Tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine, tăng cường phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi

01-04-2025 10:23 | Y tế

SKĐS - Dù lực lượng y tế đã nỗ lực 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng' trong chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi, nhưng do nhiều yếu tố khó khăn nên theo thống kê, tính đến ngày 31/3, toàn quốc ghi nhận đã tiêm được 682 nghìn mũi... Cần tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine, tăng cường phân luồng, thu dung, điều trị...

Đã tiêm gần 682 nghìn mũi tiêm vaccine phòng bệnh sởi trong chiến dịch tiêm tại 54 tỉnh, thành

Chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi được triển khai thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố có nguy cơ. Đối tượng tiêm là các trẻ trong độ tuổi từ 6-9 tháng tuổi; từ 1-5 tuổi và từ 6-10 tuổi.

Theo đó, Bộ Y tế nêu rõ, trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi sẽ được tiêm 01 mũi vaccine phòng sởi; Trẻ từ 6-10 tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi, mỗi trẻ sẽ được tiêm 01 mũi vaccine chứa thành phần sởi; Trẻ từ 1-5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi thì được tiêm bù mũi (sử dụng vaccine chứa thành phần sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng theo Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2025).

Tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine, tăng cường phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan kiểm tra công tác tiêm vaccine phòng sởi tại Trạm Y tế xã Hiệp Hòa - Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Cùng đó, Bộ Y tế đã kịp thời huy động, tiếp nhận thêm 500.000 liều vaccine phòng bệnh sởi do Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) tài trợ vào ngày 18/3/2025, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiếp nhận, phân bổ toàn bộ số vaccine này cho các địa phương trên cả nước. Đồng thời, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã phân bổ vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm chủng bù mũi cho trẻ từ 1-5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai và bảo đảm kết thúc việc tiêm chủng chậm nhất trong ngày 31/3/2025. Như vậy, Bộ Y tế đã chủ động bố trí đủ, kịp thời vaccine phòng sởi tới các địa phương trên toàn quốc và trong ngày 19/3/2025, Bộ Y tế đã có Công văn số 1572/BYT-PB đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đảm bảo kinh phí khai tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi tại địa phương, đồng thời ban hành Quyết định số 915/QĐ-BYT ngày 19/3/2025 thành lập 6 Đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi trên toàn quốc.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và lãnh đạo các đơn vị liên quan khác đã đi kiểm tra thực tế, đôn đốc công tác tiêm vaccine phòng bệnh sởi của chiến dịch, cũng như công tác thu dung, điều trị bệnh nhân sởi tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng...

Triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Y tế, các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện thống kê, rà soát, 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng', đa dạng hóa truyền thông để người dân đưa con, em đến điểm tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình triển khai chiến dịch đã có những khó khăn đó là vẫn có tình trạng dù cán bộ y tế, cán bộ khu dân cư đã mời nhiều lần nhưng vì nhiều lý do có gia đình vẫn không đưa con, em đến tiêm theo trào lưu "anti-vaccine"; hoặc nhiều trẻ đến điểm tiêm nhưng không đảm bảo điều kiện để tiêm chủng... khiến tỉ lệ tiêm chủng chưa đạt mức cao.

Tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine, tăng cường phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi- Ảnh 2.

Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ tại Trạm Y tế xã Lê Lợi, Quận An Dương, TP Hải Phòng.

Tính đến ngày 31/3, toàn quốc ghi nhận có gần 682 nghìn mũi tiêm vaccine phòng dịch sởi được thực hiện, trong đó: khu vực miền Bắc thực hiện được hơn 390.200 mũi; khu vực Miền Trung thực hiện được gần 149.500 mũi; khu vực Tây Nguyên thực hiện được hơn 66.200 mũi; khu vực miền Nam thực hiện được hơn 76.000 mũi.

Các tỉnh, thành phố đăng ký kết thúc chiến dịch vào ngày 31/3/25, tuy nhiên nhiều tỉnh đang tổng hợp số liệu và dự kiến còn triển khai tiêm vét trong đầu tháng 4/2025.

Tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine, tăng cường phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, sởi là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm và rất dễ lây lan, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm phòng.

Trên thực tế, số trẻ mắc sởi thời gian qua cho thấy phần lớn là trẻ chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi theo khuyến cáo. Ví như, theo báo cáo của CDC Tp Đà Nẵng, trong 3 tháng đầu năm 2025, toàn thành phố ghi nhận 3.074 ca nhiễm sởi, trong đó 55,95% các ca là trẻ đi học, 21,57% là trẻ ở nhà và người lớn chiếm 14,77%. Độ tuổi trên 11 tuổi chiếm 32,82%, trẻ 0-9 tháng tuổi chiếm 6,25%.

Trong số các các mắc sởi có 25,73% ca mắc đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine; 6,21% trường hợp chưa đến tuổi tiêm; 14,2% trường hợp không nhớ tiền sử tiêm chủng và 54,3% trường hợp chưa tiêm vaccine.

Hay tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) trong 3 tháng đầu năm ghi nhận 1.520 ca sởi nhập viện. Trong đó, có 473 ca bệnh của TPHCM và 1.047 ca bệnh tới từ các tỉnh lân cận. Có tới 40% ca bệnh dưới 9 tháng tuổi và 83% bệnh nhân nặng chưa tiêm đầy đủ vaccine.

Báo cáo của UBND TP Hải Phòng tại buổi làm việc với Bộ trưởng Đào Hồng Lan mới đây cho biết, từ đầu năm 2025 đến ngày 24/3, địa phương ghi nhận 382 ca sốt phát ban nghi sởi, tại 14/15 quận, huyện, thành phố (trừ huyện Bạch Long Vỹ); trong đó, trên 60% các trường hợp mắc chưa tiêm vaccine sởi.

Tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine, tăng cường phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ninh, tính đến ngày 26/3/2025, toàn tỉnh đã ghi nhận 232 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 195 ca được xác định dương tính với sởi (chiếm 84,1% tổng số ca giám sát). Tuy nhiên tất cả đều được kiểm soát, không có trường hợp tử vong. Đáng chú ý, 75% số ca mắc là trẻ dưới 5 tuổi, trong đó có trên 70% số ca chưa tiêm vaccine, trên 12% không rõ lịch sử tiêm, trên 16% tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng sởi.

Liên quan đến dịch bệnh sởi, hiện cả nước đã ghi nhận hơn 52.000 ca mắc. Trước đó, Bộ Y tế dự báo dịch sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng, sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước, đặc biệt ở một số tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn, những tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi thấp.

Do đó, Bộ Y tế đã luôn nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine sởi nhằm mục đích phòng tránh bệnh sởi và các biến chứng gây hậu quả nghiêm trọng của bệnh.

Cùng đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức phân luồng, bố trí khu khám riêng cho người nghi mắc sởi và người mắc bệnh sởi. Đồng thời, thực hiện các biện pháp truyền thông đa dạng (như qua loa phát thanh, poster, tờ rơi, website, fanpage..., hướng dẫn trực tiếp) để người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, học viên, sinh viên hiểu rõ về bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, hiệu quả của tiêm vaccine phòng ngừa sởi.

Tổ chức hướng dẫn, khuyến cáo người nhà người bệnh, người nghi mắc sởi, người bệnh sởi áp dụng các biện pháp giảm lây lan bệnh như đeo khẩu trang, che miệng khi hắt hơi…

10 thông điệp phòng chống bệnh sởi của Bộ Y tế

1. Bệnh sởi lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm và dễ gây thành dịch.

2. Khi trẻ mắc bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi cần cách ly trẻ để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.

3. Bệnh sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em do các biến chứng viêm phổi, viêm não, tiêu chảy nặng và suy dinh dưỡng.

4. Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vaccine sởi là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh sởi.

5. Hãy đưa trẻ em đi tiêm chủng mũi 1 vaccine sởi ngay khi trẻ được 9 tháng tuổi và tiêm mũi 2 vaccine sởi lúc trẻ 18 tháng tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

6. Chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh Sởi cho trẻ từ 6-9 tháng, 1-10 tuổi tuổi nhằm mục đích phòng tránh bệnh sởi và các biến chứng gây hậu quả nghiêm trọng của bệnh.

7. Trẻ bị chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine phòng sởi trong tiêm chủng thường xuyên, nhất là ở các vùng dân cư tạm trú, di biến động, vùng sâu, vùng xa... cần được tiêm chủng trong chiếm dịch tiêm chủng vaccine sởi.

8. Các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh sởi trong chiến dịch tại các điểm tiêm chủng của y tế địa phương.

9. Vaccine phòng bệnh sởi là vaccine an toàn, hiệu quả; sau khi tiêm có thể có phản ứng nhẹ như sốt, nổi ban và sẽ tự khỏi sau vài ngày.

10. Cần đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu có biểu hiện khác thường như sốt cao > 39 độ C, quấy khóc kéo dài, tím tái, khó thở hay bú kém, bỏ bú sau khi tiêm chủng.

Bộ Y tế hỏa tốc yêu cầu tăng cường phân luồng, kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám, chữa bệnhBộ Y tế hỏa tốc yêu cầu tăng cường phân luồng, kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám, chữa bệnh

SKĐS - Bộ Y tế đề nghị các địa phương chuẩn bị thuốc, vật tư, thiết bị y tế để thực hiện công tác khám, chữa bệnh sởi, kiểm soát nhiễm khuẩn; Phân luồng và bố trí khu khám riêng trong khoa khám bệnh cho người nghi mắc sởi và người bệnh sởi...


Bài và ảnh Thái Bình
Ý kiến của bạn