Đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán sẽ bị xử lý thế nào?

06-04-2022 08:29 | Pháp luật
google news

SKĐS - Liên quan đến vụ án thao túng thị trường chứng khoán, Cơ quan điều tra đã tiếp tục bắt giữ hai đồng phạm giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết ở Tập đoàn FLC. Vậy chế tài xử lý đối với người giữ vai trò này như thế nào?

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã tiếp tục làm rõ hành vi phạm tội của Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban Kế toán Công ty CP Tập đoàn FLC và Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT Công ty CP Chứng khoán BOS với vai trò đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam thời hạn 3 tháng đối với Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga.

Ngày 4/4, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn các quyết định, lệnh tố tụng đối với Trịnh Thị Minh Huế. Tiếp đến, ngày 5/4, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn các quyết định, lệnh tố tụng đối với Trịnh Thị Thúy Nga theo quy định pháp luật.

Cơ quan Công an niêm phong tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết.

Cơ quan Công an niêm phong tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết.

Dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng luật sư Việt Lý (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, qua quá trình điều tra, nếu có căn xác định các cá nhân khác có hành vi giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán thì sẽ có đủ cơ sở để khởi tố các cá nhân này về tội danh tương tự với vai trò đồng phạm.

Theo Điều 17 – Bộ luật Hình sự 2015, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Trong đó, người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Hành vi của người này có thể ở dưới dạng như cung cấp phương tiện, công cụ, thông tin cần thiết để thực hiện tội phạm. Hoặc khắc phục những trở ngại cho việc thực hiện tội phạm; hứa che giấu người phạm tội hoặc hứa tiêu thụ tài sản do tội phạm mà có… Hành vi này không trực tiếp gây thiệt hại cho khách thể mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm.

Thông thường, hành vi giúp sức được thực hiện qua hành động. Tuy nhiên cũng có thể có trường hợp giúp sức không qua hành động. Đó có thể là những người có nghĩa vụ pháp lý phải hành động, nhưng đã cố ý không hành động. Qua đó đã loại trừ trở ngại khách quan ngăn cản việc thực hiện phạm tội. Tạo điều kiện cho họ có thể thực hiện, hoặc tiếp tục thực hiện phạm tội được đến cùng.

Hành vi giúp sức thường được thực hiện trước khi người thực hành thực hiện tội phạm. Nhưng cũng có trường hợp người giúp sức có hành vi tham gia khi tội phạm đang được tiến hành.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, người giúp sức là một trong những người đồng phạm. Do vậy, việc xác định đúng vai trò của người giúp sức trong đồng phạm là cơ sở quan trọng trong việc định tội danh và trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 58 - Bộ luật Hình sự 2015, khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đó.

Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng. Tuy nhiên, không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm, nhưng có vai trò không đáng kể.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hộ chiếu vaccine Việt Nam: Hơn 1.000 người đầu tiên đã được cấp, thay thế giấy tiêm chủng


H.P
Ý kiến của bạn