Liên quan đến thông tin về lô thuốc gần 20.000 viên tasigna (thuốc đặc trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy kháng glivec) bị quá hạn phải tiêu hủy, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM cho hay, nguyên nhân chậm trễ là do thủ tục hành chính kéo dài lê thê. Về giá trị lô thuốc tính tại thời điểm năm 2015 là 3,865 tỷ đồng chứ không phải gần 14 tỷ đồng như đã có thông tin…
Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Truyền máu Huyết học (BV TMHH) TP.HCM cho biết: Từ ngày 26/11/2013, BV đã tiếp nhận và làm các thủ tục xin được cấp phép nhập khẩu lô thuốc hơn 34.608 viên tasigna 200mg. Hồ sơ xin nhập khẩu được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền như: Sở Y tế, Hội Liên hiệp Hữu nghị, Cục Quản lý Dược, Sở Tài Chính... Song, cho đến ngày 21/7/2014 thì Sở Tài chính mới có văn bản đồng ý và đến ngày 27/7/2014 thì lô thuốc này được nhập về tới cảng Tân Sơn Nhất.
Thuốc tasigna 200mg đặc trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy.
Tuy nhiên, Chi cục Hải quan TP.HCM không đồng ý cho BV TMHH TP.HCM nhận thuốc do hạn dùng dưới 12 tháng nên BV TMHH lại tiếp tục gửi công văn trình lên Sở Y tế, Bộ Y tế và Cục Hải quan để được hỗ trợ. Trong văn bản của Sở Y tế (ngày 6/8/2014), theo Khoản 1 Điều 7 Thông tư 45 có quy định: Trường hợp thuốc có hạn dùng dưới 24 tháng thì hạn dùng còn lại kể từ ngày cập cảng Việt Nam tối thiểu phải bằng 1/3 hạn dùng của thuốc. Do đó, Cục Hải quan đồng ý cho BV TMHH TP.HCM nhận thuốc để sử dụng kịp thời cho người bệnh mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy đã kháng Imatiinb. Sau đó, BV cũng nhận được văn bản chấp thuận lần 2 của Cục Quản lý Dược.
“Cuối cùng, BV cũng nhận được số thuốc về kho vào ngày 13/8/2014. Tổng số thời gian làm các thủ tục nêu trên kéo dài gần 12 tháng. Số lượng ban đầu được ước tính cho khoảng 50 người bệnh sử dụng trong vòng 12 tháng”, thông tin gửi báo chí của BV TMHH TP.HCM cho biết.
BS. Phù Chí Dũng - Giám đốc BV TMHH TP.HCM cũng cho biết, đây là chương trình tài trợ có điều kiện với sự đồng chi trả của người bệnh. Tức khi nhận thuốc người bệnh phải chi trả 4% (tương đương 42 triệu đồng), phần còn lại do phía nhà tài trợ chi trả. Cũng do quy định đồng chi trả này (tên là chương trình Tasigna copay), không cung cấp thuốc miễn phí 100% như đối với thuốc glivec trước đây nên ban đầu BV dự kiến có khoảng 50 người bệnh đủ điều kiện để tham gia. Tuy nhiên, khi nhận được thuốc, đối chiếu hồ sơ chỉ có 26 bệnh nhân đủ điều kiện và đến tháng 9/2014, chương trình mới chính thức được bắt đầu với 26 bệnh nhân.
Thông tin của BV TMHH TP.HCM cũng cho biết, với số lượng người tham gia chương trình ít như vậy, BV dự trù chắc chắn không thể nào sử dụng kịp số thuốc vừa nhập trước thời hạn. Do đó, BV đã tổ chức nhiều cuộc họp với người bệnh để giải thích về lợi ích của việc sử dụng tasigna. Tuy nhiên, số tiền đồng chi trả đối với bệnh nhân đa phần từ tỉnh lên vẫn quá lớn. BV đã đề nghị nhà tài trợ cho phép mở rộng chương trình đến các BV trong toàn quốc đang cùng điều trị bệnh lý CML bằng thuốc glivec hoặc thông báo cho các nơi chuyển bệnh đến. Tuy nhiên, công ty không đồng ý chuyển số thuốc này đến đơn vị khác và đồng ý hủy thuốc nếu không sử dụng hết.
Sau thời gian khẩn trương thúc đẩy các biện pháp, BV buộc phải để lại 19.997 viên tasigna hết hạn để xin phép cơ quan cấp trên tiêu hủy theo quy định. “Chúng tôi đã cố gắng hết sức trong việc tiếp nhận và sử dụng lô hàng tasigna viện trợ. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan mà chúng tôi không lường trước nên phải nhập lô hàng về kho với hạn dùng chỉ còn 10 tháng. Mặc dù phải hủy bỏ một số lượng thuốc ngoài ý muốn do các nguyên nhân khách quan nhưng chính nhờ nguồn thuốc quý này, chúng tôi đã cứu sống khoảng 26 người bệnh CML kháng glivec. Nếu không có nguồn thuốc này, tính mạng của 26 người bệnh này sẽ rất nguy kịch”, BS. Phù Chí Dũng nói.
BS. Dũng cũng cho biết thêm, nhờ có chương trình Tasigna copay khởi đầu với những tác dụng điều trị tích cực mà ngày 1/1/2015, Bộ Y tế đã phê duyệt chương trình thuốc viện trợ dành cho người bệnh có thẻ BHYT gọi là chương trình VPAP dành cho thuốc tasigna (BHYT chi trả 40% cho bệnh nhân). Tính đến nay, có khoảng 150 người bệnh được tham gia chương trình thuốc tasigna, giúp người bệnh ung thư có cơ hội sống và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Về giá trị của lô thuốc bị quá hạn sử dụng mà Thanh tra TP.HCM xác định gần 14 tỷ đồng, lãnh đạo BV TMHH TP.HCM cho rằng đó là thông tin không chính xác. Nếu căn cứ đúng thời điểm sử dụng và thời điểm giao dịch năm 2015 thì giá trị lô thuốc trên chỉ có giá trị khoảng 3,865 tỷ đồng.
Cục quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát và báo cáo sự việc bằng văn bản về Bộ Y tế (Vụ Bảo hiểm y tế và Cục Quản lý Dược) trước ngày 7/5/2017.