Thực hiện Thông tư liên tịch số 13 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2016 quy định hướng dẫn công tác y tế trong trường học, hiện mỗi địa phương đã có cách triển khai khác nhau. Qua đó, cho thấy hoạt động y tế học đường còn quá nhiều bất cập, đặc biệt về nhân lực y tế trong trường hay chứng chỉ hành nghề.
Không có y tế, văn thư hoặc giáo viên phải kiêm nhiệm
Từ cuối năm 2018, hầu hết các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn tinh Quảng Ninh đã rơi vào tình trạng trống y tế học đường. Theo đó, các trường buộc phải bù lấp khoảng trống bằng cắt cử giáo viên trống tiết hay nhân viên thư viện, thủ quỹ… ra trực y tế dù họ không có chuyên môn về lĩnh vực này.
Tại trường THCS Chu Văn An, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh, từ ngày thành lập đến nay, chưa có nhân viên y tế dù cơ sở, trang thiết bị y tế được lắp đặt hiện đại, quy củ hiếm có. Mọi rủi ro trong học đường không ai dám nói trước nên nhà trường đã phân công văn thư của trường kiêm nhiệm thêm công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, phối hợp tích cực với trạm y tế để xử lý kịp thời các tình huống tai nạn thương tích, sơ cấp cứu ban đầu… cho học sinh.
Nhân viên văn thư Dương Thị Oanh, hiện đang kiêm nhiệm công việc y tế của Trường THCS Chu Văn An cho biết: "Vì phải kiêm nhiệm thêm công việc y tế trường học nên hàng ngày tôi phải đến trường rất sớm để rà soát công tác vệ sinh trường, lớp trước khi vào công việc chính của mình. Không chỉ xây dựng kế hoạch tuyên truyền phòng chống dịch bệnh theo mùa, người làm y tế trong trường học còn phải mở sổ theo dõi sức khỏe, kết nối với TTYT thành phố hoặc Trạm Y tế để xử lý cấp cứu khi học sinh bị tai nạn, thương tích. Học sinh xuống phòng y tế có nhiều lý do khác như đau đầu, đau bụng… đặc biệt là đối với học sinh nữ còn có thêm tâm sinh lý tuổi dậy thì, rối loạn cảm xúc... cũng cần được tư vấn, động viên và chăm sóc. Hơn nữa, trường cách Trạm y tế hơn 2 km, phải đi qua quốc lộ nên sự phối kết hợp cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện phòng y tế của trường được trang bị một số thuốc theo hướng dẫn của Trạm y tế phường nhưng bản thân không có chuyên môn nên mỗi khi sử dụng phải xin ý kiến và hướng dẫn của Trạm mới dám thực hiện.
Cùng cảnh không có nhân viên y tế, Trường THCS Đoàn Kết (huyện Vân Đồn) vài năm trở về đây cũng phải xoay sở đưa nhân viên văn thư ra kiêm nhiệm công việc này. Những lúc nhân viên văn thư bận hoặc nghỉ ốm, nhà trường lại tìm giáo viên trống tiết ra trực thay. Nhưng vì không có chuyên môn nên có những giáo viên khi thấy học sinh bị thương tích, máu chảy là xây xẩm mặt mày, suýt ngất. Việc sơ cứu hay xử lý sự cố những tình huống như vậy rất khó cho những người kiêm nhiệm.
Không thể thiếu nhân viên y tế học đường
Tại trường Mầm non Cẩm Sơn (Cẩm Phả, Quảng Ninh), mỗi ngày nhân viên y tế Lê Ngọc Anh Thư phải tới trường từ 6h30 để bắt đầu công việc của mình. Việc đầu tiên Thư phải làm là kiểm tra công tác vệ sinh khuôn viên trường, lớp học và bếp ăn bán trú. Tiếp đến, 7h30 chị phải trực kiểm tra, ký tiếp nhận nguồn thực phẩm chuyển tới để bàn giao nhà bếp sản xuất bữa ăn cho học sinh. Chưa hết, chị Thư còn phải thực hiện lưu mẫu phẩm thức ăn trong ngày của trẻ; về phòng mở sổ theo dõi sức khỏe học sinh, xây dựng kế hoạch kiểm tra nguồn thực phẩm bếp ăn; thường xuyên kết nối với TTYT hoặc Trạm Y tế để xây dựng kế hoạch tuyên truyền phòng chống dịch bệnh theo mùa; xử lý sơ cứu tại chỗ khi trẻ đau bụng, sốt, thương tích…
Chị Kiều Oanh – nhân viên y tế trường Tiểu học Cẩm Thủy (Cẩm Phả) thừa nhận công việc tuy không nặng nhọc nhưng khá áp lực vì phải xử lý nhiều tình huống. Hàng ngày phải đến sớm để kiểm tra vệ sinh trường học, theo dõi sức khỏe học sinh, với những trường hợp nhẹ như đau bụng, sốt nhẹ thì phải tự xử lý với những trường hợp nặng phải liên hệ với trạm y tế để có hướng xử lý kịp thời. Ngoài ra phải tham mưu với ban giám hiệu trường triển khai kế hoạch tuyên truyền dịch bệnh theo mùa…đồng thời phải thực hiện sổ sách theo dõi sức khỏe của từng học sinh…
Chia sẻ về hoạt động y tế học đường của nhà trường, cô giáo Vũ Thị Cẩm Bình – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Cẩm Thủy cho biết: "Lứa tuổi học sinh tiểu học rất hiếu động, lại không lường trước tính nguy hiểm trong mỗi trò đùa nên rất dễ gây thương tích, xây xát cho bản thân và các bạn. Nếu nhẹ thì y tế nhà trường sẽ xử lý tại chỗ; nặng và phức tạp hơn thì sơ cứu ban đầu rồi chủ động đưa học sinh tới bệnh viện. Đây là công việc đặc thù đòi hỏi phải có chuyên môn nên nếu không có kiến thức về lĩnh vực này có khi làm tình trạng bệnh phức tạp hơn. Do đó, khi có nhân viên chuyên trách y tế, họ sẽ xử lý sự cố về sức khỏe tốt hơn nguời không có chuyên môn, phán đoán tình trạng bệnh tốt hơn, biết cách xử lý thuần thục hơn".
Không dễ tuyển được nhân viên y tế học đường
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số trường Tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, để tuyển được nhân viên y tế trường học không dễ dàng chút nào. Theo Thông tư liên tịch, nhân viên y tế học đường phải có trình độ Trung cấp y sĩ đa khoa trong khi nhiều trường, nhân viên y tế là điều dưỡng, dược sĩ, hộ lý…
Chị Vũ Thị Ninh Hà – Nhân viên y tế Trường tiểu học Hà Lầm chia sẻ: "Tôi làm việc tại trường đã được hơn chục năm. Trình độ của tôi là điều dưỡng. Thời điểm đó, Thông tư liên tịch số 13 chưa ra đời nên dù là điều dưỡng hay nữ hộ sinh, dược sĩ… đều được ứng tuyển, tuyển dụng vào làm nhân viên y tế trong nhà trường. Tuy nhiên, từ năm 2016, theo quy định mới, nhân viên y tế trong trường học yêu cầu phải là tốt nghiệp y sĩ đa khoa dẫn đến nhiều trường mất y tế học đường. Cũng may, Trường Hà Lầm vẫn còn giữ được nhân viên y tế nên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh và sơ cứu tại chỗ được đảm bảo hơn trường cùng cấp khác".
Theo chị Ninh Hà, để có thể tiếp tục công việc, chị cần học chuyển đổi ngành chuyên môn sang y sĩ hoặc học nâng cao nhưng cũng khó sắp xếp được thời gian đi học, rồi mức thu nhập của y tế trường học cũng là một rào cản khiến chị lừng chừng, đắn đo trong việc đầu tư đi học chuyển đổi.
Liên quan hoạt động y tế học đường, đặc biệt với bậc Tiểu học, thầy giáo Vũ Hoàng Luân - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Lầm (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, cần phải có nhân viên y tế trong trường học để hỗ trợ kịp thời các trường hợp học sinh bị bệnh hoặc tai nạn trong trường học trước khi chuyển đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh.
Đánh giá về công tác y tế trong trường học trên địa bàn TP Cẩm Phả, bà Lê Thị Lan - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Cẩm Phả thẳng thắn nói: "Trên địa bàn thành phố Cẩm Phả có 53 trường công lập với 3 bậc học Mầm non, Tiểu học, THCS; riêng cấp học mầm non 100% có nhân viên y tế chuyên trách định biên, còn lại các trường Tiểu học hay THCS gần như không có nhân viên y tế. Để đáp ứng tình hình thực tế, nhiều trường buộc cắt cử giáo viên trực hoặc văn thư kiêm nhiệm công việc này. Dù vậy, các trường này vẫn có hợp đồng liên kết hỗ trợ với trạm y tế về chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
Nhìn chung, sau thời gian lúng túng vì thiếu nhân viên y tế, đến nay cơ bản các trường cũng đã dần khắc phục được. Tuy nhiên, về lâu dài, các trường vẫn cần có nhân viên y tế chuyên trách. Trước đây ngành giáo dục cũng đã xin tuyển viên chức y tế cho giáo dục nhưng nguồn tuyển rất khó do quy định phải là trung cấp y sĩ đa khoa".
Mời quý vị xem thêm video một phần hoạt động của nhân viên y tế trong trường:
Một phần công việc trong ngày của nhân viên y tế học đường ở Quảng Ninh.