu ốm đau rất nhiều. Trường hàng nghìn cháu nên không phải chỉ 1-2 cháu ốm, sốt.
Bởi rõ ràng, nếu như quyền lợi vật chất của người lao động không được đảm bảo thì cũng khó nói đến tình yêu nghề nghiệp hay trách nhiệm. Cho nên chúng tôi mong muốn có môi trường làm việc công bằng, từ sự đãi ngộ, đến chế độ, chính sách dành cho nhân viên y tế học đường", chị Lê Thị Thanh Hương - nhân viên y tế học đường chia sẻ.
Việc không đủ biên chế trong các nhà trường đôi khi buộc họ phải tuyển dụng thêm nhân viên y tế bằng hợp đồng. Tuy nhiên, điều này gây ra nhiều khó khăn do nguồn ngân sách hạn chế và đội ngũ nhân viên không ổn định.
Thực tế này không chỉ xảy ra tại Trường THCS Hồng Sơn mà còn phản ánh tình hình chung trên toàn tỉnh. Do đó, nhiều nhân viên y tế hợp đồng đã quyết định rời bỏ công việc để tìm kiếm cơ hội mới. Điều này làm cho việc tuyển dụng và ký hợp đồng với nhân viên y tế học đường trở nên khó khăn hơn.
Theo tổng hợp từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, tỉnh này hiện có hơn 1.500 trường học, nhưng chỉ có 640 trường có cán bộ y tế chuyên trách, trong khi 881 trường phải dùng cán bộ kiêm nhiệm.
Trong số này, chỉ có 1.395 trường có phòng y tế, còn lại phải dùng chung với các bộ phận khác. Tuy nhiên, các trường chưa có đủ kinh phí, máy móc và thiết bị hiện đại để phục vụ việc khám sức khỏe cho học sinh.