"Khi việc vận động, tuyên truyền không hiệu quả, các y bác sĩ buộc phải đến tận nhà. Dù bản làng nằm giáp biên, đường sá cheo leo, trắc trở, họ vẫn quyết không để sót bất kỳ trẻ nào chưa được tiêm vaccine phòng sởi giữa lúc dịch bệnh đang lan rộng".
Đó là tâm sự của BSCKI Vi Văn Khương, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) khi được hỏi đến việc tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ ở địa bàn vùng biên.
Nỗ lực tiêm vaccine sởi cho trẻ vùng biên viễn
Cầm chiếc điện thoại kiểm tra tình hình dịch sởi, bác sĩ Khương nói: “Hôm nay lại ghi nhận thêm 29 ca sốt phát ban nghi sởi. Xã vùng biên Na Ngoi có 7 ca, Nậm Càn 6 ca, Mường Típ 3 ca... Tính từ đầu năm đến nay, huyện Kỳ Sơn đã ghi nhận 724 ca mắc. Riêng xã Na Ngoi vẫn là địa bàn có số ca cao nhất với 123 trường hợp.”
Đường vào bản Nậm Khiên (xã Nậm Càn, huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An) lầy lội, trơn trượt sau mưa, nhưng các cán bộ y tế vẫn không quản ngại khó khăn, băng rừng vượt suối để mang vaccine đến tiêm cho trẻ.
Theo bác sĩ Khương, cái khó đầu tiên là người dân chưa hiểu rõ tác dụng của vaccine. Họ lo sợ việc tiêm phòng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. “Dù chúng tôi đã tuyên truyền, vận động, đưa ra những ví dụ cụ thể về lợi ích của vaccine, nhưng nhiều người chỉ nghe rồi để đó. Có trường hợp lúc tuyên truyền thì gật đầu, nhưng đến ngày tiêm lại không cho con đi tiêm” – bác sĩ Khương chia sẻ.
Khó khăn tiếp theo là nhiều trẻ được ông bà chăm sóc vì bố mẹ đi làm ăn xa. “Tuyên truyền với bố mẹ đã khó, nói chuyện với ông bà lại càng khó hơn. Có những người nhất quyết không cho trẻ tiêm” – bác sĩ Khương nói.
Ngoài ra, tình trạng di biến động dân cư cũng khiến việc tiêm chủng gặp nhiều trở ngại. Nhiều gia đình sau sinh con liền đưa nhau vào Nam làm ăn, đến khi trẻ đến tuổi đi học mới gửi về quê. Điều này khiến y bác sĩ địa phương không kiểm soát được lịch sử tiêm chủng của trẻ, gây khó khăn trong công tác theo dõi và bổ sung vaccine.



Y bác sĩ, cán bộ quân y cùng chính quyền địa phương đến tận nhà dân khám, tuyên truyền vận động cho trẻ đi tiêm vaccine sởi.
Bác sĩ CKI Vi Văn Khương nhấn mạnh, dù còn nhiều khó khăn, nhưng các y bác sĩ luôn linh hoạt áp dụng nhiều cách để người dân vùng biên hiểu rõ tác dụng của vaccine cũng như lợi ích của tiêm chủng.
Cụ thể, đội ngũ y bác sĩ, quân y, cán bộ y tế thôn bản phối hợp cùng chính quyền địa phương lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp dân. Trường hợp người dân chưa hiểu rõ, sau đó sẽ được tiếp cận thêm qua những buổi “phụ đạo” riêng.
Những buổi “phụ đạo” này, y tế thôn bản, cán bộ quân y cùng giáo viên sẽ đến tận nhà dân để trao đổi trực tiếp. Cái khó là phải nắm được thông tin bố mẹ trẻ có ở nhà hay không. Khi biết bố mẹ vừa từ rẫy trên núi cao trở về, y bác sĩ bất kể ngày đêm cũng tìm đến tận nơi để gặp gỡ, giải thích và vận động tiêm phòng cho trẻ.
“Tuyên truyền mềm dẻo không được thì buộc Ban chăm sóc sức khỏe ban đầu của xã phải áp dụng biện pháp răn đe,” bác sĩ Khương chia sẻ. Cụ thể, nếu gia đình kiên quyết từ chối tiêm vaccine cho con, sẽ phải ký vào biên bản cam kết – trường hợp xảy ra sự cố, gia đình hoàn toàn chịu trách nhiệm.
“Nói là răn đe, nhưng cán bộ y tế vẫn luôn nỗ lực hết sức để người dân hiểu rằng việc tiêm vaccine là vì sức khỏe của chính trẻ em và của cả cộng đồng vùng biên viễn còn nhiều khó khăn,” bác sĩ Khương nhấn mạnh.
Thiếu tá Lê Khắc Hải, nhân viên quân y Đồn biên phòng Na Ngoi hướng dẫn học sinh trước khi tiêm vaccine sởi.
Nói thêm về công tác tuyên truyền, vận động tiêm vaccine, Thiếu tá Lê Khắc Hải – nhân viên quân y Đồn Biên phòng Na Ngoi, hiện đang tăng cường cho Trạm Y tế xã Na Ngoi – cho biết, chúng tôi phải thường xuyên đi lại, liên tục bám địa bàn để tuyên truyền, vận động và trực tiếp tiêm vaccine cho trẻ em. Ngoài vaccine sởi, chúng tôi còn lồng ghép tuyên truyền pháp luật, vận động xóa bỏ tảo hôn nhằm nâng cao nhận thức và chăm sóc sức khỏe cho người dân ở vùng biên đầy khó khăn này.
Không chỉ ở xã vùng biên Na Ngoi, bản Phá Lỏm thuộc xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) cũng đang là một “điểm nóng” về dịch sởi. Dịch bùng phát tại đây chủ yếu do tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine rất thấp – chỉ đạt gần 50%.
Nguyên nhân xuất phát từ trình độ dân trí còn hạn chế, nhận thức về chăm sóc sức khỏe chưa đầy đủ. Đời sống người dân khó khăn, phần lớn thời gian dành cho nương rẫy nên việc chăm sóc con trẻ bị xem nhẹ. Trong khi đó, công tác tuyên truyền của đội ngũ y tế lại gặp nhiều trở ngại – từ điều kiện đi lại đến rào cản ngôn ngữ.


Tiêm vaccine sởi cho trẻ Trường PTDT bán trú THCS Na Ngoi 2, xã Na Ngoi – biên giới của huyện Kỳ Sơn.
Trước tình hình dịch sởi diễn biến phức tạp, BSCKI Vi Xuân Chiến – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương – cho biết, đơn vị đang phối hợp với lực lượng quân y tăng cường xuống các bản làng xa xôi để tuyên truyền, tư vấn phòng chống dịch sởi cũng như hướng dẫn chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ.
Bên cạnh đó, các trạm dã chiến được thiết lập tại những địa bàn heo hút, giúp hỗ trợ, điều trị kịp thời cho trẻ em mắc bệnh. Công tác vận động tiêm chủng cũng được triển khai quyết liệt với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, kết hợp phát nhu yếu phẩm nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ nhỏ.
Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Hợp đút cháo cho bệnh nhân đang được điều trị tại khu cách ly ở nhà văn hóa bản.
“Với đặc thù người dân tộc thiểu số thường e ngại tiêm vaccine, chúng tôi luôn cố gắng lựa chọn cách tiếp cận phù hợp, nhẹ nhàng, gần gũi để họ hiểu được lợi ích của việc tiêm phòng và bổ sung dinh dưỡng cho trẻ. Nếu chủ quan, để dịch sởi bùng phát ở các bản làng vùng biên, hậu quả sẽ rất nguy hiểm”, BS Chiến nhấn mạnh.
Nhiều huyện miền núi tiêm vaccine sởi đạt trên 99%
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An thông tin, toàn tỉnh đã có hơn 79.000/82.000 trẻ được tiêm vaccine phòng sởi đạt 95,7%. Đặc biệt, nhiều huyện miền núi có tỷ lệ tiêm cao, đạt trên 99% gồm: Quế Phong 99,6%; Nghĩa Đàn 99,5%, Anh Sơn 99,4%.
Cán bộ y tế huyện Tương Dương đi từng bản, từng nhà tuyên truyền người dân tiêm vaccine cho trẻ.
Ngoài ra, 15 huyện, thị đạt trên 95% gồm: Quỳ Hợp 98,5%; Thanh Chương 98,3%; Thái Hòa 98,1%; Tương Dương 98,1%; Tân Kỳ 97,9%; Kỳ Sơn 97,7%; Con Cuông 97,6%... Có 3 đơn vị đạt dưới 95% gồm: TP Vinh 84,8%; Hưng Nguyên 93,2%; Quỳnh Lưu 94,9%.
TS.BS Chu Trọng Trang, Giám đốc CDC Nghệ An cho biết, dù tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi nhiều địa phương rất tốt tuy nhiên do kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng chống bệnh sởi diễn ra trong thời gian ngắn, độ tuổi rà soát rộng khiến cho việc các Trung tâm y tế hướng dẫn công tác rà soát cho tuyến xã chưa được sát sao, vẫn còn sót các đối tượng chưa được rà soát.
"Chúng tôi liên tục chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để thực hiện tiêm bù mũi các nhóm đối tượng trong chiến dịch, cụ thể: Đối với các trẻ (từ 1-5 tuổi) chưa được tiêm trong chiến dịch tiếp tục rà soát, tiêm bù đảm bảo không để sót đối tượng, mũi tiêm. Thời gian thực hiện ngay trong tháng 4/2025" – Giám đốc CDC Nghệ An nhấn mạnh.
Ngoài ra, tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ các điểm tiêm chủng trên địa bàn quản lý; định kỳ tổ chức rà soát, quản lý đối tượng, tỷ lệ tiêm chủng của các đơn vị và đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Thực hiện tiêm vaccine Sởi, Sởi-Rubella cho trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi ở xã Tam Hợp .
Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức đa dạng, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu về vaccine phòng bệnh. Đồng thời, chú trọng việc vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine bằng tiếng phổ thông, tiếng địa phương. Có giải pháp cụ thể vận động những người dân có tâm lý lo ngại về phản ứng sau tiêm chủng trong thời gian gần đây không đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ.
Gắp 12 dị vật mắc trong hốc mũi bé trai 3 tuổi - SKĐS