Xử trí và điều trị mang thai tại vết mổ đẻ cũ

13-08-2024 11:33 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Chửa ở vết mổ hay mang thai tại vết mổ đẻ cũ nếu không được xử trí sớm có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như sẩy thai khó cầm máu, vỡ tử cung nguy hiểm đến tính mạng. Phương pháp xử trí phụ thuộc kích thước khối thai, mức độ chèn ép tử cung.

Cách xử trí khi mang thai tại vết mổ đẻ

Mang thai tại vết mổ đẻ cũ càng để lâu, kích thước bào thai càng lớn càng nguy hiểm. Tình trạng này sẽ gây ra chèn ép bàng quang làm tổn thương bàng quang. Đặc biệt, khi khối thai chèn ép lên thành tử cung có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như sẩy thai, băng huyết, vỡ tử cung, nguy hiểm đến tính mạng thai phụ.

Do đó, khi có chẩn đoán chửa tại vết mổ cũ thì cần được phẫu thuật loại bỏ khối thai ngay. Mục đích của việc xử trí sớm là phẫu thuật sớm nhất có thể trước khi tử cung bị vỡ và bảo tồn khả năng sinh sản cho người mẹ sau này.

Để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ căn cứ vào tuổi thai, kích thước túi thai, tình trạng huyết động học và mong muốn bảo tồn chức năng sinh sản của bệnh nhân mà đưa ra phương pháp điều trị. Việc điều trị có thể cần phối hợp nhiều phương thức tùy theo tình trạng bệnh nhân cụ thể.

Xử trí và điều trị mang thai tại vết mổ đẻ cũ- Ảnh 1.

Khi mang thai cần kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu không an toàn.

Các biện pháp điều trị mang thai ở vết mổ đẻ cũ

Hủy thai trong túi ối: Được chỉ định đối với trường hợp đã có hoạt động tim thai. Đây là phương pháp hút túi thai được thực hiện tại phòng mổ dưới sự hướng dẫn của siêu âm. Thủ thuật này được thực hiện qua cổ tử cung, âm đạo.

Thủ thuật lấy khối nhau thai: Có thể lựa chọn 1 trong 2 phương thức cổ điển của lấy khối nhau thai là nong nạo và phẫu thuật.

- Nong và nạo: Có thể tiến hành hút lấy khối nhau thai khi chỉ số β-hCG giảm nhiều (còn 10 - 30% so với ban đầu). Nhược điểm của phương pháp này là có nguy cơ xuất huyết cao. Do đó nong, nạo thường kết hợp với những phương thức cơ học khác như thắt động mạch tử cung trước, chèn bóng sau nạo để giảm nguy cơ xuất huyết.

- Phẫu thuật: Phẫu thuật lấy khối nhau thai được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng điều trị nội khoa hoặc khi khối nhau thai xâm lấn nhiều.

Mục đích của phương pháp điều trị này nhằm lấy khối thai đồng thời bảo tồn tử cung. Đối với trường hợp không thể bảo tồn được thì phẫu thuật cắt tử cung.

Phương pháp này mang lại lợi ích là lấy hết mô nhau thai đồng thời sửa chữa khiếm khuyết của sẹo mổ cũ, ngăn ngừa tái phát chửa tại vết mổ đẻ cũ.

Nhược điểm của phương pháp này là đường mổ dài, thời gian hậu phẫu lâu và có thể tăng nguy cơ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược sau này.

Chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tử cung ngay từ đầu được áp dụng trong các trường hợp:

  • Xuất huyết không cầm được.
  • Thai ở tam cá nguyệt 2 hoặc 3.
  • Tránh phải truyền máu hoặc rơi vào tình huống khẩn cấp ở những phụ nữ không còn nhu cầu sinh đẻ.

Chèn bóng ống cổ tử cung: Thủ thuật này được tiến hành nhằm cầm máu sau khi hút thai. Người thực hiện thủ thuật sẽ sử dụng ống thông foley đặt nhẹ nhàng vào cổ tử cung. Sau đó bơm căng bóng bằng 30ml nước muối sinh lý chèn tại chỗ trong 12 giờ.

Hóa trị toàn thân: Phương pháp này có thể được chỉ định điều trị đầu tiên hoặc điều trị hỗ trợ, nhằm giảm sự phân bố mạch máu ở khối thai, tiêu hủy tế bào nhau. Trước khi tiến hành điều trị hóa trị toàn thân, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm huyết đồ, chức năng gan thận.

Thuốc được sử dụng là methotrexat tiêm bắp.

Xử trí và điều trị mang thai tại vết mổ đẻ cũ- Ảnh 3.

Siêu âm định kỳ kiểm tra thai nhi.

Gây tắc mạch máu nuôi: Là phương pháp điều trị phối hợp chuẩn bị cho thủ thuật, phẫu thuật hoặc kết hợp hóa trị. Phương pháp này nhằm ngăn chặn chảy máu trong quá trình phẫu thuật hoặc giúp hóa trị đạt hiệu quả cao hơn. Các phương pháp được dùng:

  • Thắt động mạch tử cung ngả âm đạo.
  • Thắt động mạch chậu trong.
  • Tắc mạch cổ tử cung, tử cung, hoặc động mạch chậu trong.

Lưu ý sau điều trị

Sau phẫu thuật, tử cung còn yếu nên không nên mang thai lại quá sớm. Người bệnh cần được nghỉ ngơi thoải mái. Sau khi xuất viện, người bệnh vẫn cần được nghỉ ngơi đồng thời đi khám bệnh định kỳ theo lời dặn của bác sĩ.

Nếu muốn tiếp tục mang thai, cần tránh thai trong vòng 3 năm sau phẫu thuật. Không sử dụng biện pháp đặt vòng tránh thai. Trước khi mang thai cần khám tiền thai sản. Trong thời gian mang thai cần thăm khám thai sản thường xuyên nhằm đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.

Người bệnh cần đi khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng sốt, đau bụng dữ dội và ra máu âm đạo nhiều.

Mời độc giả xem thêm video:

Những vấn đề về da có thể gặp phải khi mang thai | SKĐS


BS.Bạch Thị Cúc
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn