BS. Lê Mạnh Quý - Khoa Phụ nội tiết, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân là L.T.H (27 tuổi, trú tại Tân Kỳ, Nghệ An), mang thai 8 tuần trong tình trạng có dấu hiệu sẩy thai, máu bắt đầu chảy nhiều từ khi nhập viện.
Qua khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân từng 2 lần mổ đẻ, lần này mang thai tuy thai ở trong tử cung nhưng lại "làm tổ" tại vết mổ cũ, nên rất nguy hiểm.
Rất nhanh chóng, các y bác sĩ trong khoa đã hội chẩn và quyết định mổ cấp cứu lấy khối thai cầm máu, bảo tồn tử cung cho bệnh nhân. Quá trình phẫu thuật phát hiện khối chửa phình to, sắp vỡ chảy máu vào ổ bụng.
Do bệnh nhân còn trẻ tuổi, vẫn còn nguyện vọng sinh con nên kíp phẫu thuật đã tiến hành các kỹ thuật cao trong phẫu thuật sản phụ khoa như: Thắt động mạch tử cung, thắt động mạch hạ vị... để bảo tồn tử cung cho bệnh nhân.
Sau 7 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định và được ra viện với toàn trạng khỏe mạnh.
Thai tại vết mổ được liệt kê vào danh sách biến chứng sản khoa nguy hiểm. Tỷ lệ có thể gặp là 0,05% ở phụ nữ mang thai (cứ 2.000 phụ nữ mang thai lại có 1 người mắc). Thai "làm tổ" tại vết mổ sẽ không thể phát triển thành em bé khỏe mạnh. Ngày nay, do mổ lấy thai càng nhiều nên tỷ lệ thai tại vết mổ càng tăng.
Thai tại vết mổ rất nguy hiểm vì có thể gây sẩy thai băng huyết, nguy hiểm đến tính mạng mẹ. Ngoài ra rất nhiều trường hợp phải cắt tử cung, điều này đồng nghĩa với việc người phụ nữ sẽ không thể mang thai được nữa.
BS. Lê Mạnh Quý nói: "Nguy hiểm của thai tại vết mổ nằm ở việc siêu âm có thể thấy thai “dường như” nằm trong buồng tử cung, nhưng thực chất bánh rau và các mạch máu nuôi thai lại bám và ăn sâu vào sẹo mổ cũ của tử cung, đây là vị trí rất mỏng và yếu.
Nếu không thăm khám kỹ có thể nhầm lẫn đó là một thai bình thường. Do làm tổ tại vị trí bất thường, thai dễ bị sẩy, kèm theo đó chảy máu ồ ạt khó cầm bằng các biện pháp thông thường. Một số trường hợp hi hữu thai phát triển to lên, gây vỡ tử cung. Lúc này tính mạng người mẹ bị đe dọa nghiêm trọng".
Tại Khoa Phụ nội tiết, Bệnh viện Sản Nhi nghệ An hàng năm tiếp nhận rất nhiều trường hợp thai làm tổ tại vết mổ. Trường hợp phát hiện sớm, có thể sử dụng các biện pháp ít can thiệp như dùng thuốc, đặt bóng và hút thai dưới hướng dẫn siêu âm. Trường hợp phát hiện muộn, việc phẫu thuật được đặt ra với mục tiêu chính là đảm bảo tính mạng và giữ lại tử cung cho thai phụ.
"Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là với những người đã từng sinh mổ khi có thai cần đi siêu âm sớm để xác định chính xác vị trí làm tổ của thai ở đâu. Nếu thai làm tổ ở vị trí ống cổ tử cung hoặc trên vết mổ cũ thì cần phải đình chỉ thai sớm vì thai càng lớn càng gây nứt vỡ vết mổ đe dọa tính mạng của thai phụ.
Thủ thuật bỏ thai trong những trường hợp này cũng đòi hỏi người thực hiện phải vững chuyên môn, do đó nên thực hiện tại các bệnh viện chuyên khoa để tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra" - BS. Lê Mạnh Quý khuyến cáo.