Việt Nam đã có đóng góp quan trọng tại Cuộc họp đầu tiên của LHQ về chấm dứt bệnh lao

28-09-2018 10:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại cuộc họp cấp cao lần đầu tiên của LHQ về chấm dứt bệnh lao toàn cầu Bộ trưởng Y tế Việt Nam PGS, TS Nguyễn Thị Kim Tiến đã cam kết sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các nỗ lực chung để không một cá nhân, một nước nào bị tụt hậu trong cuộc chiến nhằm "xóa sổ" bệnh lao vào năm 2030.

Tại cuộc họp cấp cao lần đầu tiên của LHQ về chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu với chủ đề “Đoàn kết để chấm dứt bệnh lao: Lời kêu gọi khẩn cấp toàn thế giới đối phó với một đại dịch toàn cầu” quy tụ những người đứng đầu ngành y tế từ các quốc gia thành viên LHQ cùng các đối tác. Bộ trưởng Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

Hội nghị nhằm mục đích thể hiện cam kết chính trị chấm dứt bệnh lao - căn bệnh đã tồn tại hơn 136 năm, mặc dù có nhiều nỗ lực trên toàn cầu, nhưng bệnh lao vẫn cướp đi sinh mạng của gần 2 triệu người mỗi năm, hàng chục triệu người mắc và tiếp tục lây truyền cho nhiều người khác. Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã công bố tuyên bố chính trị về chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu vào năm 2030.

Bộ trưởng Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị

Tổ chức Y tế Thế giới đã ban hành Chiến lược chấm dứt bệnh lao với 3 thành tố cơ bản đó là  phổ cập phát hiện điều trị lao chuẩn cho toàn dân miễn phí, các chính sách hỗ trợ đảm bảo hậu cần tốt nhất cho phòng chống lao, nghiên cứu và đổi mới phòng chống lao. Sự quan tâm chính trị cho việc thực hiện chiến lược này chưa mạnh ở nhiều quốc gia, vì vậy thiếu hụt tài chính, nhân lực được thấy phổ biến.  Lao có tính chất xã hội, với đường lây là đường hô hấp, vì vậy không thể chấm dứt bệnh lao trong một quốc gia mà phải cần sức mạnh toàn cầu.

Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị LHQ về chấm dứt bệnh lao

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị. Bộ trưởng đã đưa ra cam kết sẽ thực hiện thành công Chương trình chấm dứt bệnh lao, vì lợi ích chung của toàn nhân loại, vì cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Việt Nam cũng cam kết sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các nỗ lực chung để không một cá nhân, một nước nào bị tụt hậu trong cuộc chiến nhằm "xóa sổ" bệnh lao vào năm 2030.

Việt Nam ủng hộ tuyên bố chính trị cụ thể và hành động của Hội nghị và cam kết sẽ tập trung nguồn lực cần thiết, huy động tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình chấm dứt bệnh lao toàn cầu cùng với các Mục tiêu phát triển bền vững.

Hội nghị LHQ về chấm dứt bệnh lao

Trên thế giới có 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao, Việt Nam xếp thứ 16 đối với tất cả bệnh lao, xếp thứ 13 về lao kháng thuốc. Ước tính năm 2017, Việt Nam có thêm 126.000 người mắc lao và có 13.000 người chết do lao, đây là con số “không thể chấp nhận được”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh. Bởi hiện nay tỷ lệ tử vong như vậy vẫn rất cao, cao hơn tử vong do tai nạn giao thông.

Bộ trưởng Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến và Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia PGS.TS Nguyễn Viết Nhung tham dự hội nghị.

Hàng năm, Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tỷ lệ phát hiện đạt 81% số mắc mới hàng năm, con số này trên toàn cầu là 61%.  Duy trì tỷ lệ khỏi bệnh cao (trên 90% trong số mới mắc lần đầu). Lao đa kháng thuốc đã được phát hiện và điều trị với tỷ lệ khỏi bệnh cao, đến năm 2017 đã thu nhận điều trị cho 5827 người bệnh lao kháng thuốc với tỷ lệ khỏi bệnh trên 75%, con số này trên toàn cầu là 52%.

Hiện nay, Việt Nam có thể điều trị cho tất cả các thể lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc với phác đồ ngắn hạn và phác đồ có thuốc mới mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Dự kiến năm 2018 sẽ thu nhận 3420 trường hợp, năm 2019 là 4050 và năm 2020 là 4680 trường hợp . Có thể nói sẽ bao phủ toàn bộ số người mắc lao kháng thuốc để khống chế tỷ lệ lây truyền lao kháng thuốc tiên phát trong cộng đồng.

Bằng những cam kết tại hội nghị cấp cao của LHQ, Việt Nam đã hội đủ các điều kiện để thực hiện thành công chiến lược chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.


Hải Yến
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn