Vụ tiêu hủy thuốc ung thư máu ở TP.HCM: Do là chương trình thí điểm đầu tiên tại Việt Nam!

12-05-2017 08:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - "Chúng tôi không vô cảm khi nhìn thấy hàng nghìn viên thuốc quý Tasigna trị ung thư máu bị đem đi tiêu hủy....."

Ngày 11/5, BS.CK II Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu Huyết học TP.HCM chia sẻ: “Tôi và tất cả nhân viên BV rất căng thẳng vì những thông tin về vụ tiêu hủy thuốc Tasigna trong thời gian vừa qua. Chúng tôi không vô cảm khi nhìn thấy hàng nghìn viên thuốc quý Tasigna trị ung thư máu bị đem đi tiêu hủy. Nhưng chúng tôi cũng phải rút kinh nghiệm cho những lần sau này. Thật sự đây là chương trình thí điểm đầu tiên trên cả nước và chưa có tiền lệ nên mới xảy ra sự việc này”.

“Vạn sự khởi đầu nan…”

BS.CK II Chí Dũng cho biết: “Vì sợ ảnh hưởng đến tính mạng của những bệnh nhân bị kháng thuốc đang chờ những viên Tasigna được tài trợ nhân đạo để chữa trị. Do lần đầu tiên thí điểm thuốc viện trợ có điều kiện nên không chỉ có BV lúng túng gặp nhiều khó khăn (về các quy định, hồ sơ…) mà cả các cơ quan chức năng cũng chưa từng gặp nên thủ tục phải xem xét kỹ lưỡng”.

 

BS.CK II Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu Huyết học TP.HCM

BS.CK II Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu Huyết học TP.HCM

 

BS.CK II Phù Chí Dũng cho biết thêm: “Theo chương trình GIPAP từ năm 2005, khoảng 700 bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy được viện trợ miễn phí hoàn toàn thuốc Glivec. Đến cuối tháng 7/2013, khoảng 200 người bệnh kháng thuốc Glivec cần được điều trị tiếp tục bằng thuốc Tasigna hoặc ghép tế bào gốc tạo máu để duy trì sự sống. Nhưng chi phí để ghép tế bào gốc rất tốn kém và không phải bệnh nhân nào cũng có nguồn để ghép nên việc dung thuốc Tasigna là cứu cánh cho những bệnh nhân kháng thuốc”.

Thuốc hết hạn một phần vì BV Truyền máu Huyết học TP.HCM không thể dự trù chính xác số lượng bệnh nhân tham gia chương trình, vì ban đầu khi làm việc với bệnh nhân thì rất nhiều bệnh nhân đồng ý tham gia tuy nhiên do có điều kiện cùng chi trả nên chỉ có 26 bệnh nhân có đủ tài chính mới tiếp tục tham gia, còn bệnh nhân khó khăn phải bỏ cuộc. Vì thế, dẫn đến việc thừa thuốc.

Theo báo cáo của BV, khởi đầu Công ty Novartis đề nghị tỷ lệ đồng chi trả cho bệnh nhân lên đến 10% (tương đương 100 triệu đồng/người/năm). Sau đó, bệnh viện phải thương lượng liên tục nên Công ty dược Novartis mới giảm xuống còn 4% (tương đương 42 triệu đồng/năm).

Khi đó, BV đã chủ động đề nghị Công ty Novartis cho phép mở rộng chương trình viện trợ đến các BV khác trong toàn quốc. Hoặc thông báo cho các nơi khác chuyển bệnh nhân đến (có biên bản cuộc họp vào ngày 6/10/2014), tuy nhiên do đặc thù của Tập đoàn đa quốc gia nên đề nghị này không thể thực hiện.

Không có chuyện thiếu thuốc cho bệnh nhân

BS.CK II Dũng khẳng định: “Không có tình trạng thiếu thuốc cho người bệnh sử dụng. Trước khi lô thuốc hết hạn, BV đã nhận được lô thuốc mới nên tất cả người bệnh tham gia chương trình đều được cấp phát đầy đủ. Dù phải bất lực hủy bỏ thuốc nhưng sự việc đã mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân. Trước mắt đã cứu được 26 người bệnh sử dụng kịp thời thuốc ở thời điểm đó. Ngày 1/1/2015, nhà tài trợ và Bộ Y tế đã mở chương trình VIPAP 2. Nếu bệnh nhân đã tham gia bảo hiểm y tế liên tục 36 tháng thì không phải trả 42 triệu đồng nữa mà được sử dụng thuốc Tasigna miễn phí, trong đó bảo hiểm trả 40%, công ty trả 60%. Hiện có 154 bệnh nhân dùng thuốc Tasigna, hiệu quả điều trị tương đương phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu”.

 

Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM

Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM

 

Được biết, Khi nhận thuốc viện trợ đều có những ràng buộc và kiểm soát chặt chẽ, vỏ thuốc sau khi bệnh nhân dùng cũng phải thu gom. Trên tinh thần viện trợ nhân đạo, khi tiếp nhận nhân viên BV phải làm thêm giờ, gửi báo cáo bằng tiếng Anh ra nước ngoài, quản lý bệnh nhân sử dụng... trên tinh thần vì sức khỏe bệnh nhân chứ những nhân viên này không được nhận thù lao.

 

Thanh tra TP.HCM công bố 19.997 viên thuốc Tasigna 200 mg trị ung thư máu được nước ngoài viện trợ cho BV Truyền máu Huyết học TP HCM phải hủy bỏ vì hết hạn sử dụng vào năm 2015. Đây là chương trình viện trợ có điều kiện đầu tiên nên chỉ 26 bệnh nhân có khả năng đồng chi trả để điều trị, không phải 50 như kế hoạch. Công ty dược chấp nhận hủy thuốc và thiệt hại về phía công ty này trị giá hơn 3,86 tỷ đồng thời điểm 2015. Liên quan vấn đề này, Sở Y tế TP.HCM cũng đã có công văn 2540 ngày 16/3/2017 hướng dẫn về việc tiếp nhận, quản lý tiền, hàng viện trợ, quà biếu, tặng cho các đơn vị trực thuộc của Sở Y tế và công văn 4318 ngày 05/5/2017 xử lí kinh phí kết dư nguồn tài trợ, viện trợ theo kết luận của Thanh tra TP.

 

 


Hương Giang
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn