Để điều tra vụ án thao túng thị trường chứng khoán, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) vừa có văn bản đến 8 ngân hàng gồm:
- Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank);
- Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank);
- Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank);
- Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank);
- Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV);
- Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB);
- Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB);
- Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB).
Cụ thể, C01 đề nghị các ngân hàng phối hợp cung cấp: Hồ sơ mở tài khoản; thông tin tài khoản thanh toán, tiết kiệm, tiền vay (VND và ngoại tệ); sao kê tài khoản; sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch (các bút toán giao dịch ký, nhận, chuyển tiền) từ năm 2016 đến nay của ông Trịnh Văn Quyết và một số lãnh đạo, cựu lãnh đạo của Tập đoàn FLC. Trong số này, có bà Trịnh Thị Thúy Nga - phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS và Trịnh Thị Minh Huế - thành viên ban kế toán Tập đoàn FLC.
Cơ quan điều tra đề nghị các ngân hàng nói trên cung cấp thông tin tài liệu theo nội dung trên từ ngày 1/12/2021 đến trước ngày 15/4/2022.
Liên quan đến vụ án này, cơ quan chức năng bước đầu xác định, ông Trịnh Văn Quyết và các bị can đã sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc tạo cung cầu giả, đẩy giá cổ phiếu lên cao.
Trước đó, vào ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố, bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC) về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán".
Ít ngày sau, lần lượt 2 em gái của ông Trịnh Văn Quyết là các bà Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga cũng bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án này.
Vụ án xảy ra tại ra Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra trong ngày 10/1/2022, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.